Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

Cầu nguyện: cách bảo tồn thời gian

 

Mối tương quan với thời gian là một trong những viên đá góc theo kinh nghiệm Kitô giáo. Khi đức tin vào Thiên Chúa ló dạng nơi tâm hồn chúng ta, khi chúng ta khám phá ra Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong cuộc đời chúng ta, thì tương quan của chúng ta với thời gian sẽ thay đổi. Kinh Thánh nhắc đến sự thay đổi này khi sử dụng hại từ Hy Lạp khác nhau để chỉ thời gian: chronoskairos. Khoảnh khắc chúng ta bước vào một mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa, khoảnh khắc chúng ta bắt đầu cầu nguyện, thời gian được chuyển đổi từ chronos thành kairos.

Chronos là thời gian được tình dựa trên các ngôi sao, các mùa và những chiếc đồng hồ được thiết kế để quản lý nó càng hiệu quả càng tốt. Chronos cũng giống như một người giám sát của một chiếc thuyền chèo đánh ra những tiếng trống lớn để giữ nhịp cho các nô lệ trên chiếc thuyền đó. Chronos có tính nghiêm khắc: một giờ là một giờ và khi nó trôi qua, nó kết thúc. Chúng ta có được một con số giới hạn những ngày để sống, và khi thời khắc cuối cùng đến, chẳng có gì thoát được. Chronos có tính lạnh lùng, máy móc. Sự đều đặn không khoan nhượng của nó không nhường chỗ cho bất cứ ngoại lệ nào, và kết hợp với sự biến đổi nhận thức tâm lý của chúng ta về thời gian, nó liên tục chế nhạo chúng ta: bất cứ khi nào có một hoạt động vừa ý, thì thời gian luôn vụt qua thật nhanh; nhưng bất cứ khi nào chúng ta rơi vào đau khổ, nhọc công cho việc gì đó, gặp buồn sầu vì điều gì đó, thì thời gian chẳng bao giờ trôi đi, những giây phút dài đến vô tận! Chronos vừa linh hoạt vừa hay thay đổi; nó bộc lộ nhược điểm của ta và là đồng minh chính cho kẻ thù lớn nhất của ta, là cái chết. Chronos là cái chết từng giọt một dưới dạng từng khoảnh khắc, ngay khi nó rời ra, thì nó đã biến mất rồi. Chronos là một nhà tù: nó chẳng dẫn đến đâu cả, nó không ngừng tái tạo cùng một chu kỳ. Nó không có định hướng, nó không theo đuổi mục tiêu, nó phi lý, vô nghĩa.

Mặt khác, kairos là chính Thiên Chúa, Đấng đột nhập vào chronos và phá vỡ tính đơn điệu mù quáng và bản chất chu kỳ của nó. Ngay khi Thiên Chúa bước vào lịch sử, Người khai mở một khởi đầu mới, một công cuộc sáng tạo mới, giải cứu cuộc đời chúng ta khỏi bản chất chu kỳ của chronos bằng cách ban cho chúng ta một hướng đi, một ý nghĩa, một mục đích. Khi Thiên Chúa trở nên xác phàm; khi Chúa Giêsu hứa ở với chúng ta trong lời Người và trong cộng đoàn những kẻ tin; khi người chỗi dậy từ cõi chết và gởi Thánh Thần của Người vào trong tâm hồn chúng ta: trong mỗi trường hợp này, thời gian đã thay đổi và nó trở thành nơi mà Nước Thiên Chúa thâm nhập và là nơi chúng ta được ban tặng một sự nếm trước cuộc sống mai sau.

Bất cứ khi nào chúng ta đón nhận lời Người bằng đức tin, bất cứ khi nào chúng ta đón nhận sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện, thời gian của chúng ta sẽ được biến đổi: nó không còn là một khoảnh khắc tức thì trôi qua để phải chịu đựng; thay vào đó nó trở thành một thời gian được tuyển chọn, một cầu nối giữa trời và đất, giữa hiện tại và tương lai, nó trở thành một sự đợi chờ nhẫn nại, nỗi thao thức của Tin Mừng: nó trở thành niềm hy vọng.

