Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Câu chuyện bi thảm nhưng đầy hy vọng của viên chỉ huy trại Auschwitz

cuachu
 Public Domain | Wikimedia


Rudolf Höss
đã chịu trách nhiệm chính trên cái chết của hàng triệu người trong trại tập trung khét tiếng của Đức quốc xã. Liệu linh hồn của ông có thể được cứu rỗi không?

Người ta có thể được tha thứ nếu tin rằng lương tâm đã chết ở Đức Quốc xã. Những tội ác chống lại loài người, trong đó có cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust), đến mức những kẻ nghĩ ra, lên kế hoạch và thực hiện chúng chắc hẳn phải là ma quỷ chứ không phải con người.

Chưa hết, câu chuyện về Rudolf Höss cho thấy rằng ngay cả giữa sự cuồng nhiệt cống hiến cho những lý tưởng của Chủng tộc Aryan và mù quáng tuân theo mệnh lệnh, một chút lương tâm vẫn tồn tại, mang lại hy vọng cứu rỗi cho ít nhất một trong những tay sai của Hitler.

Tuy nhiên, đáng buồn thay, nhiều thiệt hại đã xảy ra vào thời điểm Rudolf Höss nhận ra ánh sáng của lương tâm mình. Ông đã xây dựng trại tập trung Auschwitz-Birkenau của Đức Quốc xã và từng là chỉ huy của nó. Một trong sáu người Do Thái bị giết hại trong cuộc diệt chủng người Do Thái đã chết tại Auschwitz.

Sau khi bị Tòa án Quốc gia Tối cao ở Ba Lan kết án tử hình, Höss đã bị treo cổ vào ngày 16 tháng 4 năm 1947. Công lý đã được thực thi, theo luật của loài người. Dù Höss có phải đối mặt với công lý nào đi chăng nữa ở thế giới bên kia - và Thiên Chúa là vị thẩm phán công bằng - thì ông ấy cũng đã thể hiện sự ăn năn vào cuối đời và chết đi trong niềm hy vọng rằng mình sẽ được nếm trải lòng thương xót của Thiên Chúa.

Một đời tuân phục

Sinh ra trong một gia đình Công giáo sùng đạo ở thị trấn suối khoáng Baden-Baden của Đức vào ngày 25 tháng 11 năm 1901, Höss đã được rửa tội khi còn là một đứa trẻ sơ sinh. Ông đã có cơ hội tới lui đến nhà thờ trong suốt thời niên thiếu. Các linh mục là những vị khách thường xuyên trong gia đình của Rudolf Höss, và cha của ông đã đưa ông đến Lourdes và các đền thờ khác ở châu Âu. Rudolf thường xuyên đi xưng tội, và cha ông hy vọng rằng một ngày nào đó con trai mình sẽ trở thành linh mục.

Nhưng một trải nghiệm thời thơ ấu đã để lại cho anh ta một sự ngờ vực sâu sắc đối với các linh mục và cuối cùng dẫn đến việc ông đã rời bỏ Giáo Hội.

Cha John Jay Hughes, một nhà sử học, cho biết trong một bài giảng tại Đại học Seton Hall năm 1998. “Rudolf đã bị phạt cấm túc trong hai giờ. Với ý thức lương tâm như mọi khi, ông đã nhắc đến đến sự vi phạm của mình trong cuộc xưng tội hàng tuần cùng ngày. Tuy nhiên, ông đã không báo cáo vụ việc cho gia đình biết vì không muốn làm hỏng ngày Chúa nhật của bố mẹ tôi, như ông đã viết.

Cha Hughes nói tiếp, “Tối hôm đó, cha giải tội của Rudolf, một người bạn tốt của cha ông ấy, đã đến thăm gia đình. Sáng hôm sau, cha của Rudolf đã trách mắng và trừng phạt ông vì đã không báo lại sự việc ngay lập tức. Vì điện thoại của gia đình bị hỏng, không có khách nào khác đến thăm, và không có bạn học nào của ông sống trong khu phố của họ, nên Rudolf đã kết luận rằng vị linh mục hẳn đã phá vỡ ấn tích của tòa giải tội. Höss viết: Niềm tin của tôi vào lời tuyên hứa thánh thiện của chức tư tế đã bị đập tan, và những nghi ngờ bắt đầu dấy lên trong tôi. Sau sự cố này, tôi không còn có thể tin tưởng bất kỳ linh mục nào nữa. Anh ấy đã thay đổi cha giải tội và không lâu sau đó đã ngừng xưng tội hoàn toàn.”

