Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Cầu nguyện có thể giúp chúng ta trở về với Thiên Chúa

cauxin
 A3pfamily | Shutterstock


Qua cầu nguyện, chúng ta nhận ra tội lỗi và sự yếu đuối của mình, đồng thời tìm lại ước muốn đi đến Cội Nguồn của vạn vật trên thế giới này.

Bất cứ khi nào cầu nguyện, chúng ta vốn nên nhận ra sự thiếu sót và lòng tin cậy của mình nơi Thiên Chúa. Lời cầu nguyện phải đặt chúng ta vào tình trạng lệ thuộc, thừa nhận vai trò của chúng ta là một tạo vật của thế giới này.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích khía cạnh cầu nguyện này khi mô tả về sự khẩn cầu:

Từ vựng diễn tả sự khẩn cầu trong Tân Ước rất phong phú về nhiều sắc thái ý nghĩa: hỏi xin, nài xin, nài nỉ, kêu cầu, khẩn nài, kêu van, thậm chí “chiến đấu trong cầu nguyện”. Hình thức thông thường nhất của nó, bởi vì tự phát nhất, là cầu xin: bằng lời nguyện cầu xin, chúng ta bày tỏ ý thức về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta là những thụ tạo không tự mình hiện hữu, không làm chủ được nghịch cảnh, và không là cùng đích của đời mình. Với tư cách là những Kitô hữu, chúng ta biết mình là những tội nhân đã quay lưng lại với Cha của chúng ta. Lời cầu xin của chúng ta là sự trở về với Người. (2629)

Đây là một trong những lý do tại sao cầu nguyện rất quan trọng đối với đời sống của người Kitô hữu. Cầu nguyện giúp chúng ta sẵn sàng điều chỉnh mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

Những lời cầu xin, đặc biệt khi được cầu nguyện bằng đức tin, làm nổi bật mối tương quan này và có sức mạnh đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa khi chúng ta lầm đường lạc lối.

Nếu chúng ta đã xa cách Thiên Chúa một thời gian, điều đầu tiên chúng ta cần làm chỉ là cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta mời Thiên Chúa bước vào cuộc đời của mình và thừa nhận Người là Đấng Tạo Hóa của chúng ta.

 

Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (07/02/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

644    08-02-2024