Không may là, cho dù chronos chẳng còn tồn tại, cho dù sự đợi trông Nước Thiên Chúa đã biến đổi mọi giây phút thành một thời điểm của ân sủng và một cơ hội  cho ơn cứu chuộc, nhưng chúng ta vẫn còn đang ngăn chặn việc đón nhận sự giải thoát này bằng sự thiếu đức tin và bằng sự đui mù của mình. Mặc dù xiềng xích của chúng ta đã bị phá vỡ và những cánh cửa địa ngục đã xét tan tành, chúng ta vẫn ngoan cố co cụm trong bóng tối của xà lim mình, không dám rời khỏi ngục tù của chúng ta. Thánh Phaolô đã gia tăng lời cầu khẩn của người để chúng ta nhìn nhận và đón chào thời gian của Thiên Chúa, thời gian cứu chuộc, thời gian thuận tiện được khai mở bởi sự phục sinh của Đức Kitô:

"Thưa anh em, thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi."

Kairos này thì ngắn ngủi, cấp bách, được vươn tới thế giới mai hậu. Những gì chúng ta đang cảm nhận bây giờ thì tạm thời và nó phải được đặt vào chỗ phục vụ cho cuộc đời mai sau. Nếu chúng ta không muốn trở thành nô lệ của chronos, thì chúng ta phải giữ một khoảng cách nhất định giữa chúng ta và những hoạt động của chúng ta để nhìn thấy mọi sự từ điểm nhìn của thế giới mai sau. Để duy trì khoảng cách này, để nhận biết và quản lý cái thời gian mà Thiên Chúa đang đến để thiết lập Vương quốc của Người, để đương đầu với thế giới như thể chúng ta đã chẳng hề giao thiệp với nó, chúng ta phải thận trọng, phải không ngừng hỏi thăm về cuộc tái lâm của Người, phải tìm kiếm công bình trong Vương quốc của Người; tóm lại, chúng ta phải cầu nguyện.

Chỉ qua một tránh nhiệm nghiêm túc đối với cầu nguyện hằng ngày chúng ta mới có thể cứu nguy cho thời gian của mình.[1] Chúng ta bàn về việc ‘bảo tồn thời gian’, có nghĩa là chúng ta cố gắng sử dụng thời gian một cách chiến lược hơn, để có thể tận dụng nhiều hơn và tận dụng tốt hơn. Nhưng thời gian cần được ‘bảo tồn’ cũng theo nghĩa là nó cần được ‘cứu nguy’ khỏi việc quay trên trục của chính nó và kéo chúng ta vào một vòng xoáy không dẫn tới đâu cả. Khi thánh Phaolô nói về việc cứu nguy thời gian, người dùng động từ Hy Lạp exagorazomai, động từ mà ở những nơi khác trong các văn phẩm của mình biểu thị hành động mà nhờ nó Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, qua đó Ngài giải cứu chúng ta để chúng ta có thể nhận được ơn làm nghĩa tử.[2] Theo nghĩa đen, từ này có nghĩa là ‘chuộc lại’, ‘chiếm hữu lại một cái gì đó đã từng thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta đã mất’. Chỉ khi chúng ta dừng lại, chỉ khi chúng ta đi vào căn phòng của mình và đóng cửa lại trong giây lát, chỉ khi chúng ta cầu nguyện, thì thời gian mới không còn trốn tránh chúng ta, không còn kiểm soát chúng ta và chúng ta mới thoát khỏi sự cưỡng bách của nó. Chỉ sau đó chúng ta mới được ban cho cơ hội để cứu nguy thời gian, để mang nó trở lại, để biến đổi nó, hay đúng hơn là, để nó được Thiên Chúa biến đổi thành một thời gian cứu rỗi, thành một kairos.

