Xuất thân từ một gia đình Do Thái danh giá, em của triết gia Pháp Bernard-Henri Lévy, cách đây vài năm bà Véronique Lévy trở lại đạo công giáo, một cách trọn vẹn, sâu đậm, dứt khoát. Sau thành công của quyển sách thứ nhất “Chỉ cho con thấy nhan Chúa”, tác giả tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm nội tâm phong phú, đơn giản qua ngòi bút sắc bén của mình. Dù hồi nhớ lại câu chuyện và các giấc mộng đi theo mình trong suốt con đường đức tin, nhưng ở đây tác giả ghi lại sự trở lại của mình qua nhiều giờ thờ lạy. Độc giả sẽ ngạc nhiên với độ chính xác chữ bà dùng để nói chuyện với Chúa, người đối thoại của mình, hoặc đơn giản thuyết phục độc giả thực tế của sự hiện diện Thánh Thể. Nếu có thể hiểu được sự trở lại sáng chói nơi một người, khởi đi từ rất xa để đến một nơi rất cao trong việc đi tìm sự thật, thì người ta có thể tìm ở đây một vài bí mật.
Trong đường hướng của những nhà thần nghiệm lớn lao
“Là tù nhân tự nguyện của một Dòng Kín hay người biệt xứ của một thế giới trên bờ vực thẳm, hãy nhìn Ta, hãy thờ lạy Ta và mang các tâm hồn đến với Ta!”, bà viết những lời Chúa nói với bà. Như thế bà có tâm hồn của một nữ tu Dòng Kín? Cứ theo cách bà viết thì người ta không nghi ngờ gì.
Cũng như Thánh Têrêxa Lisiơ nói Chúa Giêsu muốn bà là quả banh nhỏ để Ngài chơi với bà, Véronique Lévy nói với Chúa cũng một cách rất trẻ thơ: “Lạy Chúa, con là con mèo nhỏ, con chuột nhỏ yêu thương của Chúa… Xin Chúa hãy chơi với con, như chơi với cuộn len! Xin đưa con vào bầu trời xanh Quả tim của Chúa, xin đốt cháy con trong Bụi Gai Cháy của Ngài”. Như thử bà vẫn còn rất nhỏ, như thử bà vẫn còn nói tiếng nói trẻ con, cất lên để đến với Lời Chúa và để lớn lên, phó mình trong vòng tay Đấng đã gọi mình. Để nói về Chúa, cả hai nhà thần nghiệm đều nói lên hình ảnh con chim ưng, và dùng từ ngữ thể lý để diễn tả trạng thái tâm hồn mình hướng về Đấng Vĩnh Cửu.
Trong đường hướng của Thánh Têrêxa Avila, lời ca thần nghiệm của Véronique Lévy mang tầm vóc rộng lớn, thấm đậm từ một đời sống nội tâm được nuôi dưỡng bởi Nguồn Sống, để đến lượt chúng ta, chúng ta được nuôi sống lại. Và cuối cùng bà xác nhận: “Con muốn con là hiền thê vùi ẩn trong Dòng Kín của Ngài”.
Sự thật, khiêm nhường, can đảm trên con đường đáp trả với Tiếng Gọi. Đó là lời mời gọi và sự giảng dạy, rằng chúng ta đừng sợ để thử.
Gặp gỡ
Đối thoại trong những hàng chữ này là cuộc gặp gỡ, cuộc gặp gỡ chủ yếu từ tâm hồn đến với tâm hồn, từ thể xác đến với thể xác, nơi tình yêu là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc. Trong bài thơ dài này, bà không phải là người duy nhất diễn tả. Véronique Lévy giúp chúng ta hiện diện trong sự chạm trán đôi khi rất quyết liệt, rất riêng tư này, nhưng lại mang những nét rất phổ quát, với Đấng rất thân thiết mà cũng rất kính trọng. Một trò chơi cút bắt yêu thương được bày tỏ, nơi Chúa mặc khải như một người yêu tê tái, tỏ bày nhan thánh mình cho những ai muốn thấy Ngài trong từng dấu hiệu nhỏ, đôi khi rất khó để nhận thấy. Tác giả kéo chúng ta đi theo bà trên quá trình, bắt đầu từ khi bà mới sinh, mà người thua cuộc không phải lúc nào cũng như chúng ta nghĩ. Cuộc gặp gỡ là chấp nhận ngọn lửa cháy bùng và thanh tẩy vì ở đây thi sĩ không có một đối thoại thoải mái, nơi mình chỉ việc nhận, nhưng không phải vậy, mình còn phải cho, phải quên mình cho đến mức buông mình để cho Tình Yêu tràn ngập đến. Và vì thế, Véronique Lévy ở trong truyền thống tinh tuyền nhất của các thánh vịnh, như một ngôn sứ của thời hiện đại, đã băng qua bao nhiêu thế kỷ để đến nói lại cho chúng ta biết, tầm cao cả cho đến muôn đời, Chúa khát khao biết bao tâm hồn chúng ta.
Qua câu chuyện của Véronique, qua con đường đi tìm tình yêu, qua sự cự lại với những gì không đến từ Chúa, chúng ta có một tấm gương cực mạnh thế nào là Vén Mở. Và đúng vậy, bà nói về bà, bà xóa mình cho đến khi bà cho chúng ta thấy nhan Thánh Ngài với tất cả tấm lòng quảng đại. Khi đọc tác phẩm của bà, chúng ta hết lòng tiếp nhận câu chuyện của một tình yêu bao gồm toàn cả nhân loại.
Thờ lạy, Véronique Lévy, nxb du Cerf.
Marta An Nguyễn dịch