Trong số rất nhiều câu truyện nhằm giải thích về nguồn gốc của cây thông Noel, có 3 câu truyện được nhiều người thích nhất đều nói đến nước Đức. Những câu truyện đó kéo dài từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 16. Cả ba đều có yếu tố thực tế lịch sử.
Một nguồn gốc có thể đúng của cây thông Noel đến từ các vở kịch tôn giáo thời trung cổ ở nước Đức. Trong số những vở kịch được yêu thích nhất này có vở kịch ‘Địa Đàng’. Vở kịch bắt đầu bằng việc Thiên Chúa tạo ra con người, diễn lại cảnh con người lần đầu tiên phạm tội và cảnh A-đam và E-và bị trục xuất khỏi Địa Đàng. Vở kịch khép lại với lời hứa về một Đấng Cứu Độ sẽ đến, khiến vở kịch trở thành một vở kịch được đặc biệt yêu thích trong mùa Giáng Sinh. Trong vở kịch, Vườn Địa Đàng rất thường xuyên được thể hiện bằng một cây thông có treo đầy táo và xung quanh là những ngọn nến.
Một truyền thống khác kết nối nguồn gốc của cây thông Noel với sáng kiến của Martin Luther, người khởi xướng đạo Tin Lành. Tuy nhiên, vào thời Luther cây thông Noel có lẽ đã tồn tại trong các ngôi nhà trên khắp nước Đức rồi. Rất có thể người ta đã sai lầm khi gán cho Luther là người khởi xướng truyền thống cây thông Noel, đơn giản là vì những người theo Luther chính là những người đã truyền bá phong tục này khắp Châu Âu khi họ chạy trốn khỏi bị đàn áp ở Đức.
Tuy nhiên, truyền thống lâu đời nhất về nguồn gốc của cây thông Noel lại có liên quan đến một nhà truyền giáo vĩ đại vào thiên niên kỷ thứ nhất của Giáo Hội: Thánh Bônifaciô. Trở lại thế kỷ thứ 8, ngài là một nhà truyền giáo cho một số bộ tộc ở những vùng xa xôi nhất của nước Đức và do đó trong lịch sử Giáo Hội ngài được coi là Tông Đồ của người Đức. Trong khi người ta biết đến Ngài như là một giám mục, một nhà truyền bá Tin Mừng vĩ đại, thì truyền thuyết Công giáo, dựa trên các sự kiện lịch sử có thực, cũng cho rằng Thánh Bônifaciô là người khởi xướng việc sử dụng cây thông Noel để kỷ niệm biến cố Chúa Kitô Hài Đồng ra đời.
Sinh ra tại nước Anh năm 680, tên khai sinh của ngài là Winfrid. Khi còn rất trẻ, Winfrid quyết định gia nhập một tu viện dòng Thánh Biển Đức bất chấp việc cha mẹ phản đối. Winfrid lớn lên trong sự thánh thiện và lòng đạo đức nhưng luôn khao khát được rời khỏi tu viện để mang ánh sáng của Chúa Kitô đến cho những người Đức ngoại giáo giống như các tu sĩ của dòng đã mang Đức Tin đến nước Anh một thế kỷ trước đó. Winfrid nghe được các báo cáo về việc Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII (trị vì 715-731) vào năm 716 đã phái các vị thừa sai đến Bavaria (thuộc miền Nam nước Đức ngày nay) và ngài quyết định đến Rôma để gặp Đức Giáo Hoàng. Sau một thời gian, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã sai ngài đi rao giảng Tin Mừng ở các vùng Thuringia, Bavaria, Franconia và Hesse. Để xác nhận nhiệm vụ truyền giáo đặc biệt của ngài, Đức Giáo Hoàng cũng đã đổi tên của Winfrid thành Bônifaciô.
Thánh Bônifaciô đi rất nhiều nơi trên khắp những vùng đó và công việc truyền giáo của ngài rất thành công. Cuối cùng, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục cho toàn nước Đức ở phía đông sông Rhine vào năm 722. Thánh Bônifaciô đã dành phần đời còn lại của ngài để truyền giáo tại các khu vực của nước Đức và ngay cả các vùng đất của Hà Lan.
