Bị cáo buộc giữ vai trò chính trong nếu không phải hàng ngàn thì cũng hàng trăm vụ giết hại những người có liên quan đến ma túy, cảnh sát Philippines cố gắng thay đổi hình ảnh bằng việc rước kiệu kính Đức Mẹ Đồng Trinh.
Tại thành phố Tacloban ở miền trung Philippines, khoảng 300 cảnh sát đóng vai chính trong buổi rước kiệu tên “Santacruzan” được họ nói là để cổ võ các giá trị chính yếu của cảnh sát – “phục vụ đất nước, người dân, môi trường và Thiên Chúa”.
Ít nhất có 24 “hoa hậu cảnh sát” từ những nơi khác nhau thuộc vùng phía đông Visayas hiện diện trong sự kiện hôm 29-5.
Tên “Santacruzan” xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha là Santa Cruz, hay mang nghĩa thánh giá, là cuộc đi tìm “Thánh giá Đích thực” do thánh nữ Helena thành Constantinople đề xướng.
Cuộc rước Santa Cruz ở tỉnh Laguna, một sự kiện thường niên lần đầu tiên do lực lượng cảnh sát đóng vai chính.
Cảnh sát trưởng Laguna, Kirby John Kraft nói đây là cách tốt để đến với người dân như là một phần trong nỗ lực “nối kết với cộng đồng” của lực lượng cảnh sát.
Sự kiện tương tự cũng được tổ chức ở Camp Crame, trụ sở Cảnh sát Quốc gia Philippines, Manila vào ngày 31-5.
Cha Ramil Costibolo thuộc giáo phận Palo, tỉnh Leyte nói cuộc rước “cho thấy cảnh sát cũng như chúng ta, một người bình thường và có tín ngưỡng”.
“Đây là điều rất đỗi bình thường trong cộng đồng giáo dân Công giáo khi có các hoạt động thể hiện sự tôn kính Mẹ Maria và bày tỏ đức tin vào Chúa Giêsu”, theo vị linh mục.
Các thầy dòng người Tây Ban Nha đưa cuộc rước đến Philippines vào cuối thế kỷ 19.
Cha Costibolo rất “ấn tượng” với sáng kiến của lực lượng cảnh sát. “Rất tuyệt vời” ngài nói và thêm rằng các cảnh sát “là những người bình thường phục vụ cộng đồng bằng trách nhiệm cao”.
“Chúng ta phải thông hiểu cho họ. Họ trông có vẻ cứng rắn nhưng họ cũng là những người có cảm xúc. Họ không phải là người máy. Họ là những người có tâm hồn”, vị linh mục nói.
Cuộc rước “Santacruzan” gồm có cuộc diễu hành của reynas (các hoa hậu) và sagalas (các thiếu nữ) cùng các thanh niên cho đến cuối tháng 5.
Cuộc rước nhằm tôn kính Đức Mẹ Maria Đồng Trinh.
“Ý nghĩa hình ảnh hoa hậu gợi lên đức hạnh mỗi cá nhân thể hiện mong muốn đóng góp cho tổ chức và cộng đồng”, cảnh sát trưởng Laguna, ông Kraft cho biết.
Nova Jane Barbosa, một nữ cảnh sát trong hình ảnh hoa hậu cảnh sát, nói cuộc rước muốn thể hiện cho mọi người thấy “hình ảnh thật sự” của người nam và nữ trong bộ cảnh phục.
Cha Joselito Borja, một tuyên úy trong lực lượng cảnh sát nói lần đầu tiên thấy cảnh sát trong vùng rước kiệu.
“Người dân sẽ ý thức được rằng Thiên Chúa luôn hiện diện trong đời sống của chúng ta, đó là điều chúng ta tin tưởng”, vị linh mục nói.
Cristina Palabay thành viên tổ chức nhân quyền Karapatan bày tỏ hy vọng lực lượng cảnh sát sẽ cho thấy sự tận tâm trong nỗ lực trấn áp tội phạm.
“Thật là điều tốt đẹp nếu cảnh sát thực tâm thực thực thi nhiệm vụ theo giáo huấn của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đó là yêu mến người nghèo và tận tâm phục vụ những người bị áp bức”, Palabay nói.
Carlos Conde thuộc tổ chức Quan sát Nhân quyền nói “ không có sự đẹp đẽ nào … có thể che giấu được thực tế rằng lực lượng cảnh sát Philippines có liên quan đến hàng ngàn cái chết của những người Philippines trong chiến dịch bài từ ma túy của chính phủ”.
“Thay cho các hoạt động rước kiệu hay kết nối cộng đồng, cảnh sát nên chấm dứt tự ý xử lý các nghi can có liên quan đến ma túy, đưa những kẻ giết người ra trước tòa và thể hiện sự thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động”, ông phát biểu.
Theo ông Conde, đó là cách duy nhất cảnh sát có thể cải thiện hình ảnh trong mắt người dân, đặc biệt là người nghèo.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết ít nhất 12.000 người, hầu hết là những người thuộc cộng đồng nghèo thành thị, bị giết trong chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Duterte.
Và lực lượng cảnh sát có trách nhiệm trong cái chết của ít nhất 2.555 người.
Nguồn tin: UCAN