Có nhiều cách để chúng ta bảo tồn được thời gian theo cách này, để cứu nguy được thời gian của mình. Sám hối và nhân từ là một ví dụ điển hình. Khi màn đên buông xuống, nếu tôi đặt mình trong tâm tình cầu nguyện nơi sự hiện diện của Thiên Chúa nhân từ để nhìn lại ngày sống của mình và cầu xin sự tha thứ về mọi điều sai lỗi, thì tôi đang giải cứu ngày sống của mình, tôi đang yêu cầu nó trở lại. Một sự sám hối tức thì là đủ để cứu nguy cho mọi giờ mà tôi đã lãng quên hay bỏ mặc Thiên Chúa, cho mọi giờ tôi đã dành hoàn toàn cho công việc đến mức quên cả bản thân mình. Đây là điều gì đó tôi có thể làm không chỉ vào buổi tối, mà còn vào giữa buổi sáng, vào buổi trưa và vào giữa buổi chiều. Hay tôi có thể, từng chút một, học cách để thực hành nó thậm chí thường xuyên hơn, mà không ngắt quảng công việc của mình, bởi vì chỉ một vài giây là đủ. Theo cách này, cầu nguyện thậm chí có thể dần dần trở thành một thái độ nền tảng để không có hoạt động nào, dù đòi hỏi nhiều thời gian, sẽ khiến tôi hoàn toàn phân tâm khỏi sự hiện diện của Chúa.

Hãy lấy thêm một ví dụ nữa. Khi logic của thế giới trở nên xâm phạm đến mức muốn chiếm lấy cả ngày của tôi với các cuộc hẹn, những cú điện thoại, các trò tiêu khiển và những bổn phận, ngay cả khi bản thân những hoạt động này là tốt, tôi vẫn có thể từ chối để cho chúng quyết định nhịp độ cuộc sống và cản trở sự tự do của tôi trong tư cách là một người con của Thiên Chúa, thay vào đó chọn dành dù chỉ năm hoặc mười phút để cầu nguyện, cho Chúa. Logic của thế giới nổi dậy chống lại sự nhượng bộ như thế: Thiên Chúa có thể chờ đợi, trong khi cú điện thoại này, cuộc hẹn này, bổn phận này thì lại cấp bách. Nhưng khi chúng ta từ bỏ thời gian cầu nguyện ngắn ngủi mà chúng ta đã dự định dành cho một hoạt động khác, dù xứng đáng và tốt đẹp đến đâu, thì không phải chúng ta để mặc cho Thiên Chúa chờ đợi, không phải chúng ta làm tổn hại đến Ngài, mà là chính chúng ta, bởi vì chúng ta cản trở tự do của mình trong tư cách là con cái Thiên Chúa. Quyết định từ bỏ hoặc rút ngắn một hoạt động vì mục đích cầu nguyện là một hành động của tự do đối với logic của thế giới, nó là một hành động của đức tin vào một cuộc sống sắp đến, vào thực tế là thế giới này đang qua đi, trong khi cầu nguyện và tình yêu, giống như Lời Chúa, tồn tại mãi mãi.

Thánh Jane Frances de Chantal [3] được cho là đã nói: ‘Bất kỳ ai tìm ra thời giờ cho Chúa, thì cũng tìm ra thời giờ cho mọi điều khác.’ Thật vậy, những ai tìm ra thời giờ cho Chúa, những ai tìm ra thời giờ để thờ phượng và cầu nguyện, sẽ trở nên tự do hơn, sẽ được giải thoát khỏi cái logic của thế giới đang qua đi và đã tham dự vào vương quyền của Đức Kitô vượt thời gian. Và khi chronos được chuyển đổi thành kairos, chính Thiên Chúa sẽ điều hướng mọi thứ theo sự quan phòng của Người đến những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống chúng ta, và bằng cách nào đó, mọi thứ hoạt động tốt hơn, vận hành trơn tru hơn.