Từ các chuyến đi truyền giáo của mình, Thánh Bônifaciô biết được vào mùa đông, cư dân của làng Geismar tập trung quanh một cây sồi cổ thụ khổng lồ (được gọi là "Cây Sồi Sấm") cung hiến cho thần sấm Thor. Sự kiện thờ cúng hàng năm này diễn ra giữa mùa đông và điểm nhấn của sự kiện là hiến tế một con người, thường là một đứa trẻ nhỏ, cho vị thần ngoại giáo này. Thánh Bônifaciô mong muốn cải đạo ngôi làng này bằng cách phá hủy Cây Sồi Sấm, thứ mà những người ngoại giáo này trước đây vẫn tự hào rằng Thiên Chúa của Bônifaciô không thể nào phá hủy được, vì vậy ngài đã tập hợp một vài người bạn và lên đường đến Geismar.
Thánh Bônifaciô và các bạn thừa sai của ngài đến làng vào đêm Giáng Sinh, vào thời điểm diễn ra lễ hiến tế, sự hiện diện của các ngài khiến cho lễ hiến tế bị ngưng lại. Để thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và xuất phát từ mong muốn nhen nhóm ngọn lửa của Chúa Kitô nơi những người Đức ngoại giáo này, Thánh Bônifaciô đã chộp lấy một chiếc rìu và đốn hạ Cây Sồi Sấm của thần Thor quyền năng.
Những người Đức vô cùng kinh ngạc và không thể tin rằng kẻ đốn hạ cây Sồi Sấm của thần Thor này lại không bị vị thần của họ trừng phạt. Vị giám mục thánh thiện rao giảng Tin Mừng cho người dân và sử dụng một cây thông nhỏ phía sau cây sồi bị đốn hạ làm công cụ loan báo Tin Mừng. Chỉ vào cây thông, ngài nói, "Cái cây nhỏ xíu này, chỉ là một cây con trong rừng, nhưng sẽ là cây thánh của quý vị đêm nay. Đây là cây của hòa bình… Đây là dấu hiệu của một cuộc sống bất tận, vì những chiếc lá của nó luôn xanh tươi. Hãy xem cái cây này hướng lên trời như thế nào. Hãy gọi đây là cây của Chúa Kitô-Hài Đồng; hãy tụ họp chung quanh cái cây này, không phải trong rừng hoang, nhưng trong chính nhà của quý vị; ở đó cây sẽ là nơi dành cho, không phải những hành vi đẫm máu, mà là những món quà yêu thương và những nghi thức của lòng nhân ái." Kinh ngạc về việc Thánh Bônifaciô đốn hạ cây sồi và những lời ngài rao giảng, dân làng đã chịu phép rửa tội.
Thánh Bônifaciô cho đến già vẫn tiếp tục nỗ lực truyền giáo của ngài cho đến khi ngài cùng với các bạn thừa sai chịu tử đạo vào năm 754. Người sau này viết tiểu sử của ngài, Othlo, nhắc lại tình yêu sâu sắc mà Thánh Bônifaciô dành cho những người mà ngài đã không ngừng nỗ lực để mang về cho Chúa Kitô: "Thánh Giám mục Bônifaciô có thể được gọi là cha của tất cả các cư dân nước Đức, vì chính ngài là người đầu tiên đưa họ đến với Chúa Kitô bằng những lời rao giảng thánh thiện của ngài; ngài đã củng cố đức tin họ bằng gương sáng của ngài; và cuối cùng, ngài đã hiến mạng sống của ngài cho họ; không thể có tình yêu nào lớn hơn tình yêu như thế."
Trong những thế kỷ sau đó, truyền thống Công Giáo sử dụng một loại cây trường xanh để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu đã lan rộng khắp nước Đức, và những di dân người Đức vào thế kỷ thứ mười tám đã mang phong tục này đến Tân Thế Giới. Mặc dù có rất nhiều câu truyện, truyền thuyết và huyền thoại xung quanh việc khởi xướng dùng cây thông Noel, nhưng câu truyện duy nhất bắt nguồn từ một con người có thật và một sự kiện cụ thể là câu truyện về Thánh Bônifaciô, người đã cải đạo người Đức, người đã đốn hạ cây sồi uy quyền của Thần Thor.
Nguồn: catholic.com (06/5/2014) và churchpop.com (24/12/2014)