17.2 Thứ Hai tuần VI TN
Mc 8, 11-13
CẢM NGHIỆM TÌNH YÊU CHÚA ĐỂ ĐỪNG ĐÒI DẤU LẠ NỮA
Nhóm Pharisiêu đến đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ từ trời, phép lạ từ Thiên Chúa để thử Người. Chúa không cho một phép lạ nào để thỏa mãn ý riêng của họ. Hành động từ chối dứt khoát của Chúa Giêsu nói lên một trong những hoa trái của đức tin, đó là đức tin sinh ra phép lạ.
Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong mấy năm sứ vụ nhưng khi suy nghĩ, ta thấy những phép lạ đó không nhằm ra oai biểu diễn quyền uy, cũng không nhằm lôi kéo sự tôn vinh của dân chúng. Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc đền thờ: một cám dỗ làm điều ngoạn mục để thu hút quần chúng.Ngài cũng từ chối xuống khỏi thập giá: một hành vi đủ làm bẽ mặt những kẻ giết Ngài. “Cứ xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32).
Chúa Giêsu không mua niềm tin của đám đông bằng sự phản bội Cha. Ngài đã ở lại trên thập giá như một người có vẻ thua cuộc… Chúa không bao giờ làm dấu lạ để thúc bách người ta tin nhận. Như Tin mừng trình bày, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn như dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại, vậy mà người Pharisêu vẫn chưa tin Ngài.
Sau những dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, người Pharisêu còn xin một dấu lạ khác. Lời yêu cầu của họ, cho chúng ta thấy những đòi hỏi mù quáng thiếu đức tin như muốn thách thức Thiên Chúa, hay cố tình không chịu tin vào quyền năng của Người. Mặc dù họ rất thông minh, nhưng không hề khiêm nhường đơn sơ, nên đứng trước biết bao phép lạ Chúa đã làm, nhưng người biệt phái vẫn còn mơ hồ, nghi ngờ, đòi hỏi Người thêm một phép lạ từ Trời nữa, khiến Chúa Giêsu phải lắc đầu não nuột: “sao thế hệ này lại xin một dấu lạ”.
Mặc dù Thiên Chúa cố gắng thể hiện tình yêu của Người đến với họ, nhưng họ là những người yếu đuối, kém cỏi trong đức tin, nhưng vẫn tỏ ra mình là những người hiểu biết, nhìn xa trông rộng. Nhưng tình yêu Thiên Chúa luôn lan tỏa bằng sự tự nguyện, không phải là ép buộc. Dấu lạ của Người bằng lòng tin yêu, bằng chính tâm hồn hướng về Người. Thiên Chúa chỉ cần lòng tin, như lòng tin của người phụ nữ thật mạnh mẽ nhưng đơn sơ giản dị: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu”. ( Mt 9,22)
Không phải là Chúa Giêsu không đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì Ngài là chính “dấu lạ từ trời,” điều đã được chứng thực khi Ngài chịu phép rửa: “Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc 1,11). “Dấu lạ từ trời” đó có tên là Giona khi Ngài sẽ trỗi dậy vinh hiển sau ba ngày chịu mai táng trong lòng đất. Cũng như dân Do Thái trong sa mạc thử thách Chúa, để rồi cứng lòng tin vẫn hoàn cứng lòng tin “dù đã thấy những việc Chúa làm” (Tv 95,8-9), người Pharisêu cũng vẫn cứng lòng tin, dù đã thấy biết bao dấu lạ, ngay cả dấu lạ Giona!
Thật vậy, Chúa Giêsu xuống thế làm người để thông ban ơn cứu độ cho con người. Muốn được cứu độ, con người phải tin vào Thiên Chúa và tin vào Đấng Người sai đến là Chúa Giêsu. Hoa trái đầu tiên của đức tin là được Chúa Giêsu ban ơn qua các phép lạ chữa lành: Người bại liệt được chữa lành (Mc 2, 1-12), người đàn bà bị băng huyết được khỏi vì bà tin rằng chỉ cần sờ vào áo của Chúa Giêsu là được cứu (Mc 5, 25-34), v.v.
Cuối cùng, hoa trái trọn vẹn của đức tin là được hưởng ơn cứu độ trọn đầy bên Thiên Chúa Hằng Sống như người trộm lành được Chúa hứa: “Ngay trong hôm nay, ngươi sẽ được ở trên Thiên đàng với Ta” vì anh tin Chúa Giêsu có thể cứu anh (Lc 23, 42).
Ngược lại, phép lạ không thể xảy ra nếu con người không có lòng tin; bằng chứng là Chúa Giêsu không làm phép lạ tại quê hương Nazareth vì dân chúng không tin vào Người. Đức tin yếu kém cũng không làm phát sinh phép lạ như trường hợp các môn đệ không thể chữa lành đứa trẻ bị kinh phong bởi lòng tin của các ông còn yếu (Mt 17, 20). Như vậy, hoa trái của đức tin là đức tin sinh ra phép lạ, chứ không phải phép lạ đương nhiên phát sinh để tin.
Thực ra những phép lạ Chúa làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể đã đủ chứng minh Ngài là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố, bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Phép lạ Chúa làm chỉ có ý nghĩa và giá trị cho người thành tâm chứ không cho người Pharisêu cứng lòng. Như vậy, Tin mừng hôm nay cho thấy phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin. Bởi thế, sông đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima) thì chưa hẳn là sống đạo thật, sống đạo thật là sống bằng đức tin.
Câu chuyện của nhóm Pharisiêu vẫn luôn hiện thực với chúng ta hôm nay. Chúng ta thường xin Chúa làm phép lạ để thử quyền năng, tình yêu của Chúa. Chúng ta quên rằng, Chúa đã thương tạo dựng chúng ta cách lạ lùng, đó là phép lạ mà chúng ta dùng cả đời này để tạ ơn Chúa cũng không đủ. Không những thế, Thiên Chúa còn cứu độ chúng ta cách lạ lùng hơn nữa khi sai chính Người Con của Ngài đến chịu chết để cứu độ chúng ta.
Cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, chúng ta phải sống theo thánh ý Chúa để không phụ lòng và sự tín nhiệm của Chúa. Chúng ta cũng đừng quên: Thánh lễ là phép lạ hiện tại hóa ơn cứu độ của Thiên Chúa. Siêng năng, sốt sắng tham dự Thánh lễ trọn cả xác hồn sẽ đem lại ơn cứu độ, giúp chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc Nước Trời, đó là phép lạ viên mãn của Chúa Giêsu. Vậy, chúng ta còn phải xin Chúa một phép lạ nào nữa? Hay, xin phép lạ để làm gì?
Nhiều khi chúng ta vẫn đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn. Như người Pharisêu, chúng ta chẳng hề mãn nguyện. Chúng ta vẫn muốn thử Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài. Thương thì chúng ta vẫn dễ rơi vào trạng thái xin cho tôi thấy được sự kỳ diệu của Tình Yêu nơi những điều tưởng như là tự nhiên của cuộc sống.
Ai trong chúng ta cũng dễ bị hấp dẫn bởi cái lạ thường, cái khác thường. Còn cái bình thường, như thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt.Chỉ cần nghe đâu đó có hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến, lắm khi chẳng cần suy nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không.Thật vậy, ta hãy xin Chúa cho ta tĩnh lặng để ta thấy tình yêu Chúa trao ban cho chúng ta trong chuỗi ngày sống chính là sự hiện diện của Chúa và cũng chính là dấu lạ mà Chúa tỏ bày cho mỗi người chúng ta.