Sidebar

Chúa Nhật

27.04.2025

Cầu nguyện định hình con tim chúng ta

prayer67641971280
 Credit: Pixabay


Con tim nhân loại khao khát Thiên Chúa. Là con người, chúng ta được Thiên Chúa dựng nên và dành cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể cố gắng lấp đầy cuộc sống của mình bằng nhiều thứ, một số trong số đó thậm chí là những điều tốt đẹp, nhưng không có gì có thể lấp đầy khoảng trống của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần đến Thiên Chúa và tâm hồn chúng ta khao khát Người.

Nỗi khao khát của con tim chúng ta dành cho Thiên Chúa có thể bị che mờ, sai hướng và ương ngạnh. Con tim chúng ta sa ngã nên chúng cần được dẫn đường chỉ lối. Con tim chúng ta cần được đào luyện bằng sự khôn ngoan về mặt thiêng liêng.

Cách tốt nhất để đạt đến sự khôn ngoan về mặt thiêng liêng là thông qua cầu nguyện.

Tốt hơn là được đào luyện trong cầu nguyện khi chúng ta vần còn non trẻ và vẫn còn cởi mở với những thực tại siêu việt cũng như dễ dàng nhận thức được những chân lý thiêng liêng. Một số người trong chúng ta đã nhận được sự đào luyện như vậy khi còn nhỏ, những người khác thì không. Dù bằng cách nào đi chăng nữa, dù chúng ta có được hưởng lợi từ sự đào luyện thiêng liêng từ sớm hay không, thì sự hướng dẫn của con tim chúng ta vẫn là một quá trình liên tục trong suốt cuộc đời chúng ta.

Trong cầu nguyện, chúng ta đón chào Thiên Chúa, gặp gỡ Người, chuyện trò và lắng nghe Người, cũng như nhận được sự khôn ngoan của Người. Với sự khôn ngoan của Người, chúng ta sẵn lòng chấp nhận lời mời gọi hoán cảiđể Người biến đổi chúng ta và thay đổi con tim chúng ta.

Đào luyện Kitô giáo không phải là sự nhồi sọ, hay bí tích hóa, hay chỉ là ghi nhớ, mà đúng hơn là một hướng dẫn mộc mạc và dễ hiểu về cách cầu nguyện và ở bên Thiên Chúa.

Khi học cách cầu nguyện, chúng ta mang những bài học của mình vào Kinh Thánh và phụng vụ thánh. Chúng ta kết hợp những lời cầu nguyện của mình với những lời cầu nguyện của toàn thể Dân Chúa khi chúng ta cùng nhau tìm gặp Thiên Chúa và tìm kiếm dung nhan của Người.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy chúng ta rằng: “Việc dạy giáo lý cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn nhằm mục đích dạy họ cách suy ngẫm Lời Chúa trong cầu nguyện cá nhân, thực hành trong cầu nguyện phụng vụ và nội tâm hóa Lời Chúa để sinh hoa kết trái mọi lúc nơi đời sống mới.

Ngoài Kinh Thánh và phụng vụ thánh, chúng ta học được các nguyên tắc phân định. Đây là những điểm nhấn khôn ngoan khác nhau giúp chúng ta biết được ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta cũng được giới thiệu về lòng đạo đức bình dân của Dân Chúa, chẳng hạn như kinh Mân Côi và Lòng Chúa Thương Xót.

Mỗi phần khác nhau này trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội đều đóng vai trò dạy dỗ, uốn nắn và hướng dẫn chúng ta trên con đường cầu nguyện. Chính cầu nguyện định hình con tim chúng ta. Chính cầu nguyện giúp chúng ta tìm thấy con đường đến với Thiên Chúa.

Sách Giáo lý nhận định: “Việc học giáo lý cũng là thời gian để phân định và giáo dục lòng đạo đức bình dân.

Mặc dù việc cầu nguyện của chúng ta không chỉ là thuộc lòng, nhưng chúng ta sử dụng trí tuệ và khả năng để ghi nhớ những điều trong đời sống cầu nguyện của mình. Có một số lời kinh đáng để ghi nhớ, chẳng hạn như Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, Kinh Kính Mừng, Kinh Ăn năn tội lỗi và những lời kinh khác.

Trong khi chúng ta thuộc lòng một số lời kinh, thì điều quan trọng vẫn là chúng ta cũng phải nhận thức và cảm nhận ý nghĩa của chúng. Thiên Chúa không cần những con vẹt. Người mong muốn con cái đặt niềm tin nơi Người, sẵn sàng trò chuyện và lắng nghe Người.

Sách Giáo lý khuyên chúng ta: “Việc ghi nhớ những lời kinh cơ bản mang đến sự hỗ trợ thiết yếu cho đời sống cầu nguyện, nhưng điều quan trọng là giúp người học cảm nhận ý nghĩa của chúng.

Khi chúng ta học cách cầu nguyện, chúng ta không được kêu gọi một mình. Khi chúng ta cầu nguyện một cách huyền nhiệm với người khác, thì việc cầu nguyện trước sự hiện diện của người khác là một tập quán đáng để trân trọng. Ví dụ, đời sống cầu nguyện có thể được giúp đỡ rất nhiều bởi các nhóm cầu nguyện.

Sách Giáo lý dạy chúng ta: “Các nhóm cầu nguyện, thực sự là ‘trường dạy cầu nguyện,’ ngày nay là một trong những dấu hiệu và một trong những động lực thúc đẩy sự đổi mới về cầu nguyện trong Giáo Hội, miễn là họ kín múc từ suối nguồn đích thực của cầu nguyện Kitô giáo. Mối quan tâm đến sự hiệp thông trong Giáo Hội là dấu hiệu của cầu nguyện đích thực trong Giáo Hội.”

Việc thăng tiến các nhóm cầu nguyện là dấu hiệu của sự đổi mới thiêng liêng trong Giáo Hội. Một Giáo Hội lành mạnh là một Giáo Hội cầu nguyện. Các nhóm cầu nguyện là một trong nhiều cách mà các tín hữu có thể cùng nhau cầu nguyện.

Điều quan trọng là các nhóm cầu nguyện phải luôn ý thức được “suối nguồn đích thực của cầu nguyện Kitô giáo” và “sự hiệp thông trong Giáo Hội.” Các nhóm cầu nguyện không được đi chệch hướng khỏi truyền thống cầu nguyện hoặc tách mình khỏi sự dẫn dắtnhiệm thể của Giáo Hội.

Trong cầu nguyện cá nhân, cầu nguyện với Kinh Thánh, trong phụng vụ thánh và thông qua việc tham gia các nhóm cầu nguyện, chúng ta được khích lệ và nâng đỡ trong việc không ngừng đào luyện con tim mình thông qua ân sủng và sức mạnh của lời cầu nguyện.

Tác giả: Lm. Jeffrey F. Kirby - Nguồn: Crux (16/3/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

94    18-03-2025