Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Cách hiểu về lời khen của Chúa Giêsu dành cho Thánh Batôlômêô

stbartholomew
 Public Domain


Còn được gọi là Nathanaen, vị thánh được mừng kính ngày hôm nay là môn đệ đầu tiên đã nhìn nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo ghi nhận từ các sách Phúc Âm.

Hôm nay là ngày lễ mừng kính Thánh Batôlômêô, Tông đồ. Việc khám phá Kinh Thánh và truyền thống cho thấy ngài là một nhà truyền giáo có đời sống chính trực và chiêm niệm, một mẫu gương điển hình cho thời đại chúng ta, một thời đại đang bị bủa vây bởi sự bận rộn và bối rối quá mức về bản chất của sự thật.

Người ta tin rằng, sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thánh Batôlômêô đã cùng với Thánh Philipphê đi rao giảng Phúc Âm ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tiểu Á. Sau đó, ngài đã mang tin Tin Mừng đến Ấn Độ và được cho là đã tử vì đạo ở Armenia.

Thoạt nhìn, bản thân các sách Phúc Âm không nói gì nhiều về Thánh Batôlômêô, mặc dù tên của ngài cũng thuộc nhóm Mười hai. Tuy nhiên, nếu chúng ta đào sâu một chút, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều điều về Thánh Batôlômêô hơn những gì chúng ta mới nhận ra lúc ban đầu.

Mặc dù ngày nay Thánh Batôlômêô được xem là một cái tên phù hợp, nhưng đó lại không phải là trường hợp của 2.000 năm trước. Cũng như Simon Phêrô đôi khi được gọi là Simon Bar-Jonah, có nghĩa là Simon, con trai của Jonah, tên Batôlômêô thực sự có nghĩa là con trai của Tholomai. Vậy thì danh xưng “con trai của Tholomai” thật ra là ai?

Hầu hết các học giả đều tin rằng danh xưng này là nói đến Nathanaen.

Các sách Tin Mừng nhất lãm (của Thánh Matthêu, Marcô và Luca) chỉ đề cập đến Batôlômêô nhưng không bao giờ nhắc đến cái tên Nathanaen. Thánh Gioan thì làm ngược lại: Ngài nói về Nathanaen nhưng không đề cập đến cái tên Batôlômêô. Các tác giả Tin Mừng nhất lãm luôn tạo sự nối kết giữa tên của Thánh Batôlômêô với tên của Thánh Philipphê; còn theo Thánh Gioan, Nathanaen là bạn thân của Thánh Philipphê, và được Thánh Philipphê đưa đến để gặp Chúa Giêsu. Hơn nữa, Thánh Batôlômêô còn được liệt kê trong nhóm Mười hai theo các sách Tin Mừng nhất lãm. Thánh Gioan, người không bao giờ sử dụng thuật ngữ “tông đồ” một cách rõ ràng, nhưng cũng đề cập đến nhóm “môn đệ” thân cận nhất của Chúa Giêsu, cũng liệt kê Nathanaen nằm trong số những người thuộc nhóm đó.

Những suy luận từ bản văn như thế dẫn đến kết luận rằng Nathanaen và Batôlômêô cũng là một người. Mặc dù điều này có thể không được chứng minh rõ ràng, nhưng bấy nhiêu là đủ để Giáo Hội mang đến cho chúng ta câu chuyện về Nathanaen như là bài đọc Tin Mừng thích hợp với ngày lễ mừng kính Thánh Batôlômêô.

Rất ít người có thể nói rằng chính Chúa Giêsu đã đưa ra minh chứng cho những nhân đức mà Người muốn nêu gương. Nathanaen là một ngoại lệ. Chúng ta không cần phải đoán tại sao Giáo Hội lại xem Nathanaen như một mẫu gương về sự thánh thiện: Chính Chúa đã bày tỏ sự chính trực của Nathanaen trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trước tiên, Chúa Giêsu chào đón Nathanaen bằng cách nói rằng: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” (Ga 1,47)

Có nhiều điều cần chú ý trong tuyên bố này, đó thực sự là một cách chơi chữ. Gian dối tất nhiên là ngụ ý về sự không trung thực - một người có tính gian dối đạt được những gì anh ta muốn bằng sự xảo quyệt và lừa lọc.

