Sidebar

Thứ Bảy
18.01.2025

Các vận động viên làm chứng cho đức tin của mình tại Olympic Paris 2024

op1
 Vận động viên giành huy chương vàng người Mỹ Katie Ledecky,một người Công giáo,
ăn mừng khi lên bục vinh quang nội dung bơi tự do 800m nữ tại Olympic Paris 2024 vào ngày 03/8/2024.
(MANAN VATSYAYANA / AFP via Getty Images)


Một thoáng nhìn về những màn trình diễn đầy cống hiến của các tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới.

Thế vận hội Olympic Paris 2024 không chỉ là nơi bộc lộ năng lực thể thao mà còn là nơi thể hiện đức tin và sự cống hiến của các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới.

Bất chấp Quy tắc 50 của Hiến chương Olympic cấm mọi hình thức thể hiện tôn giáo, một số vận động viên đã không che giấu đức tin của mình và tự hào thể hiện đức tin đó vào những thời điểm quan trọng của cuộc thi đấu.

Vận động viên hàng đầu của Brazil tạ ơn Thiên Chúa vì cơ hội này.

Vận động viên thể dục dụng cụ người Brazil Rebeca Andrade đã giành được huy chương vàng trong trận chung kết trên sàn nữ, cũng là huy chương vàng Olympic thứ hai và huy chương thứ sáu tổng cộng, qua đó khẳng định mình là vận động viên giành huy chương xuất sắc nhất trong số các vận động viên đến từ đất nước của cô ấy. Trong cuộc thi, cô đã đánh bại Simone Biles, vận động viên thể dục dụng cụ Olympic người Mỹ, người đã giành được nhiều huy chương nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn với CazéTV, Andrade nhận xét: “Huy chương này không phải vì tôi đã cầu xin Thiên Chúa ban cho một huy chương; Người đã cho tôi cơ hội để giành được nó. Tôi đã trải qua mọi thứ mà tôi buộc phải trải qua: tôi đã làm việc; tôi đã đổ mồ hôi; tôi đã khóc; tôi đã cố gắng hết sức; tôi đã cười; tôi đã rất vui; tôi đã trải nghiệm. Vì vậy, tôi cảm thấy rằng tôi cũng đã biến điều này thành hiện thực và Người luôn ở đó để chúc phúc cho tôi, bảo vệ tôi và cảm thấy tự hào về tôi khi biết rằng người tôi tớ này của Người luôn cống hiến hết mình.”

 

op2
 Vận động viên giành huy chương vàng Novak Djokovic của Serbia tạo dáng trước các nhiếp ảnh gia với huy chương của mình tại lễ trao giải nội dung quần vợt đơn nam trên sân Philippe-Chatrier ở Roland-Garros Stadium tại Olympic Paris 2024 vào ngày 04/8/2024.
(Miguel Medina/AFP/Getty)


Tay vợt người Serbia Novak Djokovic, người đã giành huy chương vàng nội dung đơn nam sau khi đánh bại Carlos Alcaraz của Tây Ban Nha, không chỉ nổi bật nhờ kỹ năng trên sân mà còn vì đức tin Kitô giáo thuộc Giáo hội Chính thống của mình.

Trong suốt giải đấu, Djokovic đã đeo một cây thánh giá quanh cổ; và sau khi giành chiến thắng trong trận chung kết, anh ấy đã nói với giới truyền thông rằng Thiên Chúa là chìa khóa thành công của anh ấy. “Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho tôi lòng nhân từ của Người, cũng như đã ban cho tôi phúc lành và cơ hội này,” tay vợt này cho biết.

Các huy chương lịch sử dành cho Guatemala cũng là nhờ vào các vận động viên mang tinh thần cầu nguyện.

Ở môn bắn đĩa bay (tạm dịch từ trap shooting), hai vận động viên người Guatemala là Adriana Ruano và Jean Pierre Brol đã làm nên lịch sử khi giành huy chương cho đất nước của mình.

Ruano, người đã giành huy chương vàng đầu tiên cho Guatemala, bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa ở khu vực hỗn hợp khi chia sẻ rõ ràng rằng: “Người là Đấng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này; Người đã cho tôi sức mạnh và sự tự tin để có thể làm công việc này.” Sau chiến thắng của mình, Ruano đã đi đến Vatican, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chúc lành cho tấm huy chương của cô.

Jean Pierre Brol, người đạt huy chương đồng, cũng tạ ơn Thiên Chúa, chia sẻ trước khi bắt đầu cuộc thi rằng: “Tôi đã cầu xin Người ban cho tôi sự bình tĩnh, khôn ngoan để có thể xử lý tình huống và Người đã ban cho tôi, và đây là kết quả. Thế nên, tôi tạ ơn Người vì điều này.”

Một vận động viên khác đề cập đến “Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật và Sự Sống.”

 

op3
 Vận động viên trượt ván người Brazil Rayssa Leal.
(Rede do Esporte, CC BY 3.0 BR, via Wikimedia Commons)


Rayssa Leal, vận động viên trượt ván 16 tuổi người Brazil, không chỉ giành được huy chương đồng mà còn dùng khoảnh khắc ở Olympic của mình để tuyên xưng đức tin khi thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu rằng: “Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật và Sự Sống.”

