|
Dự án này đã được phát động nhân Ngày quốc tế chống nạn buôn người cử hành hôm 30 tháng 7 vừa qua. Tham gia dự án có các tổ chức Caritas vùng Trung Đông, Bắc Phi và Âu châu và 9 Caritas các nước Albania, Bosnia, Pháp, Giordania, Libăng, Kosovo, Slovenia, Slovacchia và Ucraina. Dự án gồm việc thực hiện một cuộc nghiên cứu vượt biên giới nhằm mục đích góp phần cải tiến các trợ giúp cho các nạn nhân được cứu thoát, cũng như thu thập các dữ kiện về nạn buôn người và thực hiện các phương pháp mới hữu hiệu hơn cho tiến trình tái hội nhập các nạn nhân. Việc nghiên cứu này sẽ cho phép đề nghị các dụng cụ và kỹ thuật giúp nhận diện, phòng ngừa và chống lại các hoạt động của các tay buôn người, đồng thời thăng tiến ý thức giữa các nhóm dễ gặp nguy hiểm, các lực lượng an ninh và dư luận công cộng đối với tội phạm buôn người. Nhất là bởi vì các tổ chức buôn người đang sử dụng các kỹ thuật ngày càng tối tân cho các hoạt động tội phạm đem lại hàng tỷ mỹ kim tiền lời.
Bà Genevière Colas, đại diện các tổ chức Caritas Âu châu chống nạn buôn người, cho biết đây là một nghiên cứu cần thiết, cả khi việc chống nạn buôn người trong các năm qua đã được cải tiến; nhưng các tay tội phạm đang tìm các phương pháp mới để bắt các nạn nhân. Bà Maria Grazia Giammarinar, tường trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nạn buôn người, đã mời Caritas trình bầy các đề nghị lên các chính quyền tại Hội đồng bảo vệ các quyền con người của Liên Hiệp Quốc. Trong số các đề nghị có việc đào tạo chuyên biệt cho mọi nhân viên tại chỗ, cho các nạn nhân khả thể tái xây dựng cuộc sống của họ, không bắt họ hồi hương khi họ có thể gặp nguy hiểm tại quê hương của họ (SIR 27-7-2018).
Linh Tiến Khải