Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Cách giúp “đứa con giữa” không cảm thấy lạc lõng

middlechild
 Arsenie Krasnevsky I Shutterstock


Khi một gia đình ngày càng đông con, đôi lúc đứa con giữa phải gặp khó khăn để tìm vị trí cho mình.

Sự ra đời của đứa con đầu lòng biến một cặp vợ chồng thành cha mẹ. Catherine Dumonteil-Kremer, chuyên gia tư vấn về gia đình và nhà giáo dục theo phương pháp Montessori cho biết: “Đứa con cả là người dạy tất cả chúng ta về vai trò của mình trong tư cách là cha mẹ. Khi đứa con đầu lòng chào đời, những bậc cha mẹ mới xoay sở để tìm cách nuôi dạy con cái, mới trải qua những nỗi lo mới trong tư cách là cha mẹ và ngạc nhiên trước những thành tích cũng như thành công đầu đời của con mình.

Khi gia đình của họ ngày càng đông con, đứa con giữa có thể gặp khó khăn trong việc tìm vị trí cho mình. Chúng bị kẹp giữa đứa lớn tuổi nhất, người mang theo niềm vui và nỗi sợ hãi của tất cả những ngày đầu thành lập gia đình, và đứa trẻ tuổi nhất, chưa tự lập, có xu hướng độc chiếm hầu hết thời gian rảnh rỗi của cha mẹ.

Một số dạng gia đình có thể giúp đứa con thứ tìm được vị trí của mình; ví dụ, nếu đứa con thứ hai là con trai với các chị gái và em gái. Nhưng khi gia đình có hai gái rồi một trai, thì cô con gái thứ hai có thể khó nổi bật hơn chị gái.

Để bắt đầu, điều quan trọng là phải nhìn nhận bằng lời nói những thành tựu độc đáo của mỗi đứa trẻ mà không so sánh chúng với nhau. Chẳng hạn, việc nói rằng “Thật tuyệt khi con có thể chạy nhanh như vậy” sẽ tốt hơn là “Con chạy nhanh hơn rất nhiều so với anh trai khi ở độ tuổi của con”.

Một không gian (vật lý) dành riêng cho mỗi đứa trẻ

Nhà giáo dục nuôi dạy con cái Elisabeth Crary nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của ranh giới đối với mỗi đứa trẻ: “Một số thứ dành cho chúng, còn những thứ khác thì không. Chúng có thể đi một số nơi này nhưng không phải những nơi khác.Điều lý tưởng cần nhắm đến là mỗi đứa trẻ nên có một không gian riêng, ngay cả khi đó chỉ là một ngăn kéo dành riêng cho chúng trong tủ quần áo chung trong phòng ngủ.

Điều này cho phép mỗi đứa trẻ có vị trí đặc biệt của riêng mình. Đối với đứa con thứ hai, đó là nơi mà đứa lớn nhất không thể bình luận hay ra lệnh, và nơi đứa nhỏ nhất không thể đến để gây rối. Đó là nơi dành cho những thứ mà đứa con thứ hai có thể có cho riêng mình mà không để cho đứa con út đụng chạm vào mọi thứ.

Đối với Elisabeth Crary, có một số bí quyết để tránh xung đột giữa anh chị em với nhau:

- Mỗi đứa trẻ đều cần cảm thấy được yêu thương.

- Mỗi người đều cần có khả năng khám phá thế giới, đồng thời học cách quản lý cảm xúc của chính mình và của người khác.

- Chúng phải học cách thỏa mãn nhu cầu của mình và phát triển các đường hướng xã hội.

Tất cả những điểm đó đều có tác động đến vị trí của một đứa trẻ trong gia đình. Bậc làm cha mẹ cần hỗ trợ mọi đứa con, đặc biệt là đứa con giữa. Những đứa trẻ lớn hơn sẽ có những nhu cầu khác (chẳng hạn như cần giúp làm bài tập về nhà) so với những đứa trẻ nhỏ nhất (chẳng hạn như những đứa trẻ có thể cần được tắm rửa). Đứa con giữa có thể cảm thấy lạc lõng nếu cha mẹ không đảm bảo dành thời gian để quan tâm đặc biệt đến chúng.

Đón nhận cảm xúc của con bạn

Catherine Dumonteil-Kremer nói: “Chúng tôi muốn [các con của chúng tôi] hòa thuận, yêu thương nhau, (…) hỗ trợ lẫn nhau trong suốt cuộc đời của chúng. Nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải đón nhận cảm xúc của con mình. Khi một đứa con giữa nói rằng anh chị lớn là kẻ bắt nạt, hoặc rằng có một đứa em trai hoặc em gái đang khiến cuộc sống của chúng trở nên bế tắc, thì chúng ta không nên phủ nhận cảm xúc đó bằng cách trả lời: ‘Nhưng dù sao thì con cũng yêu anh/em con phải không?’”

Thay vào đó, hãy cố gắng tiếp cận với chúng, thừa nhận cảm xúc của chúng mà không phán xét chúng. Chúng ta có thể nói những câu như: “Con cảm thấy đau lòng khi anh ấy chế nhạo con, phải không?” Hoặc “Con có muốn em trai của con không chơi với con nữa ngay bây giờ không?” Bằng cách này, đứa trẻ cảm thấy rằng chúng ta nhận ra cảm xúc của chúng. Chúng biết mình có thể cởi mở với cha mẹ hơn là khóa chặt cảm xúc của mình.

Dù bậc cha mẹ có chọn cách nào để thể hiện tình yêu của mình dành cho con cái - chẳng hạn như các hoạt động đặc biệt dành riêng cho một đứa con vào ngày sinh nhật - thì bậc cha mẹ cũng cần giúp đứa trẻ tin vào lời Chúa nói với ngôn sứ Giêrêmia: “Ta yêu ngươi bằng một tình yêu vĩnh cửu.” (Gr 31,3)

Con cái chúng ta sẽ cảm thấy được chúng ta biết đến và nhìn nhận, và chúng sẽ biết rằng chúng đang được yêu thương.

 

Tác giả: Caroline Moulinet – Nguồn: Aleteia (01/7/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

445    03-07-2023