Khi chúng ta hướng về Chúa với cả tâm hồn, cũng là lúc chúng ta mở lòng đón nhận lời của Chúa qua cầu nguyện. Vậy “Cầu nguyện là gì?” “Cầu nguyện thế nào?” “Cầu nguyện khi nào?” sẽ là những câu hỏi được triển khai trong bài chia sẻ này. Để diễn tả thế nào là trọng tâm của lời cầu nguyện đích thực, đại văn hào Leo Tolstoy đã kể câu chuyện ngụ ngôn “Ba Thầy Tu trên một hòn đảo” như sau:
Có ba đan sĩ người Nga sống trên một hòn đảo xa xôi hẻo lánh chưa từng có ai đặt chân đến đó. Thế rồi một ngày kia, Đức Giám mục Giáo phận quyết định đến hòn đảo này để viếng thăm mục vụ cộng đoàn của ba vị đan sĩ. Khi vừa tới nơi, Đức cha rất ngạc nhiên vì cả ba đan sĩ không ai thuộc “Kinh Lạy Cha.” Ngài mới quyết định dành trọn thời gian và đặt hết tâm huyết để dạy các thầy “Kinh Lạy Cha”. Đức cha cảm thấy thật phấn khởi với công việc mục vụ của mình. Sau đi chào tạm biệt các thầy, Đức cha vui vẻ lên tàu trở về nhiệm sở. Và ngay khi đang ở giữa biển, thì lạ quá, Đức cha thấy ba thầy ẩn tu chạy thoăn thoắt trên mặt nước tiến về phía con tàu! Họ vừa chạy vừa hô to rằng, “Thưa Đức cha, chúng con đã quên lời cầu nguyện mà Đức cha đã dạy chúng con.” Đức Giám mục hết sức ngạc nhiên về những gì đang xảy ra trước mắt mình và ngài cũng cảm hơi thất vọng về điều mình đang nghe. Đức cha vội vàng đáp lại, “Vậy các con thân yêu, các con thường cầu nguyện như thế nào?” Họ trả lời, “Thưa Đức Cha, chúng con chỉ biết nói, ‘Lạy Chúa, chúng con ở đây có 3 anh em và Thiên Chúa cũng có ba ngôi, xin thương xót chúng con!” Được đánh động bởi sự thánh thiện và tâm hồn đơn sơ của ba vị ẩn sĩ nên Đức cha đã nói với họ, “Các con hãy trở về đảo của các con và hãy sống bình an.” [1]
Qua câu chuyện ngụ ngôn của Tolstoy, chúng ta đã thấy rõ, có một sự khác biệt giữa việc học cách cầu nguyện và sống đời cầu nguyện. Một đời sống cầu nguyện thẳm sâu khởi đi từ trái tim thì sâu sắc và quan trọng hơn nhiều so với những lời cầu nguyện được đọc lên theo mẫu sẵn có. Những lời cầu nguyện soạn sẵn thường diễn tả tâm tình khen ngợi, lời tạ ơn, lòng sám hối hay lời cầu xin. “Kinh Lạy Cha” hay “Kinh Chúa Giêsu” là những lời câu nguyện đã được soạn sẵn. Tuy nhiên, cầu nguyện là sự cảm nhận của con tim, thường không thể diễn tả thành lời. Kết quả của sự cầu nguyện được thể hiện qua thái độ từ tâm, bình an, khiêm tốn, thương cảm, và những hoa trái khác của Thánh Thần (xem Gl 5,22-23). Trong câu chuyện của Tolstoy, các thầy ẩn sĩ đã cầu nguyện trong Thần Khí và sự thật. Đức Giám mục đã nhận ra sự thánh thiện và tâm tình cầu nguyện của họ, mặc dù họ không thuộc một lời kinh có sẵn nào, ngay cả lời kinh quen thuộc như “Kinh Lạy Cha”.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta “hãy cầu nguyện luôn luôn.” Chúng ta thể hiện đời sống cầu nguyện liên lỉ qua việc lặp đi lặp lại những lời kinh quen thuộc, đồng thời để cho những lời kinh đó thấm nhuần vào cả con người mình hầu cuộc sống chúng ta trở thành một lời cầu nguyện không ngừng qua những cảm nhận của con tim.
CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thessalonica, “Anh em hãy vui luôn và cầu nguyện không ngừng; hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh; đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô.” (1Thes. 5,17-18). Thánh Phaolô không chỉ khuyên chúng ta phải cầu nguyện không ngừng, nhưng Ngài còn thực hành điều đó. “Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa về anh em” (1Thes 2,13), Thánh nhân cũng đã nói với cộng đoàn của Ngài ở Hy Lạp rằng, “Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em và xin Thiên Chúa làm cho anh em được xứng đáng với ơn Người kêu gọi” (2Thes 1,11). Với các tín hữu Rôma, Ngài viết “Tôi không ngừng nhớ đến anh em trong lời cầu nguyện của tôi” (Rm 1,9), và Ngài đã động viên anh Timothy “Tôi không ngừng nhắc đến anh trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày” (2Tm 1,3).
Hai thuật ngữ Hy Lạp được lặp lại nhiều lần trong các thư của Thánh Phaolô, đó là pantote và adialeiptos, có nghĩa là “luôn luôn” và “không bị gián đoạn.” Những từ ngữ này diễn tả rất rõ rằng, đối với Thánh Phaolô, việc cầu nguyện không phải chỉ là một phần của cuộc sống, nhưng là toàn bộ đời sống, không phải chỉ là một phần của những suy nghĩ nhưng là toàn bộ mọi ý nghĩ của mình, cầu nguyện cũng không chỉ là một phần của cảm xúc hay tình cảm mà là toàn bộ cảm xúc, tình cảm của mình. Thánh Phaolô không cho phép mình chỉ cam kết một phần, dâng hiến một phần hoặc do dự trước lòng quảng đại. Ngài cho đi tất cả và cũng đòi hỏi trọn vẹn.
Chủ trương này đã nêu lên những câu hỏi rất khó. Câu nguyện không ngừng có nghĩa là gì? Làm sao chúng ta sống một đời cầu nguyện liên lỉ, không bị gián đoạn, trong khi cuộc sống thực tế lại có rất nhiều đòi hỏi, trách nhiệm và nghĩa vụ? Còn những chuỗi dài biết bao nhiêu chuyện từ ngày này qua ngày khác làm chúng ta lo lắng, băn khoăn thì sao? Hơn thế nữa, có những xung đột, những căng thẳng chúng ta không thể né tránh, nó cứ luẩn quẩn trong tâm trí và cuộc sống của mình, làm sao chúng ta có thể có những giờ phút lắng đọng để có thể nâng tâm hồn lên với Chúa và cầu nguyện không ngừng được? Những câu hỏi này rất thực và cũng đã làm cho nhiều Kitô hữu cảm thấy khó khăn lúng túng khi muốn thực hành lời khuyên của Thánh Phaolô để có thể cầu nguyện không ngừng.
Chuyện kể về một người nông dân người Nga ở thế kỷ 19, theo lời khuyên của Thánh Phaolô, ông ước ao một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Ông đã đi từ đan viện này đến đan viện khác để tìm câu trả lời. Một hôm, ông gặp được một vị thánh hiền rất đạo đức, thánh thiện, vị này đã dạy ông lời kinh Chúa Giêsu. Vị này bảo ông nông dân lặp đi lặp lại cả ngàn lần trong ngày rằng, “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con.” Bằng việc lặp đi lặp lại nhiều lần, lời kinh Chúa Giêsu dần dần trở thành một với hơi thở và nhịp đập trái tim của ông, nhờ đó ông nông dân này có thể đi khắp nước Nga với ba lô trên vai trong đó có cuốn Thánh Kinh, Philokalia (một tuyển tập các tác phẩm huyền bí của Kitô giáo Đông phương) và một ít bánh mì và muối, và sống một đời sống cầu nguyện không ngừng.[2]
Mặc dù chúng ta không phải là ông nông dân người Nga vào thế kỷ 19, hay chúng ta cũng không phải là những người hành hương, nhưng chúng ta cũng có những băn khoăn tương tự như thế: “Làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng?” Tôi muốn trả lời câu hỏi này không phải trong bối cảnh của người Nga thuộc thế kỷ trước, nhưng trong sự khắc khoải giữa xã hội chúng ta đang sống hôm nay. Để cầu nguyện luôn luôn, chúng ta cần thực hành việc cầu nguyện theo ba bước: trước hết, chúng ta cầu khẩn với Chúa về tất cả những ước muốn và những điều chúng ta muốn cầu xin. Tiếp đến, chúng ta chuyển những suy nghĩ của mình thành một cuộc đối thoại với Chúa. Và cuối cùng, chúng ta học cách lắng nghe Chúa với cả tâm hồn qua giờ suy niệm và chiêm niệm mỗi ngày.
