23.4
Ga 3, 31-36
CẢM NGHIỆM BẰNG CON MẮT ĐỨC TIN
Trang Tin Mừng hôm nay là một trích đoạn nói về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô. Khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem mừng Lễ Vượt Qua, có đám đông dân chúng đi theo hò reo chào đón và chen chúc nhau để nghe Người giảng dạy.
Thấy vậy, các tư tế Đền Thờ, nhóm Pharisêu và các quan chức Dothái tỏ ý ghen ghét chống đối. Thế nhưng trong số họ có ông Nicôđêmô một người Pharisêu là thành viên của Thượng Hội Đồng đã âm thầm tìm đến gặp gỡ Chúa Giêsu vào ban đêm. Ông yêu thích giáo lý và cách giảng dạy của Chúa Giêsu nên đã gọi Người là “Thầy” và trân trọng tuyên xưng niềm tin của mình rằng: “Tôi biết Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả thế, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga 3, 2).
Là một thủ lãnh Dothái, chắc hẳn ông Nicôđêmô ít nhiều cũng am tường lề luật phong tục Dothái và những mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, thế nhưng ông cảm thấy rất khó hiểu với việc sinh ra trong Thần Khí vì ông đang sống trong tình trạng “đêm tối đức tin”.Chúa Giêsu tiếp tục dùng Kinh Thánh gợi mở khơi sáng niềm tin cho ông biết vì yêu thương loài người nên Thiên Chúa đã sai sứ giả đến nói cho họ biết có một Đấng dẫn họ tới nguồn sống hạnh phúc: “Đấng được sai đi thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (c. 34-36a).
Ta thấy Thánh Gioan là người theo Chúa Giêsu ngay từ buổi đầu. Chính thánh nhân đã mắt thấy, tai nghe những phép lạ Thầy mình đã làm và những điều Người giảng dạy. Bên bàn tiệc ly, Thánh Gioan là người tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu.
Trong cuộc thương khó của Chúa, thánh Gioan luôn có mặt và đồng hành với Chúa cho đến dưới chân thập giá và khi an táng Chúa trong mồ đá. Sau đó, kể từ buổi sớm ngày thứ nhất trong tuần khi chứng kiến ngôi mộ trống cho đến mãi về sau, thánh Gioan đã chứng nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh vốn vượt xa hiểu biết và trí khôn con người.
Trải qua tất cả những kinh nghiệm hiện sinh ấy, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, lời chứng của Gioan về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, trở nên sống động hơn bao giờ hết. Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh là căn cốt cho niềm tin và là lẽ sống cho vị tông đồ mà Chúa Giêsu thương mến.
Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh là trung tâm và nền tảng của đời sống kitô hữu. Chính trong mầu nhiệm ấy mà chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin và sự sống đời đời. Như thánh Gioan, chúng ta được mời gọi bước vào, cảm nếm và xây dựng một tương cá vị, sâu đậm nơi Đức Kitô Phục Sinh.
Theo giáo lý của Giáo Hội, để nhận biết Thiên Chúa đòi hỏi con người phải có lòng tin. Mà đức tin là một ân ban đến từ Thiên Chúa chứ không do con người thủ đắc. Đức tin dẫn chúng ta bước vào cuộc sống mới thông phần với sự sống của Thiên Chúa. Tự thân chúng ta không thể làm được điều đó, chính Chúa Giêsu đưa chúng ta vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con qua sự tác động của Thánh Thần.
Nhân loại thì cũng có người này người kia, có người từ chối thì cũng có người đón nhận. Điều quan trọng đối với cá nhân đang gặp gỡ Đấng từ cõi trên qua những giòng chữ của tác giả Tin mừng này thì mình đang đứng ở chỗ nào: ‘Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.
Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.’ Nếu chúng ta tin và chấp nhận mọi điều Chúa Giêsu đã dạy thì chúng ta được bảo chứng nơi Thiên Chúa là Đấng Chân Thật và nơi Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý.
Bởi vì: ‘Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.’ Con người chúng ta có tự do, tin hay không tin, chấp nhận hay từ chối mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên hậu vận đời mình là do chính mình đã có hành vi chọn lựa ngay từ hôm nay: ‘Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy’. Lời cầu nguyện thích hợp chỗ này chính là lời của ông bố có đứa con bị quỷ ám mà các Tông đồ không trừ được (Mc 9,13-28): ‘thưa Thầy con tin, nhưng xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của con’.
Mỗi người chúng ta chỉ là hạt bụi vô thường nhỏ bé, nhờ tình thương, Thiên Chúa đã biến chúng ta thành vì sao lấp lánh. Nếu Thiên Chúa không yêu thương, mãi mãi chúng ta chỉ là “cô bé lọ lem” chốn quê mùa.
Nhờ tình thương Thiên Chúa, đời chúng ta có một cuộc thay đổi kỳ diệu là được vinh phúc sánh duyên cùng Thiên Tử. Ân sủng và tình thương của Thiên Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi, cho chúng ta bước ra khỏi vũng lầy nhơ uế để vào miền linh thánh sạch trong. Một nhà tâm lý học thật có lý khi nhận xét ‘con người là con vật tâm thần suốt đời thèm khát sự trìu mến, thèm khát tình yêu và hạnh phúc’. Chúng ta chỉ có được tình yêu và hạnh phúc đích thực khi đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.
Bằng con mắt đức tin, chúng ta biết được rằng chỉ cần một hơi thở của Thiên Chúa là muôn vật muôn loài được hiện hữu. Chúng ta say sưa chiêm ngắm vẻ đẹp của Thiên Chúa qua công cuộc sáng tạo kỳ diệu với điệu nhịp nhàng của thời tiết bốn mùa thay đổi. Vinh quang của Thiên Chúa trải dài trên từng vạt nắng, thênh thang trên đồng cỏ xanh và nồng nàn trong mỗi ước mơ của con người. Thiên Chúa vừa là Đấng tự khải lại vừa kín nhiệm, vừa hiển hiện lại vừa ẩn giấu, vừa gần gũi lại vừa vô biên tuyệt đối.
Vẻ đẹp của Thiên Chúa được mặc khải trọn vẹn nơi Chúa Giêsu là Đấng từ bi nhân hậu, quyền năng thánh thiện khôn sánh, Đấng đã hiến thân mình cho tình yêu mãi lung linh ngời sáng. Cảm nhận được vẻ đẹp sâu thẳm của Thiên Chúa, thánh Augustinô đã phải thốt lên rằng: “Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi, con yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa ở bên ngoài. Con thật xấu khi mải chạy theo vẻ đẹp nơi các thụ tạo”.