Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

CARITAS – Một tình yêu vô biên

CARITAS - một từ ngữ thật quen thuộc khi chúng ta dùng để diễn tả tình yêu thương, bác ái, một tình yêu bao la, quãng đại.

Quy Chế và nội quy Caritas Vĩnh Long định nghĩa như sau:

Caritas là dấu chỉ Tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người, một tình yêu tự nguyện và không biên giới. Caritas minh chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa chúng ta, một tình yêu cho mọi dân tộc, cách riêng cho những người nghèo khổ”[1].

Chúng ta có thể thực thi việc bác ái cách tốt đẹp với một tình yêu thương sống tôn trọng – liên kết để nâng cao phẩm giá con người khi chúng ta cùng nhau suy nghĩ, mở lòng mình ra để trái tim của chúng ta cùng chung nhịp đập với trái tim của những người cùng khổ khi chúng ta hiểu tương đối đầy đủ các ký tự kết nối làm nên chữ “CARITAS”.

Chút suy tư góp nhặt xin được chia sẻ các ký tự tương ứng với từ ngữ “CARITAS” như sau:

C = Christus: Chúa Kitô

A = Agape: tình yêu mang tính thần linh

R = Recapitulatio: quy tụ

I = Incarnatio: Nhập thể

T = Testis: chứng nhân, chứng ta

A = Apostolatus: Tông đồ, việc Tông đồ

S = Solidarietas: sự liên đới

1. Christus (Chúa Kitô)[2]: có gốc tiếng Hy Lạp là Xριστός (Khristos), được dịch từ tiếng Hipri (Mashiah), nghĩa là “Đấng được xức dầu”.

“Chúa Giêsu là Đức Kitô vì Người được Thiên Chúa thánh hiến, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc nhân loại; được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện sứ mạng này trong ba chức vụ: Tư tế, Tiên tri và Vương đế” (x. GLHTCG 436).

Khi chúng ta chịu phép Rửa tội, chúng ta được mang danh là Kitô hữu, nghĩa là bạn của Chúa Kitô, được Chúa xức dầu, được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô và được tham phần vào tình yêu cứu chuộc của Chúa.

2. Agape[3], tiếng Hy Lạp άγάπή, được Thánh kinh diễn tả tình yêu mang tính thần linh, hoàn toàn nhưng không, vô vị lợi và dám hi sinh chính mình cho người mình yêu.

Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể yêu bằng tình yêu này (x. Ga 3,16; 14,31;15,9).

Tuy nhiên, con người cũng được Thiên Chúa mời gọi và ban cho khả năng yêu thương như thế (vì là hình ảnh của Thiên Chúa). Đây là tình yêu của những ai yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (x. Đnl 6,5-6; Mt 22,37.39) và không chỉ “yêu người như chính mình”, nhưng còn yêu như Chúa Giêsu đã yêu thương họ (x. Ga 13,34).

3. Recapitulatio (quy tụ) diễn tả nhân loại được tập họp thành một mối như công trình sáng tạo quy hướng về Chúa Kitô và được phục hồi một cách siêu việt nơi Người. Chúa Giêsu cứu độ thế giới qua biến cố Nhập thể, Thập giá và Phục sinh. Nơi Người, vạn vật và biến cố lịch sử được quy tụ, khôi phục và thành tựu.

Chúa Kitô là tiêu chuẩn, là lý tưởng của vạn vật và của toàn thể lịch sử. Người không chỉ đưa mọi sự trở lại tình trạng nguyên tuyền, vốn bị đánh mất từ khi Ađam sa ngã phạm tội, mà còn hơn thế nữa nâng chúng ta lên mức độ kiện toàn mới: “Đó là đưa thời gian tới hồn viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep (1,10).

Một lần nữa, chúng ta cũng được Chúa mời gọi đến với anh chị em đau khổ để chia sẻ, cảm thông, liên kết và quy tụ họ trong tình yêu của Chúa.

4. Incarnatio  (Nhập thể) diễn tả tình yêu cứu chuộc mà Thiên Chúa dành cho con người nơi Chúa Giêsu. Người tuy vẫn hoàn toàn là Thiên Chúa đã thực sự trở thành người cách trọn vẹn (x. Ga (1,14; Gl 4,4-5). Người được sinh ra, chịu chết và sống lại để đưa con người sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa.

Chúa Kitô đã làm điều này vì tất cả chúng ta. Người đi vào thế giới nhân loại để an ủi, chữa lành, bao dung và xoa dịu nỗi đau khổ của con người. Là người môn đệ của Chúa, bước theo Chúa chúng ta cũng bước vào đời như Chúa để đến với anh chị em mình.

5. Testis (chứng nhân, chứng tá) sứ mạng của người kitô hữu là trở thành chứng nhân của Đức Kitô qua cuộc sống, lời nói và hành vi của mình. Cụ thể là việc thi hành đức bác ái.

6. Apostolatus (việc Tông đồ) qua Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng được Chúa sai đi như các Tông đồ. Việc Tông đồ có thể là trực tiếp giúp người khác nhận biết đức tin Kitô giáo và đưa họ gia nhập Hội Thánh; hoặc gián tiếp làm cho men Phúc âm thấm nhập mọi chiều kích của cuộc sống con người rõ ràng nhất vẫn là việc bác ái.

7. Solidarietas (sự liên đới) nói lên mối liên kết với nhau. Liên đới là mối tương quan giữa các thụ tạo, vì có chung một nguồn gốc là Thiên Chúa nên có trách nhiệm với nhau trong điều thiện lẫn điều ác.

Liên đới cũng là một đức tính luân lý kitô giáo, đòi hỏi con người phải chia sẻ cho nhau của cải vật chất lẫn tinh thần để mỗi người có “được một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người và phẩm giá Kitô hữu” (GLHTCG 1942).

Sự liên đớicòn được thể hiện qua việc giúp đỡ nhau hoàn thành công việc đã được cộng đoàn, Hội Thánh và xã hội giao phó.

KẾT

CARITAS, bắt nguồn từ tình yêu Chúa Kitô bằng một tình yêu mang tính thần linh, MỘT TÌNH YÊU VÔ HẠN. Chính Chúa Kitô nhập thể, quy tụ và làm cho chúng ta trở thành chứng tá bằng việc Tông đồ để liên đới mọi người bằng các việc làm cụ thể qua việc thi hành đức bác ái.

CARITAS, “hướng tới sự thăng tiến của những người nghèo để giúp họ có cơ hội hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng bằng cách đón nhận sự cộng tác của mọi người, tôn trọng sự khác biệt và thực thi đức bác ái đó là Sứ mạng của Caritas”[4].

 



[1] Quy Chế và nội quy Caritas Vĩnh Long, Tổng quan về Caritas, số 1.

[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, “Chúa Kitô”, tr. 143

[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, “Agape”, tr. 7

[4] Quy Chế và nội quy Caritas Vĩnh Long, Quy chế Caritas Vĩnh Long, Điều 2, mục b.

 

1114    29-02-2020