Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Các vị thánh dành để chuyển cầu trong các thảm họa thiên nhiên

Những người sống sót sau các trận cuồng phong hoặc sau các nỗi khốn cùng khác bắt nguồn từ thế giới tự nhiên có thể kêu đến những vị chuyển cầu này.

as123
 Giuseppe Cassar/CC BY-SA 3.0 | Public Domain (x2)


Sau cơn bão, những người bị ảnh hưởng thấy mình bị bao quanh bởi sự tàn phá, đang phải khóc thương những người đã mất và đang cố gắng để xây dựng lại. Khi chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân và những người sống sót sau các trận cuồng phong, các vị thánh đã từng chịu đựng cách tương tự có thể tham gia cầu nguyện với chúng ta. Và khi nhận ra được cách chúng ta có thể giúp đỡ - cho dù qua việc dành thời gian, chuyên môn hay tiền bạc - thì chúng ta vẫn có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ những vị Thánh là những người cũng đã làm việc để xây dựng lại giữa cảnh hoang tàn.

Thánh Gregory Thaumaturgus (213-270) là một học giả đền từ vùng Tiểu Á, người đã cải đạo sang Kitô giáo khi còn là một thiếu niên. Ngài trở thành Giám mục thành Caesarea, nơi vốn chỉ có 17 Kitô hữu; truyền thống kể rằng vào cuối nhiệm kỳ của thánh Gregory, chỉ còn 17 người ngoại giáo, do lời rao giảng và vì nhiều phép lạ mà ngài đã làm. Những phép lạ này đã mang lại cho ngài biệt danh “Gregory, Người làm nên những việc Diệu kỳ (Gregory the Wonder Worker)”. Nhưng ngoài những cách chữa bệnh thông thường, những lời cầu nguyện của thánh Gregory còn có tác dụng kỳ diệu đối với thế giới tự nhiên - loại phép lạ được cần đến cách khẩn cấp ở những vùng đất bị bão tàn phá. Ngài đã từng làm cạn khô một cái hồ để giải quyết một vụ tranh chấp đất đai. Thánh nhân ra lệnh cho một tảng đá khổng lồ di chuyển và dõi theo trong khi nó tuân lệnh. Và trong một lần, thánh Gregory cầu nguyện trên một con sông thường xuyên gây ngập lụt; sau khi ngài cắm cây trượng xuống đất, nó mọc thành một cái cây và nước của con sông đó không bao giờ vượt qua mức của cái cây đó nữa.

Thánh Frigidian thành Lucca (mất năm 588) là một linh mục người Ailen, người được gọi từ nơi ẩn tu của mình để làm Giám mục thành Lucca, nước Ý. Thánh Frigidian đã cải tổ hàng giáo phẩm, nhưng ngài cũng dành thời gian để lao động bằng đôi tay của mình. Khi nhà thờ chánh toà ở Lucca bị người Lombard đốt cháy, thánh Frigidian đã xây dựng lại nó. Và khi người dân địa phương yêu cầu sự giúp đỡ của ngài vì một con sông luôn tràn bờ, thánh Frigidian không chỉ cầu nguyện chống lại vấn nạn mang tính hệ thống này. Thay vào đó, ngài lấy ra một cái cuốc, cầu nguyện trên nó, sau đó kéo nó qua lớp bùn để đào một dòng chảy an toàn hơn dành cho con sông, con sông đã đổi dòng để chảy theo hướng do thánh Frigidian sắp đặt.

Thánh Stephen Theodore Cuénot (1802-1861) là một Giám mục người Pháp truyền giáo tại Việt Nam, người đã thành công đến mức giáo phận duy nhất của ngài phải sớm chia làm bốn để đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn người cải đạo mà Đức Giám mục Cuénot và giáo dân của ngài đã thực hiện. Ngài bị bắt vì đức tin và bị bỏ tù, nhưng lũ lụt ở miền Trung Việt Nam năm đó, nên nước dâng cao trong phòng giam của ngài, ngập đến thắt lưng. Tình trạng chìm ngập một phần của ngài kéo dài đến mức làm Đức Giám mục Cuénot lâm bệnh nặng. Căn bệnh này sớm khiến ngài kiệt sức và ngài qua đời chỉ sau ba tuần trong tù.

Thánh Paula Frassinetti (1809-1882) là người sáng lập Dòng Nữ tu thánh Dorothy người Ý. Là một phụ nữ trẻ ít nói và nhút nhát, nhưng Thánh Paula lại can đảm khi đến với các linh hồn, đặc biệt là để chăm sóc các Nữ tu trong dòng của mình. Một tu viện nằm trong một thung lũng đã trải qua lũ lụt nghiêm trọng; để khuyến khích các Nữ tu ở đó, Mẹ Paula đã liều mình đến thăm họ. Tại một đoạn trên hành trình, bánh xe của ngài bị ngập hoàn toàn và con ngựa thì vô cùng sợ hãi. Người lái xe bắt đầu quay lại, nhưng Mẹ Paula lại nhất quyết yêu cầu rằng phải đi tiếp. Chỉ một lúc sau, một tiếng động khủng khiếp khiến họ quay đầu lại và nhìn thấy con đường nơi mà lẽ ra họ đã bị cuốn trôi. Vì trách nhiệm của mình đối với những người bị lũ lụt này, Mẹ Paula đã được cứu - và các Nữ tu nơi Mẹ sắp đến đã tiếp thêm sức mạnh cho lòng kiên trì.

Thánh Rosa Fan Hui (1855-1900) là một giáo viên người Hoa độc thân đã được rửa tội khi còn nhỏ và lớn lên trong một gia đình Công giáo. Khi phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nổ ra, Rosa trở về quê nhà của mình, hy vọng tránh được cuộc đàn áp nhưng cũng chuẩn bị cho cái chết của mình. Thánh nữ đã bị phản bội để đem nộp các Nghĩa Hòa Đoàn và bị tra tấn, trong thời gian đó thánh nữ cầu nguyện một cách bình tĩnh. Vào một lúc, thánh nữ cắt ngang sự hành hạ, nói rằng, "Hãy đợi cho đến khi tôi hoàn thành lời cầu nguyện của mình, sau đó các người có thể giết tôi." Họ tôn trọng yêu cầu này, rồi khi Rosa ngụ ý rằng mình đã sẵn sàng thì các Nghĩa Hòa Đoàn tấn công ngài, sau đó ném ngài xuống sông để chết đuối.

Thánh George Preca (1880-1962) là một linh mục người Malta sống sót sau một lần suýt chết đuối khi còn nhỏ. Được một ngư dân đi ngang kéo ra khỏi vùng nước, Preca tiếp tục trở thành linh mục và hoạt động tích cực cho việc đào tạo về giáo lý dành cho giáo dân Malta. Ngài đã thiết lập một hệ thống đào tạo giáo dân để họ có thể hướng dẫn những người khác. Vào thời điểm đó, việc trao quyền như vậy cho giáo dân được coi là đáng ngờ và cha George được lệnh phải đóng cửa tất cả các trung tâm giáo lý mà ngài đã mở. Hăng hái vâng lời, ngài đã làm đúng theo điều đó. Các trung tâm đã được mở lại vào năm sau (với phép lành của Đức Giám mục) và cha George được công nhận là một món quà tuyệt vời dành cho Giáo hội Malta, tất cả là vì ngài đã được cứu thoát khỏi chết đuối nhiều năm trước đó.

Tác giả: Meg Hunter-Kilmer - Nguồn: aleteia.org (06/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

455    06-09-2021