Nhưng tìm hiểu sâu hơn, chúng ta thấy sự ám chỉ đến ông Giacóp, người còn có tên là Ít-ra-en, và là người đã gian dối để đạt được lời chúc phúc từ cha mình. Hơn nữa, bản thân từ Giacóp trong tiếng Do Thái cổ dường như đã được liên kết với ý tưởng về sự lừa dọc, trong số các nghĩa khác (x. St 27,36).

Sau đó, về cơ bản, Chúa Giêsu gọi Nathanaen là “một người Ít-ra-en không có tố chất của Giacóp”, một người có khả năng đón nhận một lời mời gọi mới hướng tới tương lai. Điều này đúng với Giacóp, người đã đón nhận danh tính mới của mình là Ít-ra-en, mặc dù ban đầu vốn không trung thực; điều này cũng đúng với các tông đồ, những người theo Chúa Giêsu, đã chấp nhận và trở thành một phần của quá trình chuyển đổi từ Do Thái giáo theo cách hiểu trong Cựu Ước, sang ơn gọi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.

Việc mô tả Nathanaen là “không có gì gian dối” cũng tìm thấy những ý nghĩa sâu xa hơn nếu đem đối chiếu với các đoạn Kinh Thánh khác. Thánh vịnh 32 nói với chúng ta rằng: “Hạnh phúc thay người lòng trí chẳng chút gian tà.” (c.2) Chính Thánh Phêrô cũng tuyên bố về Chúa Giêsu rằng: “Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.” (1Pr 2,22) Cuối cùng, đoạn Kh 21,27 chỉ ra rằng không kẻ nào ăn gian nói dối sẽ được vào thiên đàng.

Mặc dù những đoạn văn này không liên quan trực tiếp đến Nathanaen, nhưng chúng cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc Chúa Giêsu mô tả Nathanaen như một người không chút gì gian dối: Thánh nhân đã bám rễ sâu một cách chắc chắn vào gia nghiệp tốt nhất của mình khi có được một phẩm chất gắn liền với chính Chúa, và xứng đáng với thiên đàng.

Đó là một lời khen ngợi.

Tuy nhiên, Nathanaen, người ban đầu đã đặt câu hỏi liệu rằng có điều gì tốt đẹp phát xuất từ Na-za-rét, dường như vẫn còn do dự. Chúa đã quả quyết với thánh nhân rằng: “Lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” (Ga 1,48) Cụm từ này cũng mang nhiều tầng nghĩa. Theo nghĩa đen, có thể Nathanaen đã nghỉ ngơi dưới gốc cây vả một thời gian ngắn trước khi đến gặp Chúa Giêsu. Nhưng cụm từ “dưới cây vả” trong Kinh Thánh còn ám chỉ sự xuất hiện của thời đại Đấng Mêsia (x. Dcr 3,10). Ngoài ra, vào thời Chúa Giêsu, “dưới cây vả” là cụm từ để diễn tả một nơi thường dùng để cầu nguyện, chiêm niệm và suy niệm.

Bằng cách nói về cây vả, Chúa đã chỉ cho Nathanaen rằng Người có thể nhìn thấu tận đáy lòng thánh nhân; Người cũng nhận thấy rằng Nathanaen là một con người của cầu nguyện và chiêm niệm, một con người luôn mong chờ sự xuất hiện của Đấng Mêsia.

Đáp lại, Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en!” (Ga 1,49) và khi nói lên những lời như thế, ngài đã trở thành vị tông đồ đầu tiên tuyên xưng được ý thức này, theo ghi nhận từ các sách Phúc Âm.

Lạy Thánh Batôlômêô, xin cầu cho chúng con.

 

Tác giả: Ellen Mady – Nguồn: Aleteia (24/8/2018)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

738    24-08-2022