fizkes | Shutterstock |
Người Kitô hữu nhận được lệnh truyền là phải yêu thương kẻ thù của mình, nhưng làm sao để chúng ta thực sự làm được điều đó?
Không có gì ghi dấu ấn trong đời sống của người Kitô hữu cho bằng tình yêu - tình yêu dành cho Thiên Chúa, tình yêu dành cho tha nhân. Người Kitô hữu không chỉ được mời gọi để yêu thương những người mà chúng ta cảm thấy dễ dàng để yêu thương; nhưng chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương kẻ thù của mình.
Kẻ thù xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta theo những cách khác nhau. Họ có thể là những người tích cực phá hoại hay ngược đãi chúng ta, nhưngthường thì họ cũng chỉ là những người mà chúng ta không hợp ý hay không thích - một người hàng xóm hay tự ái, một mẹ chồng hằn học, một nhà lãnh đạo chính trị có quan điểm đối lập, bất kỳ một số người nào đó trên mạng xã hội.
Thật dễ dàng để yêu thương những người chúng ta thích và thật khó khăn để yêu thương những người chúng ta không thích. Khi chúng ta không thích ai đó, chúng ta muốn tránh xa họ và thậm chí muốn nhìn thấy họ thất bại, hay ít nhất là không được tán thưởng vì những gì chúng ta tin là hành vi xấu.
Nhưng một Kitô hữu không có quyền lựa chọn. Nếu chúng ta muốn sống đức tin của mình một cách chân chính, chúng ta phải tìm cách để yêu thương những người mà chúng ta không thích. Làm sao để chúng ta có thể làm được điều này? Chúng ta có thể bắt đầu với một điều gì đó cơ bản…
Hãy nhớ tình yêu thật sự là gì…
Tình yêu đã được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau trong nhiều thiên niên kỷ, và có nhiều loại tình yêu khác nhau, nhưng có một định nghĩa phản ánh ý nghĩa Kitô giáo về tình yêu đến từ Thánh Tôma Aquinô: Tình yêu là mong muốn với điều tốt đẹp cho người khác.
Tình yêu chủ yếu không phải là để cảm nhận những cảm xúc tốt đẹp hay tận hưởng sự đồng hành từ một ai đó. Tình yêu thực sự là mong muốn những gì tốt nhất cho người khác. Vì chúng ta có thể mong muốn điều tốt đẹp cho những người mà chúng ta không thích, bất kể chúng ta cảm thấy thế nào về họ, nên chúng ta cũng có thể yêu thương những người đó. Khi chúng ta mong muốn và tìm kiếm những gì tốt nhất cho họ, chúng ta đang yêu thương họ như yêu thương chính bản thân mình và như Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta.
Nhưng tình yêu không dừng lại ở đó.
Hãy trao ban một điều gì đó thuộc về chính bạn
Tiến sĩ Tom Neal trên trang Word on Fire đã viết về việc làm thế nào mà Công đồng Vaticanô II, dựa vào thần học của Karol Wojtyła (Thánh Gioan Phaolô II), đã xây dựng trên định nghĩa của Tôma Aquinô về tình yêu bằng cách liên kết việc “mong muốn điều tốt đẹp cho người khác” với một món quà khác vốn đi kèm với mong muốn này - đó chính là sự hiến thân.
Hơn nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho mọi người nên một..., như chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu đã mở ra những viễn tượng mà lý trí con người không thể tự đạt tới được. Như vậy, Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân. (Gaudium et Spes, số 24)
Mong muốn những điều tốt đẹp của người khác không chỉ là cầu chúc cho họ những điều tốt đẹp trong đầu, mà còn sẵn sàng trao ban một điều gì đó của chính bản thân mình cho họ. Đó có thể là một hành động thể hiện sự tử tế hay ân cần, hay một hành động trợ giúp thiết thực, nhưng có lẽ quan trọng nhất, đó chính là lời cầu nguyện.
Cầu nguyện cho những người bạn không thích
Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của mình. Cho dù họ xuất hiện dưới hình thức là các thành viên trong gia đình làm chúng ta khó chịu vào một thời điểm nào đó, hay những người xa lạ mà chúng ta tin rằng đang gây nguy hiểm cho mọi người theo một cách nào đó - thì chúng ta cũng đều có thể cầu nguyện cho họ.
Hãy cầu nguyện cho những người bạn không thích trong các kinh nguyện hàng ngày, vào Thánh Lễ Chúa Nhật, nơi lời kinh mân côi của bạn. Khi bạn gặp những người này trong cuộc sống hàng ngày, hãy cầu xin Thiên Chúa ban phúc lành cho họ. Điều này có thể khó thực hiện, nhưng khi bạn biếnthực hành này thành thói quen, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và điều có thể xảy ra là cuối cùng lời cầu nguyện này sẽ làm tâm hồn bạn dịu đi đối với những người bạn cảm thấy khó yêu thích.
Yêu thương những người mà chúng ta không thích chính là chọn lựa để mong muốn điều tốt đẹp cho họ. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên một chứng nhân đích thực hơn cho tình yêu Thiên Chúa.
Tác giả: Zoe Romanowsky - Nguồn: aleteia.org (04/10/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên