Đa số chúng ta đều cảm thấy khó để cầu nguyện. Chúng ta muốn cầu nguyện, quyết tâm cầu nguyện, nhưng lại không bao giờ khắc phục hoàn toàn để thật sự đi vào cầu nguyện. Tại sao?
Không hẳn là vì chúng ta không thành tâm, thiếu tích cực, hay lười biếng, nhưng chỉ vì rằng lúc nào chúng ta cũng quá mệt mỏi, quá sao nhãng, quá hoạt động, quá phân tâm về mặt xúc cảm, quá giận dữ, quá bận rộn, hay tự cảm thấy mình xa cách Thiên Chúa để không thể cầm lòng cầu nguyện. Chúng ta cũng có quá nhiều chứng nhức đầu và nỗi đau buồn. Vì thế, về nhà sau một ngày dài làm việc, đơn giản chúng ta không còn sức lực để cầu nguyện, thay vào đó là gọi điện cho bạn, xem truyền hình, nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, hay làm bất kỳ cái gì để xua đi mệt mỏi và áp lực từ cuộc sống, trừ cầu nguyện.
Bằng cách nào để chúng ta có thể cầu nguyện khi tâm thân thường xuyên bị áp lực và quá tải như vậy?
Bằng cách hiểu cầu nguyện thật sự là gì. Một trong số những định nghĩa xưa nhất thì cầu nguyện có nghĩa là, “nâng tâm hồn và quả tim mình lên với Chúa.” Điều đó nghe có vẻ đơn giản nhưng không dễ để làm được. Tại sao?
Bởi vì chúng ta có quan niệm sai lầm về định nghĩa đó. Chúng ta nuôi dưỡng trong vô thức ý tưởng rằng chúng ta chỉ có thể cầu nguyện khi không còn bị sao nhãng, không còn bị quấy rầy, không còn giận dữ, không còn bị phân tâm bởi cảm xúc và nhục dục, và không còn bị kẹt trong chứng nhức đầu và nỗi đau buồn để tâm hồn thiết tha, cung kính chú tâm vào Thiên Chúa. Khi đó, Thiên Chúa như người cha chỉ muốn nhìn cách cư xử tốt nhất của con mình và chúng ta chỉ có thể đi vào trong sự hiện diện của Ngài khi chúng ta không có gì để giấu, trong tâm trạng hân hoan, và có thể ca tụng và suy tôn Ngài. Bởi vì chúng ta không hiểu cầu nguyện thật sự là gì, nên chúng ta cư xử với Thiên Chúa như một nhân vật có uy quyền hay cuộc viếng thăm một người có quyền cao chức trọng, như một ai đó chúng ta không thể nói thật lòng mình. Chúng ta không nói cho Ngài những gì sẽ diễn ra thật sự trong đời mình nhưng là những gì sẽ diễn ra một cách lý tưởng mà thôi. Chúng ta nói với Thiên Chúa những gì chúng ta nghĩ Ngài muốn nghe.
Vì lý do này, chúng ta cảm thấy khó để cầu nguyện dù với bất kỳ quy tắc nào. Những gì xảy ra là: Chúng ta cầu nguyện riêng hay cầu nguyện chung trong nhà thờ, chúng ta mang tâm trạng mệt mỏi, chán nản, lắm lúc như đang còn giận dữ ai đó nữa. Chúng ta đến với cầu nguyện mang theo chứng nhức đầu và đau buồn của mình và rồi cố gắng che giấu những gì chúng ta thật sự đang cảm nhận, thay vào đó là quay sang ca tụng, suy tôn, và cám ơn Thiên Chúa. Dĩ nhiên điều đó không mang lại kết quả! Quả tim và khối óc của chúng ta (vì chúng quá bận tâm với những chuyện khác, những vấn đề thật sự của chúng ta) bị sao nhãng và nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm – đang cố gắng cầu nguyện – không phải là một điều gì đó đúng đắn và vì thế chúng ta trì hoãn việc cầu nguyện lại.
Nhưng vấn đề không phải việc cầu nguyện là không thành thật hay khoảnh khắc đó là không đúng đắn. Vấn đề là chúng ta không “nâng tâm hồn và quả tim mình lên với Thiên Chúa.” Lúc đó chúng ta đang cố gắng nâng những ý nghĩ và cảm xúc không phải của mình lên cùng Thiên Chúa. Sự cầu nguyện khi đó không xuất phát từ quả tim và tâm hồn của chính chúng ta.
Nếu chúng ta nghiêm túc cho rằng cầu nguyện là “nâng tâm hồn và quả tim mình lên với Chúa” thì mọi cảm xúc và ý nghĩ khi đó đều là lối vào hợp lệ và thích hợp với cầu nguyện, dù cho ý nghĩ và cảm xúc đó có vẻ thiếu tôn kính, không linh thiêng, có tính nhục dục, hay giận dữ đến mấy đi nữa. Đơn giản, nếu bạn đi vào cầu nguyện và bạn đang cảm thấy chán nản, hãy cầu nguyện về sự chán nản; nếu bạn đang giận dữ, hãy cầu nguyện về sự giận dữ, nếu bạn đang bị nhục dục làm bận tâm, hãy cầu nguyện về sự bận tâm đó; nếu bạn đang cảm thấy muốn giết người, hãy cầu nguyện về nó, và nếu bạn đang cảm thấy hăng hái và muốn ca tụng và cám ơn Thiên Chúa, hãy cầu nguyện về sự ca tụng. Mọi ý nghĩ và cảm xúc đều là lối vào thích hợp với cầu nguyện. Điều quan trọng là chúng ta hãy cầu nguyện những gì chúng ta có bên trong và đừng cầu nguyện những gì chúng ta nghĩ là Thiên Chúa muốn nghe mình.
Điều đó giải thích tại sao các bài Thánh Vịnh rất thích hợp cho sự cầu nguyện và cũng giải thích lý do tại sao Giáo Hội đã chọn các bài Thánh Vịnh làm cơ sở cho hầu hết các giờ phụng vụ. Các bài Thánh Vịnh chuyển tải mọi cảm xúc, từ ca tụng Thiên Chúa bằng mọi hơi thở đến cầu chúc cho quân thù của mình bị đá ném trúng. Từ sự ca tụng đến kẻ giết người – với tất cả mọi chuyện trong đó! Đó là biên độ cho ý nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Các bài Thánh Vịnh là cái bàn phím để chúng ta có thể chơi mọi ca khúc trong cuộc sống của mình – và các ca khúc này không phải lúc nào cũng là hạnh phúc và ngoan đạo. Các bài Thánh Vịnh cho chúng ta một ngôn ngữ thích đáng giúp chúng ta nâng tâm hồn và quả tim mình lên Thiên Chúa.
Không may là chúng ta thường hiểu sai việc cầu nguyện, chúng ta xa cách cầu nguyện khi cần đến cầu nguyện nhất. Chúng ta chỉ cố gắng cầu nguyện khi cảm thấy mình tốt, tập trung, sùng kính, và xứng đáng với việc cầu nguyện. Nhưng chúng ta lại không cố gắng cầu nguyện khi chúng ta cần cầu nguyện nhất, khi cảm thấy mình không tốt, thiếu tôn kính, tội lỗi, bị phân tâm bởi cảm xúc và nhục dục, không xứng đáng với việc cầu nguyện.
Nhưng tất cả những cảm xúc này đều có thể là lối vào để cầu nguyện. Dù đang bị nhức đầu và đau buồn, chúng ta cũng cứ nâng chúng lên cùng Thiên Chúa.