Sidebar

Thứ Tư
16.10.2024

Cách nay gần 80 năm có một đám tang được tổ chức theo hai nghi lễ

Cách nay gần 80 năm có một đám tang được tổ chức theo hai nghi lễ


 
Cuộc đời của Linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích (22/9/1891-10/12/1978) rất nhiều hy hữu. Linh mục sinh ra trong một gia đình khoa bảng, quan lại và theo đạo thờ cúng tổ tiên. Linh mục J.M.Thích là con của cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại và bà chánh thất Thân Thị Vỹ, quê làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền- Thừa Thiên.

Cậu Nguyễn Văn Thích lúc nhỏ theo Hán học, đi thi hai khoa không đậu, năm 16 tuổi vào học Tây học tại Trường Pellerin ở Huế. Tháng 5 năm Kỷ Dậu (1909), cậu Nguyễn Văn Thích tốt nghiệp Trung học. Tháng giêng năm Tân Hợi (1911) được “bổ sung Trợ giáo chữ Tây trường tỉnh Khánh Hòa”. Do được hấp thụ nền giáo dục tại Trường Pellerin nên cậu Nguyễn Văn Thích “thuần hiểu đạo lý”. Khi đổi vào Khánh Hòa, thầy giáo Thích làm quen với Linh mục Charles Eugène Saulcoy(24/4/1868- 5/4/1939), tên Việt là Ngoan, cha sở nhà thờ Bình Cang(nay thuộc xã Vĩnh Trung-Nha Trang), thầy giáo Thích tự nguyện xin gia nhập đạo Công giáo mà không thông qua cha mẹ và được Cố Ngoan rửa tội vào ngày 29/6/1911 với tên thánh Giuse- Maria, người đỡ đầu là cụ Giuse Nguyễn Sen (ông nội của hai linh mục Nguyễn Hữu Phú- DCCT và Nguyễn Văn Vĩnh-Gp Nha Trang). Sau khi được cố Ngoan rửa tội, thầy giáo J.M. Thích làm bài thơ Thất ngôn bát cú tựa đề “Sau khi chịu phép rửa tội”: “Bỉ cực rồi thì đến thái lai/ Nỗi mừng nửa khóc, nửa vui cười/Muôn vàn cám đội công ơn Chúa/Bao xiết cao rao phước phận tôi/Mấy độ gian nan còn để dạ/Ba năm cầu nguyện đã như lời/ Thôi thôi đừng bạn cùng ta nữa/Ôi sự công danh, phú quý ôi!”. Theo lời cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại thì việc gia nhập đạo Công giáo của thầy giáo Thích không ai ngăn cản: “Trong lúc tự do tín ngưỡng ta không cấm”(Lô Giang tiểu sử, tr.172, bản in ronéo, Nguyễn Hy Xước phụng dịch) Nhưng theo “Bài vè về việc cha Thích đi tu” của bà Nguyễn Thị Thiếu Hải, mừng thọ 70 của anh trai là Linh mục Nguyễn Văn Thích kể lại việc cha mẹ khi nghe anh trai gia nhập đạo Công giáo: “Cha mẹ khi ấy buồn phiền/Khuyên con chẳng được rút roi liền đánh con/Trong nhà dùi, gậy, ba toong/Rút ra đánh hết chẳng còn cái mô!/Chị em ai nấy sững sờ/Lính tráng, vú bõ không ai rờ cháo cơm/…/Lâu ngày chầy tháng thiu thiu/Giả lơ, giả lãng cũng chìu lòng con”.

 

   Linh mục Henri Denis Thuận (sau lập Dòng Đức Bà An Nam[Phước Sơn] đổi tên thành Benoit, hiện nay thường gọi là Biển Đức Thuận) Dòng Đức Bà An Nam chính là tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia) làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh (Quảng Trị) trong thư gởi cho mẹ mình vào năm 1917 có kể chuyện chủng sinh J.M. Thích: “Ông thân sinh chú là cựu Tuần phủ Quảng Trị, làm hết cách không cho chú trở lại; lại sai đánh đòn, tống vào ngục thất, cấm cố…xử với chú một cách tàn nhẫn mặc lòng, chú đã thắng trận toàn công” (Hạnh tích Cha Benoit, tr. 42; Di ngôn Cha Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia (1880-1933),tr.49)

 

   Năm 1917, thầy giáo Thích từ chức, chức Trợ giáo ở Khánh Hòa và khi hay tin song thân có ý định tính bề gia thất cho mình: “Văn kỳ thanh đã đến tai/Liệu bề đi trốn, ở thế thời không xong/Một cái nón trẹt trẹt thẳng rong/Trốn ra Đất Đỏ tu ròng ba năm/Trở về tu lại Kim Long/ Thêm bảy năm nữa mới được phong chức này”.

 

   Thầy giáo Thích trốn nhà đi tu tại Tiểu chủng viện An Ninh. Sự kiện này được Cha giáo Henri Denis Thuận viết thư kể cho mẹ mình: “ Học trò con đã tề tựu, năm nay có một chú xuất sắc. Thường học sinh mới vào thì nhỏ mà chú thì đã 28 tuổi! Đó là một giáo sư Pháp văn Trường Trung học Nhà nước, đã xin từ chức để nhập học chủng viện. Luật chung không nhận những học trò như thế, vì đã có tuổi lại là bổn đạo tân tòng, mới chịu phép Thánh tẩy được 6 năm”(Hạnh tích Cha Benoit, tr. 42; Di ngôn Cha Biển Đức Thuận…tr.49). Sau 3 năm tại Tiểu chủng viện An Ninh (Vĩnh Linh-Quảng Trị), thầy Thích vào Trường Lớn (Lý Đoán) Phú Xuân (Kim Long- Huế) tu thêm 7 năm nữa và thụ phong Linh mục. Theo Lô Giang tiểu sử: Năm Giáp Tý (1924) “Ngày tháng 8 con trai là Hy Thích, học đạo tại tu viện An Ninh được phong chức Linh mục”(Lô Giang tiểu sử, sđd, tr. 192) (Tên các con trai của cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại có chữ lót là “Hy”. Riêng Linh mục J.M. Thích ngoài tên Nguyễn Hy Thích, còn được đặt tên là Nguyễn Văn Thích). Nhưng theo Lê Ngọc Bích thì thầy J.M. Thích được truyền chức linh mục vào năm 1926: “Ngày 18-12-1926 tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, thầy Sáu Nguyễn Văn Thích cùng 6 thầy đồng môn được Đức Giám mục Allys cử hành lễ truyền chức Linh mục. Bấy giờ linh mục đã 35 tuổi đời và làm Kitô hữu được 15 năm” (Lê Ngọc Bích, Sưu tập thơ- văn, nhạc- họa của Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Sài Gòn 2003, Lưu hành nội bộ, tr.16).

 

   Cho đến hiện nay, nhiều người vẫn còn quan niệm theo đạo Công giáo là “bỏ ông, bỏ bà”. Năm 1917 tại Tiểu chủng viện An Ninh, chủng sinh J.M. Thích sáng tác bài thơ “Trung và hiếu”. Mở đầu có đôi lời giải thích: “Có kẻ không hiểu nói rằng theo đạo Chúa, bỏ cha mẹ, nên làm lời giải hoặc. “Trung hiếu bổn vô nhị tri- Trung ư quân, tức hiếu ư thân”. Trung hiếu không phải hai đàng nghịch nhau. Trung với Chúa ấy là hiếu với cha mẹ. Đây chưa nói chữ hiếu theo nghĩa Evang”.Thơ như sau: “Hết trung thờ Chúa đạo làm trai/Chữ hiếu làm con dễ dám sai/Vẫn hiếu với trung là vốn một/Mà trung cùng hiếu chẳng toàn hai/Thà rằng mất hiếu, trung cùng Chúa/Hễ đã không trung, hiếu với ai?/Chữ hiếu ấy tình, trung ấy nghĩa/Bên trung, bên hiếu nặng hai vai”

 

chaThich.jpg
Linh mục JM Nguyễn Văn Thích với các sinh viên Đại Học Huế.
Ảnh minh họa: trangdoannguyentrai.blogspot.com

 

  Linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích đã từng dạy học từ trường đạo đến trường đời, dạy từ Việt ngữ, Pháp ngữ đến Hán văn và đã để lại nhiều trước tác.

 

  Lâu nay tôi chỉ nghe truyền miệng chứ chưa thấy một văn bản nào của Linh mục J.M.Thích hoawcj người trong gia tộc ghi lại việc cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại được chính tay con trai mình là Linh mục J.M.Nguyễn Văn Thích rửa tội trước khi cụ qua đời vào ngày 30 tháng chạp năm Giáp Thân (12/2/1945). Vừa qua tôi đọc tác phẩm “Tập lưu niệm về cụ Tiểu Cao và hậu duệ”  trong đó có bài viết “Hồi ức về đám tang của ông ngoại tôi: cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại” (tr.222-224)của bà Cao Thị Bích Quy viết vào năm 2010(bà Quy sinh năm 1932 là con của bà Nguyễn Thị Sâm Banh và ông Cao Văn Huy. Bà Sâm Banh là em gái Linh mục Nguyễn Văn Thích): “Ông ngoại tôi không phải là một Phật tử. Nếp sống hằng ngày của Ông là thuần Nho giáo, có pha tính cách truyền thống dân tộc. Vì thế hầu hết con cháu trong nhà đều sống theo như vậy. Nhưng cậu tôi thì lại tu thành Linh Mục, và dì Như Ngọc tôi thì đi tu Dòng Kín Phú Xuân. Cho nên trong nhà cũng như có hai tôn giáo. Vì vậy mà đám có hai hình thức nghi lễ khác nhau”.

 

  Đám tang được trần thiết: “Quan tài của Ông phủ gấm đỏ đặt trang trọng tại gian chính của ngôi nhà trên ba gian hai chái. Trước quan tài có bàn thờ để bài vị, di ảnh, bát nhang và bộ tam sự”. Đến giờ cúng cơm “con cháu tề tựu theo thứ bậc, quỳ dài ra, qua các bậc cấp của nhà trên, đến giữa sân, có che rạp và trải chiếu…Lễ nghi như vậy tuy không có thầy tu đến tụng kinh nhưng cũng có chiêng trống, phèng la từng nhịp, cũng hưng hưng, bái bái, quỵ quỵ như những đám ma khác”.

 

   Nhưng khi Linh Mục J.M. Thích về: “Thế là trong chớp nhoáng áo gấm đỏ trên quan tài được thay ngay bằng một tấm phủ màu đen có thêu trắng. Và một tấm màn đen khác có thêu hình Thánh Giá cũng được treo lên phía trước bàn thờ để các Cha làm lễ cho Ông Ngoại theo nghi thức Công giáo, vì Ông được cậu Cha rửa tội trước khi mất. Có một lần tôi thấy phái đoàn chín  mười vị linh mục đến phân ưu, có Cha áo đỏ, có Cha áo tím, đã cùng Cha Thích đồng tế để cầu nguyện cho Ông Ngoại tôi. Và tất cả con cháu không phân biệt tôn giáo nào cũng đều vòng tay sắp hàng nghiêm chỉnh hầu hai bên” và đến giờ cúng cơm: “Cha cũng để cho các em cúng bái. Tấm màn đen được cất đi. Gấm đỏ lại phủ quan tài, lại bày cơm nước lên, hưng, bái, quỳ, ngúc, chiêng trống ỳ xèo”

 

    Thấy nghi thức lạ: “Ngày nào dân làng và các làng lân cận cũng đến xem rất đông vì chưa khi nào họ được thấy chuyện con cái một nhà thuận hòa, bày tỏ lòng hiếu hạnh theo niềm tin riêng của mình một cách quá khác nhau mà êm ru như vậy. Dân làng lao xao: lương giáo đề huề thiệt vui”

 

   Đám tang cũng có Công sứ Destenay đại diện Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil(*) đến viếng, họ “tiến vào bàn thờ, làm dấu Thánh giá và cúi đầu đọc kinh cầu nguyện”.

