CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH CŨNG LÀ CÂU CHUYỆN CỦA BẠN
Bạn sẽ nói lời xin vâng chứ? Bạn sẽ cho phép trẻ thơ này ngự trị trong cung lòng của bạn chứ? Bạn sẽ cho phép Chúa Ki-tô đi vào trong thế giới này qua cuộc đời của bạn chứ?
Nét đẹp của mỗi trình thuật được tìm thấy trong Kinh Thánh nằm ở chỗ, luôn có hai câu chuyện được tỏ lộ trong một thực tại. Vì thế, khi chúng ta bỏ giờ ra đọc và chiêm niệm đoạn trình thuật về Giáng Sinh, thì cùng lúc đó chúng ta được mời gọi khám phá cả về cuộc hạ sinh của Chúa Ki-tô ở Bê-lem lẫn cuộc hạ sinh của Ngài trong cuộc đời của chúng ta.
Cả hai câu chuyện ăn khớp với nhau trên hai điểm thiết yếu: sự diệu kỳ nơi tình yêu trào tràn của Thiên Chúa, được tỏ lộ trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, và tấn kịch nơi sự cộng tác của nhân loại. Dù cho dân Chúa có đáp lời hay từ chối thì tấn kịch này vẫn tồn tại từ khi tạo thiên lập địa. Tuy nhiên, nó đạt đến tột đỉnh ngay tại biến cố Truyền Tin, mà Thiên Chúa đã tỏ bày sứ điệp về kế hoạch cứu độ của Người cho Mẹ Ma-ri-a. Thánh Bê-na-đô đã nói về cái khoảnh khắc tuyệt diệu này trong một bài giảng về Mùa Vọng của ngài.
“Sau đó, trả lời với thiên thần cách mau mắn – vâng, ngang qua thiên thần, lời ưng thuận của bạn được trao đến Thiên Chúa … Tại sao bạn trì hoãn? Tại sao bạn sợ hãi? Hãy tin tưởng – tuyên xưng – đón nhận. Hãy đặt để sự khiêm nhường trong sự can đảm, và sự rụt rè nhút nhát trong sự tin tưởng … Ôi Đấng Trinh Nữ đầy ơn phúc, hãy mở rộng tâm hồn của các bạn cho đức tin, hãy mở môi miệng của bạn cho sự bằng lòng, hãy mở cung lòng của bạn cho Đấng Tạo Hoá. Này đây, Đấng hằng được mong ngóng của tất cả các dân nước, đang đứng ở cửa và gõ … Hãy đứng dậy bằng đức tin, chạy bằng lòng sốt mến và rộng mở đón nhận. Mẹ Ma-ri-a đã đáp: ‘Này đây là nữ tỳ của Chúa, xin hãy cứ làm cho tôi theo lời sứ thần nói.’”
Chúng ta phải luôn tách tâm trí mình khỏi sự lãnh đạm, nhưng cho phép con tim rung động, và bước chân nhảy lên. Đây là giây phút mà toàn bộ công trình tạo dựng đang nín thở để hỏi: “cô ấy sẽ nói vâng chứ?” Hãy cố gắng tưởng tưởng thấy sự bùng nổ của niềm vui mà niềm vui ấy làm rung chuyển cả trên trời khi nghe câu trả lời của Mẹ …
Giờ đây, chúng ta hãy học cách để nhận thấy giây phút kịch tính như thế trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Đấng cứu độ của chúng ta đã sinh ra và đã sống ở giữa chúng ta. Đây là mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta cử hành. Thiên Chúa đã đi vào thế giới của chúng ta và giờ đây đến với từng người trong chúng ta, mời gọi chúng ta theo Người. Thật không thể nào lưng chừng hay dửng dưng trước sự kiện này! Trên trời và dưới đất đang nín thở để chờ đợi! Bạn sẽ nói lời xin vâng chứ? Bạn sẽ cho phép trẻ thơ này ngự trị trong cung lòng của bạn chứ? Bạn sẽ cho phép Chúa Ki-tô đi vào trong thế giới này qua cuộc đời của bạn chứ? Bạn sẽ làm việc mà không tìm ngơi nghỉ đến nỗi mà tình yêu của Người có thể chạm đến, chiến thắng và biến đổi nền văn hoá xung quanh bạn chứ? Bạn hứa sẽ ở lại bên cạnh Người lúc tốt đẹp cũng như lúc tệ hại, dù đó là vị vua được người ta suy phục hay là vị vua mà người ta đóng đinh chứ?
Tiếng nói “xin vâng” của một người với Chúa nghĩa là chấp nhận kế hoạch của Ngài và đặt để chính mình trong bàn tay của Ngài cách tin tưởng. Chúng ta sẽ vượt qua những giây phút của ánh sáng và bóng tối; vẫn còn đó, chúng ta hãy luôn luôn nhớ lại Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng tên và bằng tình yêu thương lớn lao mà Ngài đã tỏ lộ cho chúng ta. Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã làm sáng tỏ hành trình này qua việc suy tư về chính kinh nghiệm riêng của Mẹ Ma-ri-a sau Truyền Tin.
Câu Kinh Thánh cuối cùng của thánh Lu-ca trong trình thuật Truyền Tin: “Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1,38). Giờ phút vĩ đại nơi cuộc gặp gỡ của Mẹ với sứ thần của Thiên Chúa – mà toàn thể cuộc đời của Mẹ bị thay đổi – tiến đến một kết thúc, Mẹ còn lại đó một mình với một trách vụ mà thực sự vượt quá khả năng nhân loại. Chẳng có thiên thần nào đứng xung quanh Mẹ. Mẹ phải tiếp tục một con đường dài dẫn qua rất nhiều giây phút tăm tối – từ sự mất tinh thần của Giu-se với cái thai của Mẹ cho đến giây phút Đức Giê-su bị người ta cho là mất trí (Mc 3,21; Ga 10,20), và trong tình trạng tăm tối của thập giá.
Trong những tình huống như thế, Mẹ Ma-ri-a đã phải thường xuyên trở về trong thâm tâm với giây phút mà thiên thần của Thiên Chúa đã nói với Mẹ, cân nhắc lại một lần nữa lời chào: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng!” và lời đầy an ủi: “Xin đừng sợ!” Thiên thần rời đi; sứ mạng của Mẹ còn lại, và điều đó làm cho Mẹ trưởng thành trong sự gắn kết nội tâm hơn với Thiên Chúa, một sự gần gũi mà Mẹ có thể nhìn thấy và chạm được nơi trái tim của Mẹ.
Link bài viết: https://catholic-link.org/the-christmas-story-is-your-story-too/
Tác giả: Garrett Johnson