Nếu thời gian cầu nguyện bị hủy hoại bởi sự chậm trễ, lười biếng hoặc vội vàng, thì điều này có nghĩa là chúng ta vẫn còn là những tù nhân thuộc về cái logic của chronos, nghĩa là chúng ta đã không chào đón sự chuyển đổi mà Thiên Chúa yêu cầu: "Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ, 'Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.' Và lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người."[4] Lời mời gọi hướng đến sự chuyển đổi, hướng đến việc theo Chúa Giêsu này, được làm mới lại mỗi lần Thánh Thần kêu gọi chúng ta cầu nguyện: sau chúng ta phải bỏ chài lưới của mình lại, phải tập hợp nguồn lực của trái tim, trí tưởng tượng và trí thông minh của mình để chào đón sự hiện diện của Chúa.

Ở sự chuyển đổi kiên nhẫn, bền chí và đôi khi vất vả này, mỗi lần được làm mới lại là chúng ta buông chài lưới xuống để đáp lại Thiên Chúa trong cầu nguyện, ngày này qua ngày khác, nhận thức về thời gian của chúng ta sẽ dần dần thay đổi. Chúng ta nhận ra rằng thời gian của đồng hồ, chronos, đang suy yếu, trong khi thời gian được biến đổi bởi sự hiện diện của Chúa, kairos, ngày càng hiện diện và hoạt động trong chúng ta và theo cách này chúng ta có thể tận hưởng niềm vinh dự tuyệt vời mà chúng ta có được trong tư cách là những Kitô hữu của sự thánh hoá thời gian. Rồi chúng ta có thể nói: "Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng. Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú trên trời. Chúc tụng Chúa đi, hỡi đêm ngày đắp đổi. Chúc tụng Chúa đi, ánh sáng và bóng tối."[5] Mặt trời, mặt trăng, tinh tú đều là biểu tượng của thời gian. Đó là một cách để cho thời gian trở thành một phúc lành. Và trên thực tế kairos có thể được dịch thành ‘thời gian được chúc lành’, ‘thời gian tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa’.

Đó là cách tốt nhất để bảo tồn thời gian, để cứu nguy thời gian. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nhắm đến khi Người mời gọi chúng ta phải canh chừng.[6] Bất cứ khi nào chúng ta chống lại sự trói buộc của chronos, bất cứ khi nào chúng ta tách mình khỏi thời gian đồng hồ và khỏi cái logic của thế gian đang điều khiển nó, bất cứ khi nào chúng ta chào đón kairos, chào đón Vương quốc Thiên Chúa, thì quả thật chúng ta sẽ bảo tồn, chúng ta sẽ giải cứu, chúng ta sẽ thần thánh hóa được thời gian.  Đó là lý do tại sạo cầu nguyện lại là công việc thánh hoá thời gian: mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ dành cho cầu nguyện lại trở nên hương trầm làm vui lòng Thiên Chúa: "Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều."[7] Mỗi giây phút dành cho cầu nguyện đều trở thành một lời công bố về quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong lịch sử, qua đó thúc đẩy Nước Trời mau đến và sự trở lại của Chúa Kitô trong vinh quang.

Nguồn sách: Luigi Gioia, Say It To God (In Search Of Prayer), Bloomsbury 2018.
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên


**********

[1] Ep 5,16 ; Cl 4,5.

[2] Gl 4,5.

[3] Jane Frances de Chantal (28/01/1572 - 13/12/1641) là một vị thánh nữ Công giáo, được Đức Giáo Hoàng Benedict XIV tuyên chân phước vào năm 1751 và được Đức Giáo Hoàng Clement XIII tuyên thánh vào năm 1767. Thánh nữ đã cùng với thánh Francis de Sales thành lập Dòng Thăm viếng của Đức Thánh Maria (VHM) vào năm 1610. (ND)

[4] Mc 1,16-18.

[5] Đn 3,62*-63*.71*-72*.

[6] x. Mc 13,33.

[7] Tv 141,2.

 

 

327    23-08-2021