 

  Bà Cao Thị Bích Quy đã nhận xét đám tang: “Tôi chưa thấy một cái đám tang nào mà con cháu thuộc hai tôn giáo khác nhau lại đồng tâm hiệp ý để tổ chức một cái đám to lớn, để dài ngày, rườm rà hình thức lễ nghi, mà không hề một chút chào xáo, vẫn trên xướng dưới tùy, một bề thuận thảo. Cái đám tang này mới thật đặc biệt mang ý nghĩa của tinh thần tự do tín ngưỡng. Tôi đã đi gần hết cuộc đời, chưa thấy được một gia đình nào như thế”

 

  Ngoài Linh mục J.M. Thích gia nhập Công giáo, còn có người em gái là Như Ngộ(10/3/1902- 27/2/1940) cũng tự ý gia nhập đạo Công giáo. Trước đó  cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại đã hứa gả Như Ngộ cho con trai ông Tôn Thất Trạm. Nghe vậy cô Như Ngộ lén bỏ nhà xin vào tu ở Nhà Phước Kín Kim Long vào tháng 7 năm Mậu Ngọ (1918) và đổi tên thành Như Ngọc. Năm Khải Định thứ 6 (1921) Như Ngọc “làm lễ mặc áo dòng, cả nhà lên tu viện để đưa con và em, ta [cụ Phó bảng]có viết bài thơ gạt nước mắt như sau để ghi nhớ: “Tuổi tác xuân xanh mới cập kê/Nữ nhi mà chí khí nên ghê/Mối tình cắt đứt gươm ba tấc/Quỷ dục khua tan giặc bốn bề/Lánh chốn trần hiu tìm tịch tịnh/Ngoài vòng danh lợi hết khen chê/Một nhà cha mẹ anh em đủ/Khấn nguyện cho con trọn đọi bề”(Lô Giang tiểu sử, sđd,tr.175)Do thường xuyên bị bệnh, nữ tu Như Ngọc chuyển sang tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân và mất năm 1940.

 

   Cháu gọi Linh mục J.M. Thích bằng cậu là Nữ tu Marie Gabriel Tôn Nữ Thị Mai(1922- 5/10/2006), con bà Nguyễn Thị Lập Xuân và ông Tôn Thất Bàn tu Dòng Regina Mundi và em nữ tu là Linh mục André Tôn Thất Phái(1923- ?) thuộc Giáo phận Đà Nẵng…

 

Bà Cao Thị Bích Quy đã tự hào về gia đình ông ngoại của mình là cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại: “Ông may mắn có một gia đình đông đúc mà con cái hòa thuận thương yêu, trọng nể lẫn nhau mặc dù khác mẹ, khác tín ngưỡng, khác chính kiến”.

 

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

ĐT: 0377803505

 

Chú thích:

 

(*)- Bà Cao Thị Bích Quy nhớ nhầm, ông Maurice Fernand Graffeuil làm Khâm sứ Trung Kỳ từ năm 1934-1940. Kế tiếp là Khâm sứ Émile Louis Francois Grandjean từ năm 1940-3/1945. Riêng Destenay làm Công sứ Vinh (Nghệ An) từ năm 1907-1908. Vào thời điểm cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại từ trần, không biết Destenay đang đảm nhận chức vụ gì, tôi chưa truy tìm được.

1355    17-10-2020