Sidebar

Thứ Hai
09.12.2024

Cái chết, sự kết thúc để khởi đầu

Cái chết, sự kết thúc để khởi đầu

Đối với người Kitô hữu, tháng Mười Một là thời gian rất đặc biệt để cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất. Họ có thể là ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của ta. Trong tín điều các Thánh thông công, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những linh hồn ấy.

Mong muốn các em thiếu nhi ý thức được việc làm hữu ích này cho các linh hồn, nên từ ngày 02/11 đến 08/11, giáo xứ nơi tôi mục vụ tổ chức cho các em thiếu nhi ra thánh địa của giáo xứ để viếng và cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn.

Cuộc đối thoại của một em thiếu nhi làm tôi có phần suy nghĩ: câu hỏi mà các em hỏi nhau, cũng đã có lần hiện lên trong đầu tôi: Khi chết, mình sẽ thế nào nhỉ? Cái cảm giác lúc chết nó thế nào? Cái khoảnh khắc khi mình trút hơi thở cuối cùng trong người mình như thế nào? Còn nữa, khi chết rồi, mình có còn là mình nữa không? Có em trả lời: Chết ! là chấm hết mọi thứ. Chết là xong rùi, còn biết gì nữa đâu… Ai trong chúng ta khi nhắc đến cái chết cũng cảm thấy có chút gì đó buồn, xao xuyến và lo sợ. Nhưng dù ta có nỗ lực đến đâu, cũng chẳng thể nào tự mình vượt lên khỏi thân phận phải chết. Dù muốn hay không, dù khi sống trên đời con người ta có khác nhau đến thế nào, họ cũng sẽ gặp nhau ở một điểm chung của cuộc hành trình dương thế: cái chết.

 Đứng trước cái chết thân xác nằm đó, bất động. Bao nhiêu người khóc than. Bao nhiêu người cầu khấn. Cái chết làm cho con người trở nên linh thiêng, làn hương khói nghi ngút, người thân đưa tiễn người quá cố tiến đến nghĩa trang, về với lòng đất mẹ, với sự mục nát. Cái chết thường được ví như một giấc ngủ ngàn thu, có ý muốn nói đến một sự yên nghỉ sau một cuộc hành trình dài. Cả một đời xuôi ngược, đối diện với không biết bao nhiêu thăng trầm, niềm vui nỗi buồn trong kiếp nhân sinh, giờ đây khi đã hoàn thành, người ta nằm xuống, nhắm mặt lại nghỉ ngơi. Sự yên nghỉ như là một phần thưởng sau cuộc hành trình sự sống!

Còn với Đức Tin Công giáo nhìn nhận cái chết không chỉ dừng lại ở sự kết thúc mà nó còn là một sự khởi đầu. Cái chết đóng vai trò như cánh cửa chuyển giao, nơi người ta bước qua để trở về ngôi nhà thật của mình, về với nơi mà mình đã phát xuất ra. Điều này không mơ hồ bởi đã có một Đấng đi trước là một bằng chứng cụ thể của sự sống lại, sự sống mới sau cái chết. Chính Đức Giêsu, Người đã đi qua cái chết mà bước vào sự sống mới, sự sống bất diệt để nhân loại thấy rằng chết chẳng phải là hết như người ta vẫn nghĩ.

Niềm tin vào Đấng Phục Sinh mang đến cho người Kitô hữu một hy vọng lớn lao, rằng chỉ cần tin và sống theo Ngài, sẽ được chung hưởng niềm vui vinh quang của Ngài. Con người có ngày sinh ắt có ngày tử, đó là quy luật của tạo hóa. Nhưng ta được mời gọi để nhìn về cái chết như một ngưỡng cửa bước qua để đi vào cõi sống chung hưởng vinh quang cùng với Đấng Phục Sinh mà ta hằng tin tưởng. Để rồi ta đón nhận cái chết như một tất yếu của cuộc sống, một sự kết thúc cho một khởi đầu mới.

Tháng Mười Một, Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn, và mời gọi nhắc nhớ người kitô hữu về quy luật tất yếu của con người là cái chết, mà nhận ra phận mình mong manh yếu đuối. Khi ra viếng nghĩa địa, khi cầu nguyện cho các linh hồn, ta không chỉ cầu nguyện cho người đã khuất, mà còn diễn tả tình liên đới của những người còn sống với những người đã khuất. Xin đừng quên những linh hồn nơi luyện ngục! Họ cần chúng ta thăm viếng, nguyện cầu. Hãy nhìn di ảnh, dòng tên khắc trên phần mộ của họ để nhớ về một con người từng hiện diện với chúng ta. Trong niềm tin xin phó thác các linh hồn vào lòng Chúa xót thương.

 

Tác giả bài viết: M. Anthony Vũ Ga, fmsr

776    09-11-2017