Thay vì tiếp tục nhắm đến trường dòng, Höss gia nhập quân đội và phục vụ trong Thế chiến thứ nhất. Năm 1922, ông gia nhập đảng Quốc xã sau khi nghe Hitler nói chuyện ở Munich. Một chục năm sau, Heinrich Himmler, chỉ huy của SS [viết tắt của Schutzstaffel - một tổ chức bán quân sự trực thuộc Đảng Quốc xã dưới trướng Adolf Hitler - ND], đã mời Höss gia nhập đội ngũ của mình. Höss đã tôn kính Himmler và coi bất cứ điều gì ông này nói đều là “phúc âm”.

Nhân tiện, tên của Höss được phát âm hơi giống xe tang” (hearse), không có âm r, nhưng đừng nhầm lẫn ông với một đảng viên Quốc xã nổi tiếng khác có tên tương tự, Rudolf Hess, Phó Quốc trưởng của Hitler.

Vượt qua các cấp bậc, Höss đã phát triển “lòng tin cậy vào sự đúng đắn của chính nghĩa [của Đức Quốc xã] và vẻ ngoài lạnh như băng bất chấp những nghi ngờ bên trong,” Cha Hughes cho biết. Ông đã phục vụ tại các trại tập trung ở Dachau và Sachsen-hausen, và vào năm 1940, ông được giao nhiệm vụ xây dựng một trại mới tại Auschwitz ở Ba Lan do Đức Quốc xã chiếm đóng. Hughes tin rằng Höss đã hành động dựa trên hệ tư tưởng của Đức Quốc xã nhưng đã lấy làm khó chịu bởi cách đối xử tàn nhẫn với các tù nhân. Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện mệnh lệnh của cấp trên và ra lệnh cho cấp dưới thực hiện mộng tưởng của Hitler.

“Tôi đã phải tỏ ra lạnh lùng và vô tâm trước những sự kiện xé nát con tim của bất kỳ ai mang bất kỳ loại cảm xúc nào của con người,” sau này ông viết trong hồi ký trong tù. “Lạnh lùng, tôi phải đứng nhìn những người mẹ đi vào phòng hơi ngạt với những đứa con đang cười hay khóc. … Tôi chưa bao giờ hạnh phúc ở Auschwitz khi cuộc hủy diệt hàng loạt bắt đầu.”

Ông có bao giờ bị lương tâm dằn vặt hay không? công tố viên Ba Lan đã hỏi Höss tại phiên tòa xét xử ông.

Höss đã trả lời, “Có chứ, sau này, khi các phương tiện vận chuyển số lượng lớn đến - đặc biệt là khi chúng tôi phải tiêu diệt phụ nữ hàng ngày. Mọi người tham gia đều có cùng một câu hỏi không lời đáp: Điều này có cần thiết không? Họ đã đến gặp tôi nhiều lần và nói về điều này. Tất cả những gì tôi có thể làm là nói với họ rằng chúng ta phải thi hành mệnh lệnh mà không cho phép mình có bất kỳ cảm xúc nào của con người.”

Ông cũng đã nói với bác sĩ tâm thần của nhà tù Ba Lan rằng trong suốt những năm ở trại tập trung, ông đã cảm thấy “có điều gì đó bất ổn”. Mặc dù vẫn tiếp tục tin cậy vào hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia, nhưng ông nói: “Tôi nhận ra một cách chắc chắn rằng… cũng như tội ác, khủng bố, gieo rắc hận thù, việc chối bỏ luân lý là sai. Tôi luôn cảm thấy như vậy.”

Ông còn nói, “Hôm nay tôi nhận ra rằng việc tiêu diệt người Do Thái là sai, hoàn toàn sai.”