CẦU NGUYỆN LÀ CẦU XIN VỚI CHÚA
Cầu nguyện, trước hết, là lời khẩn nguyện từ đáy lòng kêu lên với Chúa. “Lạy Chúa, xin lắng tai nghe lời con nói, hiểu thấy điều con thầm thĩ nguyện xin” là một lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim. “Xin lắng nghe lời con kêu cứu, lạy Chúa là Đức Vua của con, bởi chính Ngài là Đấng con van vỉ” (Tv. 5, 1-2).
Có quá nhiều nỗi sợ hãi và phiền muộn trong tâm hồn chúng ta như sợ người khác, sợ Thiên Chúa, và rất nhiều nỗi sợ khác không kể tên được, những hoang mang lo lắng thường xâm chiếm tâm trí chúng ta. Tôi tự hỏi phải chăng sự sợ hãi là nguyên nhân cản trở chúng ta cầu nguyện. Khi chúng ta hiện diện trước nhan thánh Chúa và bắt đầu cảm thấy một nỗi lo sợ lớn lao phủ vây chúng ta, chúng ta muốn xua đuổi tất cả mọi thứ chia trí mà cuộc sống tất bật thường gây nên cho chúng ta. Thế nhưng, chúng ta không nên trốn tránh những sự sợ hãi của mình. Chúng ta có thể xoa dịu nó, đối thoại với nó, cầu xin Thiên Chúa giúp sức, và dâng mọi nỗi sợ hãi lên trước Thiên nhan của Đấng đã nói với chúng ta “Đừng sợ, chính Ta đây.”
Chúng ta thường có khuynh hướng là chỉ giãi bày với Chúa về những gì chúng ta cảm thấy thoải mái để chia sẻ. Một cách tự nhiên, chúng muốn yêu và được Chúa yêu, nhưng cũng muốn giữ lại cho riêng mình một góc nhỏ trong căn phòng tâm hồn, nơi mà chúng ta có thể che dấu những gì chúng ta cho là xấu xa, những điều chưa tốt. Chúng ta cũng muốn giữ lại góc phòng đó, nơi mà không ai có thể vào được, ngay cả Chúa, để chúng ta có thể một mình suy nghĩ những điều thầm kín, ước mơ những ước mơ riêng và tự do với suy nghĩ do mình dệt nên mà không phải ngại ngùng với bất cứ ai, kể cả Chúa. Chúng ta thường bị cám dỗ phải cân nhắc kỹ càng mọi ý nghĩ mà chúng ta muốn mang vào cuộc đối thoại với Chúa.
Vậy điều gì khiến chúng ta suy nghĩ hạn hẹp như thế? Có thể chúng ta nghi ngờ rằng Chúa không quảng đại đủ, không yêu thương đủ để có thể chấp nhận tất cả mọi suy nghĩ đang diễn ra trong tâm trí của chúng ta chăng? Chúng ta tự hỏi, liệu Thiên Chúa có chấp nhận những ý nghĩ tiêu cực, những ý tưởng kỳ cục hay những ước mơ hão huyền của tôi không? Liệu Thiên Chúa có vui lòng đón nhận những động lực thiếu thanh lọc, những ảo tưởng viển vông, hay những lâu đài đầy độc tố trong con người của tôi không? Những suy nghĩ này đã cản trở chúng ta đến với Chúa và dẫn chúng ta trên con đường mà có lẽ chúng ta chẳng bao giờ muốn đi. Đó là con đường thiêng liêng đã bị kiểm duyệt và che dấu tất cả những mặt trái, những ảo tưởng, lo lắng, phẫn nộ, và những suy nghĩ tiêu cực mà chúng ta không muốn chia sẻ với bất cứ ai, ngay cả với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tất cả.
Khi chúng ta che giấu những suy nghĩ không lành mạnh và kìm nén những cảm xúc tiêu cực, chúng ta càng dễ lún sâu hơn trong những cảm xúc tuyệt vọng và ghen ghét. Tốt hơn hết là chúng ta hãy bắt chước ông Gióp khẩn cầu lên Chúa, trút hết cho Chúa tất cả những nỗi đau, những bực tức cũng như những đòi hỏi phải được đáp trả.
Cách đây ít năm, Pierre Wolff đã viết một cuốn sách thật tuyệt vời về sự cầu nguyện không ngừng. Cuốn sách mang tựa đề “Tôi có thể ghét Chúa được chăng?” Cuốn sách đó quả thật đã đụng chạm đến điều cốt lõi của sự giằng co tâm linh của mỗi người chúng ta. Tác giả cho rằng nhiều nỗi sợ hãi không tên, những nghi ngờ, lo lắng và phẫn nộ đã ngăn cản chúng ta nhận ra và cảm nếm sự ngọt ngào tốt lành của Chúa. Tuy nhiên, đối với Pierre, sự giận dữ và ghen ghét – điều làm chúng ta xa cách Thiên Chúa và tha nhân, cũng có thể trở thành những cánh cửa dẫn chúng ta bước vào tương quan thân mật với Chúa hơn. Những điều cấm kỵ trong tôn giáo hay trong xã hội đã vô tình tạo nên những mặc cảm tội lỗi trong chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta dám bày tỏ sự tức giận và phẫn nộ với Thiên Chúa trong cầu nguyện, chúng ta mới có thể cảm nhận được một tình yêu tròn đầy và sự tự do đích thực. Chỉ khi nào chúng ta dám chia sẻ những nỗi sợ hãi, sự loại trừ, ghen ghét và cay đắng đang đè nặng trên chúng ta, khi đó, chúng ta mới hy vọng được chữa lành.[3]
Các Thánh Vịnh diễn tả những tâm tình rất thật, những lời cầu khẩn bộc phát được cất lên từ đáy lòng của dân Chúa, để khẩn cầu với Chúa và xin Ngài giải thoát. Ví dụ:
“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài ruồng bỏ con,… Ngày con kêu cứu, Ngài chẳng đáp lời, đêm con van Ngài, chẳng lẽ Ngài im lặng mãi sao” (Tv 22, 1-2).
“Tôi cất lời kêu lên cùng Chúa, lời tôi kêu Chúa, xin Ngài lắng nghe. Ngày khốn quẫn, tôi tìm kiếm Chúa, tay vươn lên không biết mỏi lúc đêm trường, hồn tôi nào có thiết lời an ủi” (Tv 77, 1-2).
“Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con, vì con khốn khổ nghèo nàn” (Tv 86,1).
Như cha ông chúng ta bày tỏ tâm tình của mình với Chúa qua các Thánh vịnh, nếu chúng ta càng giãi bày tất cả những nỗi niềm của mình với Chúa, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu của Chúa, một tình yêu tuyệt đối có sức đẩy lui mọi nỗi sợ hãi và thanh tẩy mọi suy nghĩ cũng như chữa lành mọi ghét ghen nghi kỵ.
CẦU NGUYỆN LÀ MỘT CUỘC ĐỐI THOẠI
Thứ hai, khi chuyển từ độc thoại sang đối thoại, việc cầu nguyện trở nên một cuộc trò chuyện thật đơn sơ, thân mật với Thiên Chúa, Đấng hằng luôn yêu thương chúng ta. Chẳng hạn, khi tôi cầu nguyện với Thánh vịnh 4, 2: “Khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời, lạy Chúa là Đấng Công Chính, lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót và chữa lành con!” Đôi khi tôi nghe Chúa trả lời: “Ta ở với con, …” và tất cả đều sẽ tốt đẹp. Thỉnh thoảng, vào buổi tối, tôi cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cứu giúp con; muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ con,” và Chúa đáp lại tôi rằng “Thiên Chúa là nơi tôi ẩn náu, là sức mạnh của con, Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi con phải ngặt nghèo” (Tv. 45,1). Và khi tôi thưa với Chúa về sự cô đơn và thiếu tình thương của tôi, Chúa thường ủi an và bảo đảm với tôi rằng: “tình thương của Chúa yêu con thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv. 116,2). Sau khi tôi cầu nguyện, tôi cố gắng lắng nghe Chúa nói và suy đi nghĩ lại những lời của Chúa trong suốt ngày sống. Suy gẫm dựa trên Lời, việc cầu nguyện trở thành một cuộc đối thoại thiêng liêng với Đấng đã biết tôi và yêu mến tôi.
Cầu nguyện không ngừng như thánh Phaolô khuyên chúng ta, sẽ hoàn toàn không thể được nếu điều đó được hiểu là phải suy nghĩ liên tục hoặc nói chuyện liên tục với Chúa. Tuy nhiên, cầu nguyện không ngừng không có nghĩa là nghĩ về Chúa luôn luôn đến nỗi không còn nghĩ được những chuyện gì khác, hoặc phải nói chuyện với Chúa luôn luôn thay vì nói chuyện với người khác. Ngược lại, nó có nghĩa là chúng ta suy nghĩ, nói năng và sống trong sự hiện diện của Chúa. Mặc dù việc dành giờ cho Chúa và ở một mình với Chúa là điều rất quan trọng và thậm chí không thể thiếu trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, nhưng lời cầu nguyện chỉ có thể trở thành một lời cầu nguyện không ngừng khi tất cả mọi suy nghĩ – dù tốt hay xấu, cao thượng hay hạn hẹp, đáng tự hào hay xấu hổ, buồn hay vui – đều được suy nghĩ và bày tỏ trong sự hiện diện của Chúa. Vì thế, khi chúng ta biến những suy nghĩ của chúng ta thành những lời cầu nguyện không ngừng, điều đó giúp chúng ta thay đổi điểm quy chiếu, thay vì tập trung vào bản thân mình thì chúng ta lại quy hướng tất cả về Chúa, lấy Chúa làm trung tâm cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta biến những suy nghĩ của chúng ta thành cuộc đối thoại. Và câu hỏi chính yếu không phải là chúng ta đang nghĩ gì nhưng quan trọng là chúng ta đang bày tỏ những suy nghĩ đó với ai.
Cuộc sống của chúng ta sẽ được biến đổi thật sự khi chúng ta biết can đảm chia sẻ những gì chúng ta đang suy nghĩ, thừa nhận chúng và đối thoại về chúng. Ngay khi chúng ta dám đối diện với những suy nghĩ thường cô lập chúng ta và cam đảm chia sẻ điều đó với Chúa hoặc với một người nào đó, chúng ta sẽ thấy mình được chữa lành và được biến đổi. Một khi chúng ta dám liều để phơi bày sự thật về mình và khi chúng ta có kinh nghiệm về sự được chấp nhận, những suy nghĩ của chúng ta sẽ trở nên tích cực hơn và được chuyển thành lời cầu nguyện.
Do đó, cầu nguyện không phải là hướng nội – quy về mình. Cầu nguyện không có nghĩa là nhìn vào bên trong nhưng là hướng tha – hướng đến Thiên Chúa và tha nhân. Hướng nội hay quy về mình thường khiến chúng ta mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn suy xét, phân tích về các ý nghĩ, cảm giác hoặc những hoạch định tinh thần của mình. Điều đó làm chúng ta tê liệt bởi những lo sợ, mặc cảm và thất vọng. Cầu nguyện là một thái độ hướng tha, quy hướng về Đấng đã và đang mời gọi chúng ta vào cuộc đối thoại liên lỉ với Ngài. Cầu nguyện là giãi bày tất cả mọi suy nghĩ, cả những ước mơ lẫn ác mộng, với Thiên Chúa là Cha yêu thương, Đấng thấu suốt mọi tư tưởng của chúng ta và cảm thông với mọi nỗi khốn cùng của chúng ta. Cầu nguyện là một sự bảo đảm đầy vui mừng và hy vọng vì Chúa thấu suốt tâm can và trí hiểu của chúng ta và không có gì có thể che dấu được Ngài. Như lời của Thánh vịnh gia đã thốt lên:
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
Biết cả khi con đứng con ngồi,
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
Thì Lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv. 138. 1-4).