Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Caritas Việt Nam: Chuyến viếng thăm người có H tại Giáo phận Vĩnh Long

untitledcj
Thời gian giãn cách vì Covid-19 cuối cùng cũng đã nới lỏng và mọi sinh hoạt dần trở lại bình thường. Ngày 03-04/06/2022, Caritas Việt Nam đã tổ chức chuyến thăm hỏi các anh chị em bị nhiễm HIV (NCH) tại GP. Vĩnh Long, bao gồm 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long.

Rời Văn phòng Caritas Việt Nam vào sáng ngày 03/06/2022 và tới Bến Tre lúc 10 giờ sáng, chúng tôi gồm có sơ Quỳnh Tâm, sơ Lệ và Anh Phan đã đến nhà chị Bảo để lấy quà đã được chị giúp chuẩn bị sẵn, và bắt đầu chuyến thăm viếng thực tế. Trong chuyến thăm hỏi lần này, xin đơn cử một vài trường hợp nổi bật mà đoàn công tác muốn chia sẻ lại, để chúng ta thấy được những khó khăn và sự vươn lên của các anh chị em (ACE) có H.

Xe của chúng tôi hướng ra ngoại ô thành phố Bến Tre không xa thì đến một ngôi nhà cấp 4 – là nơi chị Lan (tên đã được thay) và đứa con hơn 1 tuổi đang ở nhờ một người bà con. Chị xuất hiện trước mắt chúng tôi với vẻ tiều tụy, xanh xao nhưng luôn cố nở nụ cười. Chồng chị nhiễm HIV và vướng vào vòng lao lý cách nay hơn một năm. Một tình nguyện viên của Bến Tre đã gặp chị ở trung tâm y tế khi đi khám bệnh, lấy thuốc. Lúc ấy chị suy sụp hoàn toàn, do bệnh tật, không có tiền sinh sống và mua sữa nuôi con (con của NCH không dùng sữa mẹ để tránh việc lây nhiễm từ mẹ sang con). Biết hoàn cảnh khó khăn của Lan, chị C - cộng tác viên (CTV) đã giới thiệu Lan đến điều trị miễn phí ở một Trung tâm Y tế, giúp tiền sữa cho bé và vốn để Lan bán vé số. Tuy đứa bé đã 18 tháng, nhưng chưa biết đi vì suốt ngày chỉ nằm trên xe nôi theo mẹ đi bán vé số. Bên dưới chiếc xe nôi là nơi mẹ bé treo ve chai lượm được dọc đường. Từ ngày biết chị C, Lan được nâng đỡ và hỗ trợ sữa nuôi con, được hướng dẫn cai nghiện bằng cách dùng thuốc Methadone thay thế giảm liều dần, và sức khỏe dần khá hơn. Có người đồng hành khích lệ, chị vui vẻ và sống có động lực hơn. Giờ đây, khi được hỏi về ước mơ lớn nhất của chị là gì? Chị trả lời không do dự, đó là “có sức khỏe để sống nuôi con!

hinh-dang-bai

Một trường hợp khác mà chúng tôi đến thăm là gia đình anh chị Tư - Hoa (đã thay tên) ở Vĩnh Long. Hai người đều đã qua “một lần đò”. Anh chị đều là NCH. Hai cháu lớn là con anh, con em. Ba cháu nhỏ sau này là “con chúng ta”. Lúc đầu anh chị cũng gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh tật, con đông (NCH có thể lập gia đình và sinh con bình thường nhưng việc nuôi con bằng sữa ngoài rất tốn kém và khó khăn cho họ). Muốn có sức khỏe ổn định, NCH phải uống thuốc suốt đời. Họ phải mua BHYT và cần tuân thủ thuốc nghiêm túc.

img2337j

Từ khi anh chị Tư - Hoa gặp được anh chuyên trách Vĩnh Long, cùng với sự đồng hành sâu sát của các cha, anh chị có thêm nghị lực để cố gắng. Anh chuyên trách đã có thâm niêm 10 năm đồng hành với NCH. Anh giúp vận động xây cho họ một căn nhà cấp 4 sát cánh đồng lúa để tiện lợi cho việc chăn nuôi. Từ chỗ ban đầu nuôi 3, 4 con dê, sau 3 năm, đàn dê nay đã là 60 con. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 1 con bò, 1 con heo rừng lai và gà vịt… Do thu nhập từ chăn nuôi khá hơn, anh chị “lơ” luôn hồ sen sau nhà mà trước đây nó vẫn cho thu nhập từ việc bán hoa, bán gương, bán lá và ngó sen. Chúng tôi thấy vui và tràn đầy hy vọng và khi nhìn thấy anh chị sống vui và hạnh phúc. Anh Tư nói, anh sẵn sàng giúp cho các anh chị em nào muốn nuôi dê, nhưng chưa thấy ai liên lạc. Một trong những điều chúng tôi quan tâm là làm thế nào chúng ta thuyết phục được NCH hiểu rằng, tương lai vẫn còn đó. Chúng tôi đồng hành với anh chị em, nhưng chính anh chị em là người quyết định phần còn lại cho cuộc đời mình, cho tương lai của con cháu ACE.