Những con đường giao nhau với Karol Wojtyla

Sau thất bại của Đức, Höss làm việc trong một trang trại và trốn tránh để khỏi bị bắt một thời gian, nhưng vào ngày 11 tháng 3 năm 1946, quân cảnh Anh đã bắt giữ ông và ông bị đưa ra xét xử cùng với các cựu lãnh đạo Đức Quốc xã khác. Ông đã thừa nhận “toàn bộ trách nhiệm của mình với tư cách là chỉ huy trại” về mọi việc đã xảy ra ở đó. Vào ngày 02 tháng 4 năm 1947, Tòa án Quốc gia Tối cao Ba Lan tuyên bố ông ta có tội và tuyên án tử hình. Höss được chuyển đến nhà tù ở Wadowice, cách Auschwitz khoảng 19 dặm. Như những người quen thuộc với cuộc đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đều biết, Wadowice là thị trấn của Ba Lan, nơi Karol Wojtyla chào đời vào năm 1920.

Ngày đến nhà tù, Höss xin gặp một linh mục. Một tu viện Cát Minh gần đó thi hành công tác mục vụ chăm sóc cho các tù nhân, nhưng không một tu sĩ nào thông thạo tiếng Đức, còn Höss thì không nói được tiếng Ba Lan. Dòng Cát Minh đã nhờ vị linh mục địa phương giúp đỡ, và vị linh mục này đã liên lạc với Đức Hồng Y Adam Stefan Sapieha, Tổng Giám Mục Krakow. Đức Hồng Y Sapieha, người chỉ vài tháng trước đó đã truyền chức linh mục cho chàng trai trẻ Karol Wojtyla, đã sắp xếp cho Giám tỉnh Dòng Tên từ KrakowCha Władysław Lohn, một người bạn tâm giao thân cận của mình, đến Wadowice. Cha Lohn đã đến thăm Höss vào ngày 10 tháng 4.

Cha Lohn đã phục vụ với tư cách là Giám tỉnh Dòng Tên của tỉnh dòng Miền Nam Ba Lan từ năm 1935. Trong chiến tranh, 27 tu sĩ Dòng Tên đã bị giam cầm ở Auschwitz. Mười hai người trong số họ đã chết ở đó. Cha Lohn đã đến thăm các tu sĩ Dòng Tên bị cầm tù vào ngày 04 tháng 9 năm 1940. Giấy thông hành lúc này vẫn hiệu lực dành cho các tu sĩ Dòng Tên ở Krakow. Lohn và Höss có thể đã gặp nhau vào thời điểm đó.

Nhiều năm sau, trong chuyến viếng thăm nhà tù Wadowice, Cha Lohn đã dành vài giờ với Höss, người đã chính thức tuyên xưng đức tin Công giáo, trở lại với Giáo Hội mà ông đã rời bỏ từ một phần tư thế kỷ trước. Và, quan trọng hơn là ông đã đi xưng tội lại. Cha Lohn trở lại vào ngày hôm sau để cho Höss rước lễ, người mà Cha Hughes kể rằng “đã quỳ ở giữa phòng giam của mình, khóc nức nở”.

Höss đã bị treo cổ vào ngày 16 tháng 4 năm 1947 - trong trại tập trung mà ông đã xây dựng. Ông đã bỏ lại một người vợ và năm đứa con, những người mà ông chỉ có thể để lại một số lời khuyên từ biệt. Trong một lá thư gửi cho các con từ phòng giam chờ ngày hành quyết, ông viết: “Sai lầm lớn nhất của cuộc đời cha là đã tin tưởng một cách trung thực vào tất cả những gì xuất phát từ cấp trên, và cha không dám mảy may nghi ngờ về sự thật của những gì được phô bày ra cho mình.

Höss đã phớt lờ lương tâm của mình. Ông khuyến khích các con của mình không nên làm như vậy, và kết thúc bức thư của mình rằng, Trong mọi công việc của con, đừng chỉ để lý trí lên tiếng, mà trên hết hãy lắng nghe tiếng nói trong trái tim con.

 

Tác giả: John Burger - Nguồn: Aleteia (26/01/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

908    28-01-2023