Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Câu chuyện có thật về một nhà nguyện được cứu thoát khỏi hoả hoạn một cách lạ kỳ

stmichel
 Nhà nguyện Saint-Michel de Brasparts chìm trong khói lửa, ngày 18 tháng 7 năm 2022.
 AFP


Nhìn
xuống khung cảnh hoang tàn, nhà nguyện Saint-Michel de Brasparts nằm ở Monts d'Arrée (dãy núi Arrée thuộc vùng Finistère) vừa mới thoát khỏi một vụ hỏa hoạn. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhà nguyện này là hiện thân của cuộc chiến đấu chống lại sự dữ.

Nhà nguyện Saint-Michel ở Brasparts (Finistère) bị vây bủa bởi ngọn lửa vào thứ Hai, ngày 18 tháng Bảy, nhưng ngọn lửa đã dừng lại một cách lạ kỳ cách nhà nguyện vài mét. Không thể nghi ngờ rằng việc giải cứu ngôi nhà nguyện là do công sức đặc biệt của những người lính cứu hỏa, nhưng người ta cũng có thể nghĩ một cách hợp lý rằng Chúa Thánh Thần cũng đã thổi gió vào các mặt của ngôi nhà nguyện Mont Saint-Michel (ngọn núi Thánh Michael) ở Monts d'Arrée. Nằm trong Công viên Tự nhiên của Vùng Armorique, ngôi nhà nguyện nhỏ thân yêu của những người Breton này đã trở thành trung tâm của cuộc chiến dập tắt ngọn lửa dữ dội chỉ trong vài giờ.

Mont Saint-Michel, “Menez Mikael” ở Breton, là một trong những điểm cao nhất của Monts d’Arrée, ở độ cao hơn 365m so với mực nước biển. Đó có lẽ là điểm cao nhất nếu bạn tính luôn cả tháp chuông! Ngôi nhà nguyện này trở nên nổi bật giữa một khung cảnh hoang dã của những bãi cỏ thạch nam (loại cây có màu hồng khi chúng nở hoa), đầm lầy Yeun Elez và hồ Brennilis. Đó là một vùng đất của huyền thoại, sương mù và than bùn.

stmichel2
Nhà nguyện Saint-Michel de Brasparts.
Shutterstock I Volker Rauch

Một nơi cầu nguyện

Địa điểm này từng là nơi thờ cúng dành cho tôn giáo cổ xưa của người Celtic (druids). Menez Mikael vẫn là một trong những ngọn núi linh thiêng của vùng Armorique. Ngôi nhà nguyện Công giáo đầu tiên được xây dựng ở đó vào năm 1674. Nhà nguyện này được thánh hiến vào ngày 29 tháng 9 năm 1677, ngày lễ Thánh Michael. Nơi linh thánh này trước tiên được những người chăn cừu thường hay lui tới.

Sau cuộc Cách mạng Pháp, dù chỉ còn là đống đổ nát, nhưng ngôi nhà nguyện vẫn tiếp tục là nơi cầu nguyện. Lòng đạo của các giáo dân Brasparts chính là lý do cho việc tái thiết của ngôi nhà nguyện từ năm 1820 đến năm 1821. Cánh cửa phía tây đã được cải tạo và tháp chuông vào thế kỷ VII được đưa trở lại vị trí cũ. Ngôi nhà nguyện còn được trùng tu vào năm 1892 và một lần nữa vào năm 1945.

Tòa nhà khiêm tốn làm bằng đá granit địa phương này đã được viếng thăm liên tục trong nhiều thế kỷ. Những người nông dân đến cầu xin Thánh Michael để có được thời tiết tốt trong mùa gặt hoặc tìm kiếm sự chữa lành cho một người thân hoặc bạn bè đang bị đau bệnh. Vào đầu thế kỷ XX, có thể thấy những người hành hương đi chân trần quanh nhà nguyện. Thánh Michael được đặc biệt tôn kính ở Brasparts.

Những Nghi thức Hối lỗi

Trong nhiều thế kỷ, những Nghi thức Hối lỗi (Pardons) đã diễn ra hàng năm tại nhà nguyện Saint-Michel và thậm chí có khi còn hai lần một năm vào tháng Năm và tháng Bảy. “Nghi thức Hối lỗi” là một ngày lễ truyền thống của người Breton, thường bao gồm các cuộc rước và có sẵn việc xưng tội. Giữa năm 1915 và 1918, Nghi thức Hối lỗi tại nhà nguyện Saint-Michel de Brasparts đặc biệt nổi tiếng với nhiều người hành hương đến để cầu nguyện cho hòa bình và cho sự trở lại của binh lính. Ngày nay, Nghi thức Hối lỗi vẫn được tổ chức hàng năm. Lần gần đây nhất diễn ra vào Chúa nhật, ngày 22 tháng 5.

Luôn luôn mở cửa

Một số ngày gió thổi mạnh đến nỗi bạn chỉ có thể vào bằng cửa nhỏ bên hông. Nhưng ngôi nhà nguyện luôn luôn được mở cửa! Nơi này chào đón hơn 150.000 du khách mỗi năm, trong đó có cả những người đi bộ đường dài theo phong trào GR34 cũng như mọi tín hữu khác. Ngôi nhà nguyện Saint-Michel de Brasparts đã luôn chiến đấu chống lại gió và thủy triều, suy cho cùng, chẳng phải Thánh Michael cũng đã giết được con rồng đó sao? Lạy Thánh Michael, xin giúp chúng con trong cuộc chiến đấu mà mỗi người chúng con đều phải đương đầu trong cuộc sống của chính mình hôm nay! Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói vào ngày 29 tháng 9 năm 2017 rằng: “Mỗi người chúng ta đều biết cuộc chiến đấu chính yếu của riêng mình, một chiến đấu khiến chúng ta phải mạo hiểm để đạt đến ơn cứu độ.”


Tác giả: Elisabeth Bonnefoi - Nguồn: Aleteia (23/7/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

674    25-07-2022