Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Cái chết gột sạch tất cả

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Hồi còn nhỏ, đọc kinh xin được chết lành là một thói quen thân thuộc của gia đình tôi.

Tâm trí non nớt của tôi khi đó tự động liên kết chết lành là chết trong vòng tay yêu thương của gia đình và Giáo Hội, bình an với Chúa và mọi người xung quanh.

Ngay cả những người tốt lành, cũng không có nhiều người được chết như vậy. Do ngẫu nhiên và các tình huống bất ngờ của cuộc đời, thường thường nhiều người chết trong tình cảnh gãy đỗ và trong những trạng huống trái khuấy: cay chua, chưa tha thứ hay chưa được tha thứ, chưa xưng tội, chưa hòa giải với gia đình và Giáo Hội, xa cách, hờ hững với Chúa và cộng đoàn, giận dữ, rượu chè, chết do lạm dụng ma túy, do tự tử. Hay đôi lúc chết trước khi  kịp làm hay có thì giờ nói lên những điều nên nói hay làm những việc nên làm. Thường thường họ ra đi để lại những chuyện dang dở chưa làm trên trần thế này.. Như trong kinh xưng tội ngày xưa, xin tha cho những gì đã nói và chưa nói, đã làm và chưa làm.

Tôi xin chia sẻ một vài ví dụ nhỏ: Một ông nọ, đã ngoài năm mươi tuổi, ông không tha cho ông cái tội vì rụt rè đã không để cho mẹ ôm lúc ông bảy tuổi và không biết được bà sắp chết. Hơn bốn mươi năm sau vẫn còn những chuyện dang dở chưa làm.

Một trường hợp khác, tôi cử hành tang lễ một người đàn ông mà trước đó, trong một phút nóng nảy giận dữ anh bỏ nhà ra đi và chết trong một tai nạn.

Tôi chắc, nhiều người trong chúng ta cũng đã gặp những ra đi để lại nhiều chuyện chưa làm xong. Có thể chúng ta làm tổn thương họ hay họ làm tổn thương chúng ta và sau đó chưa hòa giải; đáng lý chúng ta phải chú tâm đến họ hơn nhưng vì chúng ta quá bận tâm với cuộc sống nên đã không mở lòng ra đúng lúc; hoặc chúng ta ghét họ, không hòa giải với họ và bây giờ đã quá trễ! Cái chết đã chia lìa họ khỏi chúng ta và những gì chưa làm thì bây giờ không làm được nữa, chúng ta sống với lỗi lầm và cứ nói mãi “Giá mà, giá mà…”

Cái “giá mà” này sẽ biến mất nếu chúng ta áp dụng nghiêm túc tín điều Ki-tô giáo về các thánh thông công. Tín điều này, ở trọng tâm đức tin của chúng ta đến mức, là một trong các tín điều được trân trọng nhất trong kinh Tin Kính, mời gọi chúng ta tin rằng chúng ta vẫn ở trong sự thông công tích cực với những người đã chết, trong một hiệp thông ưu tiên.

Tin vào các thánh thông công là tin rằng những người chết vẫn liên kết với chúng ta trong phương cách chúng ta có thể tiếp tục giao tiếp, chuyện trò, với họ. Là tin rằng mối tương giao của chúng ta với họ có thể tiếp tục tăng triển và hòa giải cái mà, vì nhiều lý do có tính cách con người không thể làm trong đời này, có thể làm được lúc này.

Tại sao? Bởi vì không chỉ có sự giao tiếp giữa chúng ta và những người đã chết trước chúng ta (đây là đặc tính của tín điều Ki-tô giáo, không phải lập đàn gọi hồn) mà bởi vì hiệp thông bây giờ là một đặc ân. Cái chết gột sạch tất cả. Không chỉ Giáo Hội dạy chúng ta điều đó, mà đơn giản chúng ta còn trải nghiệm nó.

Thường trong gia đình, trong tình bằng hữu, trong cộng đoàn, hay bất cứ trong mạng lưới xã hội nào, cũng đều có căng thẳng, hiểu lầm, giận dữ, thất vọng, bất đồng chưa hòa giải, ích kỷ chia rẻ, tổn thương không lành lại được, và rồi – có người chết. Cái chết mang theo nó bình an, một sự thanh luyện và một đức ái mà trước đó, không thể nào có được.

Tại sao như vậy? Không phải vì cái chết đã thay đổi cấu trúc gia đình, công sở hay các môi trường thân cận, cũng không phải vì, mà nhiều lúc dường như có thể, gốc tích của căng thẳng, nhức đầu, buồn đau hay cay chua đã chết. Nó diễn ra bởi vì, như thánh Lu-ca dạy chúng ta, khi, trên thập giá Đức Ki-tô tha thứ cho người trộm lành, cái chết gột sạch mọi điều.

Trong sự thông công với các thánh chúng ta có đặc ân giao tiếp với những người ra đi để lại những chuyện chưa làm xong. Một niềm ủi an lớn lao nếu đó là cái chết lành, được ấm lòng, được hòa giải, được tình cảm nồng ấm của những người xung quanh. May mắn thay, đối với họ và với những người thân yêu họ, có một thời gian đặc ân sau cái chết để làm những việc chưa xong cho những người đã kết thúc cuộc sống trong các cảnh huống đầy cay chua, giận dữ, thiếu trách nhiệm, tội lỗi, thiếu nồng ấm và yêu thương.

Nguyễn Kim An dịch

626    24-06-2019