Sidebar

Thứ Tư
19.03.2025

Cách đối phó với sự thiên vị trong đời sống gia đình

trvgd1
 Lightspring | Shutterstock


Nếu con
cái bạn đang phải đấu tranh với cảm giác chúng không phải là con cưng hoặc bậc cha mẹ đang phải đấu tranh với nhận thức của chính mình, thì bài viết này
là dành cho bạn!

Là một trong chín người con, tất cả chúng tôi thường trêu chọc cha mẹ mình bằng cách hỏi, Con có phải là con cưng của cha mẹ không? Lúc đó, cha tôi rất vô lý và sẽ nói với đứa trẻ trước mặt ông -- bây giờ ông cũng làm như vậy với các cháu. Tuy nhiên, mẹ tôi sẽ cắt ngang cuộc tranh luận bằng một câu đơn giản: Mẹ không có con cưng.

Tuy nhiên, quan niệm về sự thiên vị ăn sâu vào nhiều gia đình và đó là một câu hỏi có thể âm thầm ám ảnh tâm hồn của một đứa trẻ: Con có phải là con cưng của cha mẹ không? Hay tệ hơn, Tại sao không phải là con?

Có lẽ ngay cả cha mẹ, trong những khoảnh khắc yên tĩnh hơn, cũng đấu tranh với những cảm xúc mà họ không bao giờ mong đợi - một mối liên hệ mạnh mẽ với một đứa con khiến họ nghi ngờ sự công bằng của chính mình. Hãy thành thật mà nói: cuộc sống gia đình đôi khi có thể giống như một dạng hài kịch tình huống (sitcom) mà ai đó phải hét lên, Tại sao Johnny lại được hai muỗng kem trong khi con chỉ được một?! Tin tốt là gì? Việc điều hướng những cảm xúc này bằng một chút hài hước và thật nhiều tình cảm thực sự có thể giúp các gia đình gần lại với nhau hơn.

Vấn đề về nhận thức

Trẻ em là những thám tử bẩm sinh - và không phải là loại tinh tế. Chúng sẽ để ý xem ai là người có nụ cười tươi nhất khi bước vào phòng, dự án khoa học của ai được treo trên tủ lạnh và ai có vẻ dành nhiều thời gian nhất với bố hoặc mẹ. Chúng cũng sẽ cho bạn biết khi nào là không công bằng bằng một phản ứng thực sự xứng đáng với giải Oscar. Mặc dù những nhận thức này có thể không phải lúc nào cũng dựa trên thực tế, nhưng chúng rất quan trọng. Cảm thấy ít được nhìn nhận hoặc ít được coi trọng có thể gieo mầm cho nỗi bất an trong trái tim trẻ thơ.

Tất nhiên, cha mẹ biết rằng tình yêu không phải là một trò chơi có tổng bằng không. Yêu thương một đứa trẻ sâu sắc không làm giảm tình yêu dành cho những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình rất hỗn độn và đôi khi tính cách của một đứa trẻ dễ dàng hòa hợp với đứa trẻ này hơn đứa trẻ khác. Đứa này có thể chia sẻ tình yêu dành cho thể loại phim khoa học viễn tưởng của cha mẹ; đứa khác có thể là người tranh luận hăng say khiến cuộc trò chuyện trong bữa tối trở nên sôi nổi (và đôi khi mệt mỏi). Những khác biệt này có thể tạo ra nhận thức - đúng hoặc sai - về sự thiên vị.

Trân trọng những món quà độc đáo

Dù là tự nhiên hay do được lĩnh hội được, thì một cách để chống lại sự thiên vị chính tán dương những đặc điểm độc đáo do Thiên Chúa ban tặng cho mỗi đứa trẻ. Cũng giống như không có hai vị thánh nào sống cuộc đời giống hệt nhau, thì cũng không có hai đứa trẻ nào sẽ đi theo cùng một con đường. Đứa trẻ này có thể là một nghệ sĩ với trí tưởng tượng phong phú; đứa trẻ khác khác có thể là người gìn giữ hòa bình cho gia đình với trái tim phục vụ. Một người thậm chí có thể là diễn viên hài chuyên về những trò đùa gõ cửa không bao giờ kết thúc. (Về điểm này, bậc làm cha mẹ, hãy mạnh mẽ lên.)

Bằng cách chủ động nhận ra và khẳng định những khác biệt này, cha mẹ có thể cho con cái thấy rằng mỗi đứa trẻ đều được trân trọng không phải bất chấp sự khác biệt của chúng mà là vì chính chúng.

