Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2022

caritasvn2022


Trọng kính quý Đức cha,

Kính thưa toàn thể Hội Nghị,

Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ” chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ 16, là lời mời gọi mỗi người trong Giáo hội sống tinh thần hiệp hành như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015).

Caritas cũng đã và đang trên con đường hiệp hành khi khai mở chiến dịch “Together We”, nghĩa là chúng ta cùng nhau. Hiệp hành trong khi thi hành bác ái, chính là yếu tố mang quyết định sự thành công cũng như sự phát triển bền vững của gia đình Caritas. Tinh thần hiệp hành được biểu hiện cụ thể qua sự nhiệt huyết, qua chính lối sống và trong chính việc làm của mỗi thành viên Caritas, để cùng nhau thi hành sứ vụ, để cùng nhau đem hạnh phúc đến cho người kém may mắn, cùng nhau đem Tin mừng đến cho mọi người. Nhân dịp Hội nghị thường niên năm nay, xin được chia sẻ một vài suy nghĩ về chủ đề:  Hiệp hành trong sứ vụ bác ái.

1. Tinh thần hiệp hành – Lối sống hiệp hành

‘Hiệp hành’ hiểu đơn giản là ‘cùng nhau trên một hành trình’, ‘cùng hội cùng thuyền’... Hình ảnh biểu tượng cho Thượng Hội Đồng gợi ý ít nhiều cho chúng ta về khái niệm hiệp hành: mọi thành phần dân Chúa đang cùng trên một con đường...

Hiệp hành là sáng kiến của Đức Giêsu cho ta được chung phần khi Chúa thực hiện hành vi rửa chân cho các môn đệ: để cho chúng ta được hiệp hành, Đức Giêsu đã quỳ xuống để nên một với chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Hànhvi ‘quỳ xuống’ của Chúa Giêsu gợi lên cho chúng ta nhiều điều: cúi xuống, bước xuống, hạ xuống, khiêm nhường, không khoe khoang... , còn có nghĩa cố gắng thích nghi với hoàn cảnh khó khăn hơn, không đòi hỏi gì cả.

Khihiệp hành với chúng ta, Chúa Giêsu không chỉ cùng một hành trình với chúng ta mà còn chết thay cho chúng ta. Vì những động từ diễn tả hành vi rửa chân đều là những gợi mở ám chỉ đến cái chết của Chúa Giêsu: ‘Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau’.

Chính thánh Phaolô xác tín như thế:Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.’ (Rm 6, 8). Tuy nhiên có khi cũng giống như Phêrô, chúng ta đâu có hiểu ý Chúa Giêsu muốn gì khi cho chúng ta hiệp hành qua hành vi rửa chân?

Vậy được hiệp hành với Chúa Giêsu nghĩa là gì? Chắc chắn không có nghĩa là tôi suy nghĩ, bận tâm, thao thức về điều gì đó, cho dù, một cách khách quan, đó là điều tốt. Được hiệp hành với Chúa Giêsu chính là tôi có để cho Chúa Giêsu suy nghĩ, bận tâm, thao thức về điều mà Ngài muốn suy nghĩ, bận tâm, thao thức nơi sứ vụ của tôi, cách riêng là sứ vụ bác ái của người môn đệ, của một hội viên Caritas – và cách đặc biệt, trong sứ vụ của người nữ tu, của người linh mục đang trực tiếp làm công việc bác ái.

Khi kêu gọi thực hiện lối sống hiệp hành, Đức Thánh Cha muốn triển khai Giáo hội học hiệp thông của Công đồng Vaticanô II, và sâu xa hơn, đó là đạo lý về Hội Thánh là nhiệm thể của Chúa Kitô, đã được thánh Phaolô diễn giải trong 1Cr 12, 12-30. Để chu toàn sứ mạng mà Chúa đã tín thác, Giáo hội cần phải đồng hành và hiệp nhất với nhau trên con đường Giêsu: “Giáo hội hiệp hành tiến bước trong sự hiệp thông để theo đuổi một sứ mạng chung với sự tham gia của mọi thành viên và mỗi thành viên” (Cẩm nang THĐGMTG về tính hiệp hành, số 1.3).

Là một thành viên Caritas, chúng ta không chỉ là những người cộng tác, những cánh tay nối dài để thực hiện các dự án, nhưng là những người cùng làm việc chung, cùng nhau bước đi với những người đồng trách nhiệm trong tổ chức Caritas để đem lại hiệu quả tốt nhất cho những người đang cần đến chúng ta.

Dựa trên Thông điệp Laudato Si (LS), Evangelii Gaudium (EG) Fratelli Tutti (FT), cùng kết nối với Chiến dịch “Together We” – Chúng ta cùng nhau hành động cho 1 thế giới tốt đẹp hơn – có 2 điểm nhấn của Sứ vụ bác ái: sinh thái toàn diện – phục vụ nguời nghèo. Qua HNTN năm nay, chúng ta chia sẻ và khai triển về sinh thái toàn diện và phát triển con người toàn diện. Sang năm, chúng ta sẽ khai triển về Sứ vụ và cách thức ưu tiên phục vụ người nghèo. Ước mong, khi đó với hoàn cảnh thuận tiện, chúng ta sẽ tổ chức Đại Hội Caritas và cũng là dịp tổng kết Chiến dịch. 

2. Sinh thái toàn diện và phát triển con người toàn diện

Trong thông điệpLaudato Si, ĐTC Phanxicô đã giới thiệu khái niệm “Nền sinh thái toàn diện” như một tầm nhìn và là chìa khóa để tái khám phá mối tương quan của chúng ta với công trình sáng tạo và để cùng nhau chăm sóc Ngôi Nhà Chung, cùng nhau hành động vì tương lai cho thế hệ mai sau. Như thế, việc bảo vệ thiên nhiên được liên kết chặt chẽ với các khía cạnh của đời sống con người như kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và mang theo những hệ luận đối với thiện ích chung. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng nền sinh thái nhân văn luôn gắn kết với khái niệm về thiện ích chung, vì đây là một nguyên tắc đạo đức cốt lõi của đạo đức xã hội. Cũng vậy, nền sinh thái toàn diện không thể tách rời khỏi ý niệm thế hệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay với nhiều bất công và bạo lực, việc liên đới bảo vệ môi trường thiên nhiên chính là góp phần bảo vệ những người nghèo khổ, bởi họ là những người đang phải sống trong các vùng ô nhiễm, thiếu nước sạch và thiếu lương thực... Điều này đòi hỏi nền sinh thái toàn diện luôn đi cùng với sự phát triển con người toàn diện.

Đề cập đến vấn đề sinh thái, trước đây chúng ta thường nghĩ đến “môi trường” và tìm cách để bảo vệ những loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ diệt chủng, hoặc quan tâm đến việc hồi phục các hệ sinh thái cổ truyền. Một xã hội thờ ơ dửng dưng với tiếng kêu của người nghèo thì cũng bịt tai với tiếng kêu rên siết của Trái đất. Hệ sinh thái và tình huynh đệ bằng hữu phải cùng nhau phát triển. Tôn trọng thiên nhiên không đồng nghĩa với việc hạ thấp nhân phẩm con người. Sẽ trở nên lệch lạc và thiếu sót, nếu chúng ta đặt mối quan tâm hàng đầu đến việc bảo vệ các chủng loại đang có nguy cơ diệt chủng hơn là việc bảo vệ phẩm giá của con người. ĐTC Phanxicô nói rằng:Một khi chúng ta không chấp nhận giá trị của một người nghèo, một bào thai, một người khuyết tật, chẳng hạn, thì khó mà lắng nghe tiếng kêu của thiên nhiên; tất cả mọi cái đều liên hệ với nhau. Khi nào con người tuyên bố độc lập … thì những nền tảng của cuộc đời bắt đầu tan rã (LS, số 117).

Lắng nghe tiếng rên siết kêu gào của Trái đất cùng với tiếng than van của những con người đang bị bỏ rơi và loại trừ, chúng ta được mời gọi thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh”, nghĩa là chúng ta cần phải sám hối và thay đổi lối sống của mình sao cho phù hợp với kế hoạch sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa. Theo đó, công trình tạo dựng là một di sản chung mà ai ai cũng có quyền được hưởng dùng cho cả những thế hệ tương lai, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. Thông điệp Laudato Si giới thiệu một mô hình văn hóa (số108), trong đó việc giáo dục sinh thái đóng vai trò quan trọng. Điều này đòi buộc chúng ta phải thay đổi lối nhìn, cách lựa chọn cũng như cách hành xử mà lâu nay chúng ta vẫn thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, như từ bỏ việc mua sắm những thứ không cần thiết và tiêu xài hoang phí, tiết kiệm nước, trồng cây, phân loại rác thải …Trở về với lối sống giản dị giúp chúng ta biết dừng lại và trân quý những điều nhỏ bé bằng cách biết ơn vì những cơ hội cuộc sống mang lại, đồng thời xa lánh khuynh hướng thống trị và tìm kiếm các thú vui vô bổ.

Trong tinh thần hiệp hành, chúng ta phải cùng nhau gìn giữ và chăm sóc ngôi nhà chung để giảm bớt cảnh nghèo đói, cùng nhau bảo vệ thiên nhiên, mẹ đất của chúng ta như thông điệp Laudato Si 139 đã khẳng định: “Nếu chúng ta không chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta thì nhân loại chúng ta sẽ không có được một ngôi nhà đúng nghĩa.

Hiệp hành để cùng nhau bắt tay vào việc chăm sóc ngôi nhà chung đang bị rạn nứt, cùng nhau thay đổi nhận thức về giáo dục sinh thái như một hướng tiếp cận giáo dục toàn diện để bảo vệ ngôi nhà hành tinh chung của chúng ta như lời mời gọi của Đức Phanxicô: “Tất cả các cộng đồng Kitô giáo đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục sinh thái” (LS, 214).

Giáo dục sinh thái toàn diện không chỉ giới hạn vào môi trường ở bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến thế giới xung quanh, như tránh sử dụng nhựa và giấy, chỉ nấu những gì thực sự cần thiết, quan tâm đến những sinh vật khác, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay đi xe chung, tắt đèn khi không cần thiết, và vô số hành động khác….” (x. LS, 211) nhưng còn cần đến ý thức đoàn kết, hiệp nhất trong gia đình nhân loại, đặc biệt với những người nghèo khổ, những thành viên dễ tổn thương hơn trong số những thành viên của gia đình chung chúng ta như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Cần những nhà giáo dục có khả năng phát triển nền đạo đức sinh thái, giúp mọi người trưởng thành trong tình liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn” (LS, 117).

Hiệp hành để bước ra khỏi chính mình, để sống hiệp thông với Thiên Chúa, với người khác và với tất cả thụ tạo, tất cả được bao phủ bởi tình yêu Thiên Chúa: “Mọi vật đều có tương quan, và loài người chúng ta được kết hợp với nhau trên con đường hành hương tuyệt đẹp, được đan kết với nhau bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo, và tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta trong tình nghĩa thắm thiết với anh mặt trời, chị mặt trăng, em suối và mẹ đất” (LS, 92).

KẾT:

Hướng tới một Hội thánh Hiệp hành, đây chính là động lực để mỗi thành viên Caritas hướng tới và sống tinh thần hiệp hành của Hội thánh trong sứ vụ bác ái. Hãy lên đường, gặp gỡ, lắng nghe và phân định để hiệp hành với Đức Giêsu trong sứ vụ loan báo Tin mừng qua công việc bác ái. Lên đường để gặp gỡ và lắng nghe anh chị em của chúng ta những người đang sống trong sự nghèo đói, đau khổ, bất công, thiếu ánh sáng, thiếu niềm vui để dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ giúp cho những người anh em đó có được ánh sáng, tình yêu và sự sống của Thiên Chúa.

 

+ Thomas Vũ Đình Hiệu

Chủ tịch UBBAXH – CARITAS VIỆT NAM

455    24-12-2022