untitledr

Trong hai ngày này, chúng tôi đi thăm một số gia đình trẻ OVC. Đến đâu, anh chị chuyên trách (CT) và CTV cũng được chào đón với tất cả lòng quý mến và biết ơn. Anh chị em có H kể ra việc anh chị em CT-CTV đã làm cho họ. Bên cạnh đó, chúng tôi biết được nhiều hoàn cảnh rất đáng thương: có những trẻ không còn cha mẹ nên ở với ông bà. Ông bà cũng chỉ biết nuôi sống cháu nhưng không biết can thiệp để bênh vực cháu theo quy định pháp luật khi cháu bị loại trừ trong khu xóm hay nơi trường học. Khi được hỏi, “Kể cho bà (sơ) nghe về trường con đi”, trẻ nói ngay, “mấy bạn lớn bắt nhốt con vô nhà vệ sinh, rồi bà nội đi tìm, mở cửa cho con (khi hết giờ học mà không thấy cháu về). Đứa trẻ trở nên sợ hãi mọi người và không muốn đến trường. Trẻ khác thì chỉ muốn nghỉ học vì sợ cái cảnh cô đơn ở trường: Không có bạn, không được học chung với các bạn, không được phu huynh trong trường đón nhận… Điều này chắc chắn để lại những tổn thương sâu đậm trong tâm hồn non nớt của các em, vì chúng chưa kịp hiểu tại sao mọi người lại loại trừ mình một cách quyết liệt như vậy. Trẻ khác nữa thì vì không có ba mẹ nên đã ở với bà từ nhỏ. Bây giờ bà đã già yếu, nên em nghiễm nhiên trở thành lao động chính. Hàng tháng, em bán vé số để trả tiền mướn nhà, điện nước, ăn uống, thuốc thang… Thế nên, em tuy nhỏ tuổi, nhưng vẻ mặt dày dạn sương gió, tính cách trầm lắng chứ không hồn nhiên như những trẻ có cha mẹ yêu chiều, bao bọc.

img1227

Rồi khi nhìn thấy trẻ “phổng phao” vì đang độ tuổi dậy thì, anh chuyên trách nơm nớp lo sợ: Liệu sống trong môi trường phức tạp (đi bán vế số, làm thuê việc vặt .v.v) các trẻ em này có bị lừa hay bị dụ dỗ vào con đường xấu? Phải làm sao để bảo vệ chúng? Anh hay hỏi câu, “Có ghệ chưa con?” (Ý là có bạn trai chưa?). Chúng tôi nghe vừa buồn cười, vừa thấy cảm động vì thấy được tấm lòng của anh dành cho N. ACE chuyên trách, CTV lo lắng, thương yêu họ như người trong gia đình. Có lẽ đây chính là nút thắt mở toang mọi rào cản, tự ti, né tránh mà NCH thường có đối với người khác.

Chỉ qua hai ngày thăm viếng, chúng tôi đều có chung một nhận định: “Sao mà NCH thương mến, yêu quí anh chị CT, CTV đến thế?” Vì sao ư? Chúng tôi có câu trả lời cho chính mình khi nghe NCH kể ACE đã làm nhà cho họ, chăm sóc sức khỏe cho họ, tiếp sức cho con cái họ đến trường, đóng tiền cai nghiện cho họ, tìm việc làm cho họ. Chúng tôi đến thăm “tổ hợp” sản xuất những mặt hàng lấy nguyên liệu từ địa phương của NCH do một CTV lập nên, gồm những sản phẩm từ dừa: Mứt dừa, dầu dừa, nước màu dừa, kẹo dừa; các loại gia vị như cà ri bơ, muối tiêu, gia vị bò kho; chà bông cá basa, nghề hàn tiện… Nơi đây đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 10 người. Đến nay, chị CTV và cũng là người có H này lại “xoay” được một chiếc xe tải nhỏ để đi mua vật liệu, giao hàng và chở hàng thuê.

hj11

Đây là một mô hình phát triển mà chúng tôi ước mong được nhân rộng ra nhằm giúp cho người nghèo đứng lên trên đôi chân của họ. Để họ không còn mặc cảm mình là gánh nặng cho gia đình, xã hội, nhưng chính họ trở thành một tấm gương sáng cho người khác về nghị lực. Trong cuộc đời, ai cũng có lần vấp ngã. Điều quan trọng là làm sao chúng ta có được cái nhìn bao dung hơn với những người lỡ một lần sa chân, để giúp họ có cơ hội thay đổi. Chưa kể trong số những NCH, có rất nhiều người bỗng trở thành nạn nhân, nhưng đáng thương nhất vẫn là các trẻ OVC. Chúng vô tội và cần được sống, được yêu thương như bao trẻ em khác.

Cám ơn anh chị em chuyên trách và cộng tác viên của Giáo phận, những người đã cùng với Giáo hội địa phương, với các ân nhân, đồng hành không biết mệt mỏi với anh chị em có H. Mong sẽ có nhiều cánh tay đưa ra cùng hợp tác, để cuộc sống của NCH có thêm tiếng cười, thêm niềm hạnh phúc vì mình được tôn trọng và được yêu thương.

Thủ Đức, ngày 13 tháng 6 năm 2022


Tác giả: Anna Phan Thị Lệ, Fmm
Nguồn: Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam (23/6/2022)

401    28-06-2022