Cử chỉ tương tự này đã được người đồng hương của cô, Caio Bonfim, lặp lại khi anh nhận huy chương bạc cho nội dung đi bộ khi hướng tay lên trời và thể hiện lòng sùng kính của mình đối với Chúa Giêsu.

Hơn thế nữa, một tình bạn cũng đã được sinh ra từ đức tin.

Vào ngày 28 tháng 7, vận động viên Judo người Brazil Larissa Pimenta đã giành được huy chương đồng ở hạng cân 52kg khi đánh bại người bạn nước Ý là Odette Giuffrida.

Pimenta chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng Giuffrida đã biết đến Thiên Chúa qua cô và sau thất bại, vận động viên người Ý đã nhắc nhở bạn mình rằng: “Tất cả danh dự và vinh quang phải được trao cho Người.” Cả hai cùng chia sẻ những thông điệp tạ ơn Thiên Chúa trên tài khoản Instagram của mình.

Và bức ảnh của năm cũng diễn tả đức tin.

Vận động viên lướt sóng Gabriel Medina ở Tahiti, huy chương đồng tại Olympic Paris 2024, đóng vai chính trong một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của sự kiện này.

Giơ ngón trỏ lên làm dấu hiệu chiến thắng khi đang ở trên không, Medina đã chia sẻ bức ảnh trên tài khoản Instagram của mình với câu trích dẫn trong Kinh Thánh: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đức Kitô, Đấng làm cho tôi vững mạnh.” (Pp 4,13)

 

op4
 Vận động viên lướt sóng Gabriel Medina ở Tahiti, huy chương đồng tại Thế vận hội Olympic Paris 2024,
đã chia sẻ bức ảnh này trên Instagram của mình kèm theo một câu Kinh Thánh.
(Jerome Brouillet / AFP qua Getty Images)


Những cách diễn tả đức tin khác cũng xuất hiện.

Vận động viên bơi lội người Nam Phi Tatjana Schoenmaker giành huy chương vàng ở nội dung 100m bơi ếch. Để bày tỏ lòng biết ơn, Schoenmaker đã mặc một chiếc áo phông đặc biệt có in tên những người đã ủng hộ cô, đứng đầu là Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.

Tsige Duguma người Ethiopia, người đã giành huy chương bạc trong cuộc đua tài 800m, cho thấy trên mặt sau chiếc áo đấu của cô có dòng chữ “Chúa Giêsu là Chúa”. Tương tự, Lucia Yepez người Ecuador, đô vật hạng 53kg, giành huy chương bạc môn vật tự do với chữ “Thiên Chúa” trên tay phải. Trong một cuộc phỏng vấn, Yépez nói: “Người hiện diện trên đường dẫn tôi đến chiến thắng. Tôi luôn vững tin.”

Andrea Sparelini-Sirieix của Vương quốc Anh, người giành huy chương đồng ở nội dung nhảy cầu đồng bộ 3m, nói với BBC rằng bất chấp những khó khăn mà cô đã trải qua, “đó chỉ là cách mà Thiên Chúa nói với chúng ta rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và tôi dâng mọi vinh quang về cho Thiên Chúa.”

Và vận động viên chạy vượt rào và chạy nước rút người Mỹ Sydney McLaughlin-Levrone, một Kitô hữu sùng đạo, từng theo học tại trường trung học Union Catholic ở Scotch Plains, New Jersey, đã nói “Tạ ơn Người, lạy Thiên Chúa” sau khi cô giành được huy chương vàng trong nội dung điền kinh 400m vượt rào, trong đó cô đã phá kỷ lục thế giới của riêng mình. Trong các cuộc phỏng vấn tiếp theo, cô cũng đề cập đến đức tin của mình ở Paris. Ngôi sao điền kinh thường nhắc đến Kinh Thánh và tạ ơn Thiên Chúa trong các cuộc phỏng vấn và trên mạng xã hội.

 

op5
 Tổng thống Joe Biden trao Huân chương Tự do của Tổng thống cho vận động viên bơi lội người Mỹ Katie Ledecky
tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng ở Washington, D.C., vào ngày 03/5.
(ANDREW CABALLERO-REYNOLDS / AFP via Getty Images)


Ở môn bơi lội, Katie Ledecky người Mỹ đã trở thành vận động viên bơi lội có nhiều huy chương vàng nhất trong lịch sử Olympic, nâng tổng số huy chương vàng của cô lên con số 9 sau chiến thắng ở nội dung 800m tự do.

Ledecky, người Công giáo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với National Catholic Register vào năm 2016 rằng cô đọc một Kinh Kính Mừng trước mỗi cuộc đua tài: “Hơn bất cứ điều gì, cầu nguyện hoàn toàn giúp cho tôi tập trung và buông bỏ những thứ không quan trọng trong thời điểm đó. Nó mang lại cho tôi sự bình yên khi biết mình đang được dìu dắt.”

Vận động viên bơi lội này cũng ca ngợi lòng sùng kính Đức Mẹ Maria khi lưu ý rằng: “Mẹ có một vai trò thánh thiêng trong đạo Công giáo, đức tin mạnh mẽ và sự khiêm nhường của Mẹ là những điều mà từ đó chúng ta có thể học hỏi được.”

Tác giả: Diego López Colín - Nguồn: National Catholic Register (10/8/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

243    13-08-2024