Ảnh cắt từ phim tài liệu "Walking Together" 2022 Salt + Light |
Một bộ phim tài liệu mới đây kể về chuyện hậu trường cao điểm về những gì đã dẫn đến chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến các Dân tộc Bản địa Canada.
“Thần Khí Chúa là Thiên Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi để đem tin mừng đến cho kẻ khốn cùng; Người đã sai tôi hàn gắn những tấm lòng tan nát, công bố sự giải phóng cho những kẻ bị giam cầm và sự tự do cho các tù nhân.” (Is 61,1)
Khi hoạn nạn, đau đớn và tan vỡ ập đến trong Giáo Hội, thì tất cả những gì cần thiết hơn là các nhà lãnh đạo của Giáo Hội phải chịu trách nhiệm và nỗ lực hướng tới việc hàn gắn và hòa giải.
Đó là những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm ở Canada trong tuần này. Nhưng một chuyến đi của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là chuyến đi mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “cuộc hành hương thống hối”, không phải lúc nào cũng diễn ra. Vậy chính xác câu chuyện hậu trường của chuyến đi này là gì?
Salt + Light, một công ty truyền thông Công giáo Canada, đã cho ra đời một bộ phim tài liệu ngắn có tên Walking Together (Bước đi cùng nhau) để về kể câu chuyện này. Và câu chuyện này bắt đầu với một lịch sử rất đen tối.
“Sự thật và hòa giải là điều khả thi, nhưng để đạt được hòa giải, chúng ta cần phải đạt đến sự thật và một số sự thật là lịch sử đen tối nhất của Canada.” - Sempulyan Stewart Gonzales, Ủy viên Hội đồng, Dân tộc Squamish.
Nhiệm vụ của các trường nội trú
Từ giữa những năm 1800 cho đến những năm 1990, chính phủ Canada đã vận hành một hệ thống trường học với mục đích duy nhất là cách ly trẻ em Bản địa ra khỏi gia đình của chúng để hòa nhập với phần còn lại của xã hội. Những ngôi trường này được gọi là các Trường Nội trú dành cho Dân tộc Bản xứ (Indian Residential Schools).
Bộ phim tài liệu dài 59 phút giải thích về 141 trường học đã hoạt động trên khắp Canada và được quản lý bởi các Giáo hội Kitô giáo khác nhau: Công Giáo, Anh giáo, Methodist, United, Presbyterian, Baptist và Mennonite. Sáu mươi tám trường được quản lý bởi các giáo phận hoặc dòng tu Công giáo. Vào năm 1920, các sửa đổi đã được thực hiện dành cho Đạo luật dành cho Dân tộc Bản xứ của Canada (Canada’s Indian Act) buộc trẻ em từ 7 đến 15 tuổi phải đi học tại một trường nội trú. Nếu bậc cha mẹ phản đối, họ có thể bị bắt giữ.
Những đứa trẻ thường được gửi đến các trường học cách xa gia đình hàng nghìn dặm, và không được phép nói tiếng mẹ đẻ hoặc thực hành truyền thống của mình. Điều kiện tại nhiều trường rất khắc nghiệt và khó khăn.
Khoảng 150.000 học sinh đã trải qua hệ thống trường nội trú này, và nhiều học sinh đã phải chịu những hành vi ngược đãi tồi tệ nhất, đôi khi do chính tay của các linh mục và tu sĩ. Khoảng 6.000 trẻ em đã không bao giờ trở về nhà.
Mặc dù chắc chắn rằng vẫn có những người trong các trường học này quan tâm đến trẻ em và muốn điều tốt nhất cho chúng, nhưng mục đích cơ bản của các trường học là ban hành một chính sách của chính phủ nhằm xóa bỏ văn hóa, bản sắc và ngôn ngữ của trẻ em. Khi ngôi trường cuối cùng đã đóng cửa vào năm 1998, nhưng câu chuyện vẫn chưa phải là kết thúc. Những tác động của trường nội trú đã gây ra nhiều hậu quả: tổn thương giữa các thế hệ, mức độ giam giữ cao hơn, kết quả kinh tế và giáo dục nghèo nàn, nạn lạm dụng trong nội bộ, lạm dụng chất kích thích, trầm cảm, tự tử, và nhiều điều khác nữa.
Những cuộc gặp mặt lịch sử ở Rome
Phim tài liệu của Salt + Light cũng dõi theo chuyến đi của các nhà lãnh đạo Dân tộc Bản địa đến Rome vào tháng 3 và tháng 4 năm 2022 để kể cho Đức Giáo Hoàng nghe những câu chuyện của họ, và làm sao để những cuộc gặp mặt lịch sử này đã dẫn đến việc các giám mục của Canada đã mời Đức Giáo Hoàng đến và gặp gỡ những người bản địa trên chính mảnh đất của họ.
Tộc trưởng Willie Littlechild nói trong bộ phim tài liệu về ý tưởng của Đức Giáo Hoàng trong việc thực hiện chuyến đi đến Canada rằng: “Tôi muốn chúng tôi chào đón ngài ấy. Đất đai của chúng tôi đã ăn sâu vào DNA của chúng tôi với tư cách là một dân tộc.”
Đối với Cassidy Caron, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Metis, các cuộc gặp mặt ở Rome đã không gây thất vọng,
“Tôi muốn ngài ấy lắng nghe chúng tôi, và chắc chắn ngài ấy đã nghe thấy. Và ngài ấy đã phản hồi điều đó lại cho chúng tôi theo một cách thức vô cùng mạnh mẽ. Bạn biết rằng cá nhân ngài ấy cam kết tiếp tục giải quyết những vấn đề này. Và chúng tôi chưa biết mọi thứ sẽ như thế nào, nhưng tôi biết rằng ngài ấy đã lắng nghe chúng tôi.”
© Vatican Media |
Bộ phim đề cập đến các cuộc gặp mặt ở Rome, cũng như những kinh nghiệm đau thương và sự khôn ngoan có được từ các nhà lãnh đạo Dân tộc Bản địa - đại diện của Hội đồng Dân tộc First Nations, Hội đồng Dân tộc Métis và người Inuit Tapiriit Kanatami. Những tường thuật cá nhân của họ thật cảm động. Nét đẹp từ đời sống chứng nhân, cách một số người đã cố gắng gìn giữ đức tin Kitô giáo, và hy vọng được chữa lành của họ thật đầy cảm hứng.
Bộ phim còn đan xen lời chứng cá nhân của họ với những bức ảnh lịch sử và cảnh quay về bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng với các đại biểu ở Rome, trong đó có một lời xin lỗi cá nhân.
“Tha thứ là điều khó nhất. Khó nhất. Nhưng tôi sẽ nói với bạn, đó là một trong những điều mạnh mẽ nhất mà một cá nhân có thể làm được.” - Ted Quewezance
Bộ phim là phần đầu tiên trong loạt ba phim tài liệu mà Salt + Light Media sẽ sản xuất về Các trường nội trú, Người bản địa và đức tin, và Sự thật và tiến trình hòa giải. Phần thứ hai đang trong quá trình sản xuất và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối mùa thu năm 2022. Bộ phim hiện được phát hành trực tuyến miễn phí hoặc bằng cách tải xuống ứng dụng từ các cửa hàng Roku và Amazon Fire TV. Phiên bản phụ đề tiếng Pháp đang được hoàn thiện và sẽ sớm được phát hành.
Tác giả: Zoe Romanowsky - Nguồn: Aleteia (30/7/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên