Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa bằng tiếng hát lời ca

800pxjanvaneycktheghentaltarpiecesingingangelsdetailwga07642
Jan van Eyck - The Ghent Altarpiece - Singing Angels via Wikipedia


Có thể nói, trong đời sống của mỗi con người, âm nhạc nói chung và ca hát nói riêng là món ăn tinh thần không thể thiếu: Sống mà không có âm nhạc, không có ca hát thì cuộc đời sẽ trở nên tẻ nhạt, khô khan và cằn cỗi. Thưởng thức âm nhạc, (trong đó có thánh ca) là món ăn tinh thần của rất nhiều người từ hàng trí thức đến người bình dân.

Trong lãnh vực tôn giáo, từ rất xa xưa người Do-thái đã biết dùng lời ca tiếng hát và các nhạc cụ kèm theo để diễn tả lời cảm tạ, ngợi khen và tán dương Thiên Chúa:

Ca tụng Chúa đi hồn tôi hỡi! Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Người. Sống bao lâu nguyện đàn ca kính Chúa Trời.” (Tv 146, 1-2)

Hãy ca tụng Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy.” (Tv 147, 1)

Hát lên mừng Chúa một bài ca mới. Ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung. Mừng thánh Danh, nào dâng điệu vũ. Nhịp trống hoạ đàn theo khúc hoan ca.” (Tv 149, 1-3)

Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ. Gảy khúc hạc cầm mừng Chúa chúng ta.” (Tv 147, 7)…

Và Thiên Chúa tỏ ra hài lòng vì được con cái đàn hát ngợi khen Mình:

Chúa đã đặt nơi miệng tôi một bài ca mới, lời ca ngợi Thiên Chúa chúng ta.” (Tv 40, 4)

Đến thời Tân Ước, Tin Mừng ghi lại trong đêm Chúa Giáng Sinh xuống trần gian, các thiên thần hát ca mừng Chúa: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng (hát) ngợi khen Thiên Chúa rằng: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’.” (Lc 2, 14)

Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, hai thánh sử Mátthêu và Máccô đều ghi lại sự việc: là sau khi Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh thể xong thì Ngài cùng với các môn đệ cùng nhau hát thánh vịnh trong tâm tình cảm tạ và phó dâng lên Thiên Chúa trước khi Ngài đi vào thực hiện Mầu nhiệm cứu chuộc: “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ôliu.” (Mt 26, 30; x. Mc 14, 26)

Lời ca, tiếng hát rất ảnh hưởng đến người nghe, có khi ta đang vui, chợt nghe một bài nhạc buồn khiến lòng ta lắng xuống, bùi ngùi. Ngược lại có lúc đang buồn, khi nghe được một nhạc phẩm vui khiến lòng ta phấn chấn, hân hoan. Đoạn Kinh Thánh sau nói lên điều đó: “Chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; chúng tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.” (Mt 11, 17)

Trong phụng vụ, đặc biệt là phụng vụ Thánh lễ, nhằm cho việc cử hành được thêm phần sinh động và sốt sắng, từ lâu Giáo Hội đã đưa thánh ca vào để hát. Do vậy, mỗi giáo xứ sẽ phải có ít nhất là một hoặc hai ca đoàn. Một ca đoàn giáo xứ hay thêm một ca đoàn thiếu nhi. Tất nhiên là ca đoàn phải tập hợp được các ca viên có hiểu biết về nhạc lý và có chất giọng hay để thay nhau hỗ trợ trong phụng vụ các giờ kinh, các Thánh lễ, các buổi sinh hoạt đạo đức,… Có thể nói, bộ mặt của giáo xứ một phần nào đó được thể hiện qua vai trò của ca đoàn, vì khi tín hữu từ nơi khác đến sẽ ít nhiều tạo nên những ấn tượng về đời sống đạo ở đây. Thực ra, ca đoàn chỉ lãnh vai trò nòng cốt, chủ sự, bắt nhịp cho việc ca hát mà thôi, bởi vì Giáo Hội luôn khuyến khích trong các giờ kinh, đặc biệt là Thánh lễ, tất cả mọi người đều cùng nhau ca hát, vì vậy ca đoàn nên chọn những bài thánh ca phổ biến mà ai cũng biết, để mọi người cùng có thể hát chung với nhau, không để một ai tham dự một cách thụ động.

(Trong năm phụng vụ, nhằm cho tâm hồn các giáo hữu được sốt sắng hơn và làm nổi bật Sự đau khổ của Đức Giêsu, dễ đi vào lòng người nghe, thì trong Chúa nhật Lễ Lá và ngày thứ sáu Tuần Thánh, Giáo Hội đã “nhạc hoá” bài Thương khó của Đức Giêsu để cho người dẫn và Chủ tế cùng những ca viên hát lên; cũng như bài công bố Tin Mừng Phục Sinh “Exsultet” luôn được ưu tiên hát lên.) 

Không chỉ trong nhà thờ, giờ kinh tại các gia đình hoặc giờ kinh cầu nguyện trong giáo khu cho người quá cố,… thánh ca vẫn được cộng đoàn hát lên. Ngay ở phần mở đầu thường là hát bài “Cầu xin Chúa Thánh Thần” và sau đó kết thúc cũng bằng một bài hát tuỳ chọn cho phù hợp như: “Con dâng linh hồn trong tay Chúa”(nếu là kinh tối)…

Nói tóm lại, mỗi tín hữu là một ca viên hát lên lời ca ngợi Thiên Chúa trong các giờ kinh hay phục vụ trong Thánh lễ. Người ta thường nói: “Hát hay không bằng hay hát”, nhưng cố găng tập luyện rồi hát sẽ hay. Hãy hát thật sốt sắng với tất cả tấm lòng thành; đó cũng là cách cầu nguyện làm đẹp lòng Chúa như lời thánh Augustinô đã nói: “Hát là cầu nguyện hai lần.” (GLHTCG  1156)

 

Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính

(Bài viết được CTV gởi về BBT Web GPVL) 

132    12-03-2024