Điều này không đòi hỏi những cử chỉ lớn lao. Những hành động đơn giản, có chủ đích - như dành thời gian riêng để thực hiện một hoạt động mà trẻ yêu thích, bày tỏ lòng biết ơn đối với những điểm mạnh độc đáo của chúng hoặc lắng nghe chăm chú suy nghĩ của chúng - những điều có thể củng cố cảm giác rằng bản thân chúng có giá trị. Thêm vào đó, thật thú vị khi được biết con mình là những con người nhỏ bé tuyệt vời.

Đấu tranh với những định kiến ​​bên trong

Cha mẹ không miễn nhiễm với những khuynh hướng của con người. Đôi khi, thậm chí không nhận ra, cha mẹ có thể mang khuynh hướng chú tâm đến một đứa trẻ có sự kết nối dễ hơn. Nhưng nhận ra những khuynh hướng này là bước đầu tiên để vượt qua chúng.

Một cách thực hành hữu ích là suy ngẫm về những khoảnh khắc vui vẻ và biết ơn với mỗi đứa trẻ. Việc ghi nhật ký về những tương tác tích cực có thể giúp cha mẹ phát triển sự trân trọng cân bằng hơn đối với những món quà đa dạng của con mình. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự đóng góp từ vợ/chồng, người cố vấn hoặc người bạn đáng tin cậy có thể cung cấp góc nhìn - và thậm chí có thể là một sự kiểm tra về tính thực tế khi bạn cảm thấy tội lỗi mà không có lý do.

Góc nhìn của Thiên Chúa

Bây giờ, chúng ta có thể tưởng tượng rằng Chúa Cha có một hoặc nhiều đứa con cưng. (Tất nhiên là không tính Chúa Giêsu. Suy cho cùng, Người là Con Thiên Chúa, hoàn hảo về mọi mặt, kể cả tình yêu dành cho Chúa Cha.) Nhưng Kinh Thánh vẽ nên một bức tranh rộng lớn hơn về tình yêu của Thiên Chúa - một tình yêu bao la đến mức nó bao trùm mỗi chúng ta như những người con trai và con gái được đong đầy yêu thương. Trong mắt Thiên Chúa, không ai bị lãng quên hay bỏ qua. Tình yêu của Người là vô hạn, cá nhân và hoàn toàn phù hợp với mỗi người chúng ta.

Do đó, nếu Thiên Chúa không có đứa con cưng (mặc dù phải quản lý gia đình lớn nhất thế giới), thì cha mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm. Vẫn luôn có đủ chỗ cho mọi người tại bàn ăn của Thiên Chúa.

Biến sự so sánh thành lòng trắc ẩn

Trẻ em cũng được hưởng lợi từ việc học cách quản lý cảm giác ghen tị hoặc cạnh tranh. Khuyến khích anh chị em khẳng định điểm mạnh của nhau có thể nuôi dưỡng sự đồng cảm và thấu hiểu. Hãy dạy trẻ coi gia đình là một tổ đội, nơi mà mọi món quà của mọi người đều đóng góp vào tổng thể để xây dựng tình đoàn kết.

Cha mẹ có thể làm gương ở đây, thể hiện lòng biết ơn không chỉ đối với con cái của mình mà còn đối với những món quà đa dạng của những người khác trong cộng đoàn của họ. Điều này củng cố ý tưởng rằng mỗi người đều có giá trị riêng. Và này, biến sự ganh đua giữa anh chị em thành những cuộc tranh luận thân thiện về việc ai thực sự làm ra mẻ bánh quy ngon nhất? Đó đúng là niềm vui tuyệt vời từ gia đình.

Cuối cùng, liều thuốc giải cho sự thiên vị không phải là giả vờ rằng sự khác biệt không tồn tại - mà là trân trọng những khác biệt đó bằng trái tim rộng mở và có thể là một chút tiếng cười. Khi cha mẹ cố gắng yêu thương mỗi đứa trẻ một cách độc đáo nhưng vẫn bình đẳng, họ phản ánh tình yêu vô bờ bến, rộng lượng của Thiên Chúa. Và khi trẻ em thấy rằng chúng được coi trọng vì chính con người chúng, chúng sẽ hiểu được một chân lý tuyệt đẹp: theo một cách nào đó, chúng là những đứa con được Thiên Chúa yêu quý - giống như tất cả chúng ta.

Tình yêu không cần thứ hạng. Nó chỉ cần không gian để phát triển (và có thể thêm một vài muỗng kem trên đường đi).

Tác giả: Cerith Gardiner - Nguồn: Aleteia (10/02/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

114    11-02-2025