“Mới đầu, tôi không mong chờ gì ở Thượng Hội đồng, nếu không muốn nói đó chỉ là một chương trình nghị sự nghiêm túc bàn về những gì đang xảy ra trong lòng nhân loại,” Cédric Burgun, 35 tuổi, linh mục trẻ nhưng dày dạn kinh nghiệm nói như trên. Linh mục Burgun thuộc địa phận Metz, giảng viên và đang là học viên tiến sĩ Đại học Công giáo Paris, cha phụ trách họ đạo Saint-Nicolas-des-Champs ở Paris, nơi cha chuẩn bị cho các người trẻ làm đám cưới. Cha tốt nghiệp cử nhân giáo luật và là một trong các quan tòa của giáo hội ở Ile-de-France. Cha xét các hồ sơ xin tiêu hôn của những cặp sau khi đã ly dị về mặt dân sự.
Như thế cha Burgun làm việc hai đầu… vừa chuẩn bị hôn nhân vừa lo việc ly dị. Đó là không kể trong sứ vụ của mình, cha “tháp tùng” các cặp: “Đa số thì rất tốt, tôi bảo đảm với ông như vậy! Rốt cuộc thì người ta lại quên có những gia đình, những cặp “hạnh phúc!” Tuy nhiên vị linh mục vừa lạc quan vừa ôn hòa này có một cái nhìn thận trọng về Thượng Hội đồng: “Tôi không chống lại sự thay đổi, cha nói rõ, nhưng trước khi thay đổi luật lệ về hôn nhân thì phải suy nghĩ cách nào để Giáo hội truyền được thông điệp về hôn nhân của mình, vì tôi nhận thấy, các người trẻ chuẩn bị hôn nhân hay những người xin tiêu hôn, họ sống hoàn toàn “vô minh” với tất cả những gì Giáo hội đòi hỏi.” Để có một nhận định như vậy, vị linh mục của cộng đoàn Emmanuel, rất vui với ơn gọi của mình, không có một hoài niệm nào cho một tinh thần Kitô lý tưởng. Cha cảm nhận tiếng “Chúa gọi” khi lên 8, lúc rước lễ lần đầu. Từ đó cha quyết định đi lễ mỗi ngày chúa nhật ở thành phố Metz nơi cha lớn lên. Nhưng đi lễ một mình… vì hồi đó không một ai trong nhà giữ đạo. Cái nhìn về Giáo hội của người không giữ đạo, cha đi guốc trong bụng… nên cha biết thực tại của nó.
Cha đảm bảo, “Người ta không cân nhắc ảnh hưởng văn hóa sâu đậm của tinh thần 68 trên người trẻ, ảnh hưởng về vấn đề giống loài, nhưng cũng là vấn đề liên hệ đến dục tính. Các người trẻ đến tuổi lập gia đình – trên 90% không học giáo lý – với quan điểm nhân loại học không dính gì với quan điểm của Giáo hội. Mọi sự tiến triển rất nhanh, sự chênh lệch thì vô biên. Một nghiên cứu gần đây cho biết 80% người trẻ từ 14 tuổi đã xem phim khiêu dâm trên Internet, và đây không phải là cách tốt nhất để chuẩn bị cho sự tôn trọng người khác và cho lòng trung tín! Trước khi thay đổi giáo điều, Giáo hội phải đối diện với thực tế này, để biết giáo dân sống như thế nào, và làm sao tìm một lối sư phạm nói về tầm nhìn cao đẹp và phong phú của mình về hôn nhân để đáp ứng nhu cầu của họ. Giáo hội phải bắt từ thực tế mà đi nhưng không được rơi vào cái bẫy của não trạng thời bây giờ giương ra.
Các đường hướng cải cách
Thay vì cải cách, vị linh mục trẻ này muốn giải thích, giảng dạy, đào tạo cho những người trẻ “đến Nhà thờ” mà không biết các đòi hỏi của nhà thờ. Và cũng đào tạo chính các linh mục nữa, họ ít được học chủ đề này ở chủng viện, nên đã dẫn đến các “ứng xử hoặc khoan hòa hoặc cứng rắn”. Như người chủ chăn, cha không thấy các đường hướng cải cách nào có thể cải thiện tình trạng của những người ly dị và tái hôn. Đơn giản hóa thủ tục tiêu hôn sao? “Thủ tục tiêu hôn thì lâu dài, nhưng công việc này bị tràn ngập ở giáo tòa vì không có đủ nhân viên”. Cha dự báo, đó là không nói đến việc làm nhẹ bớt thủ tục tiêu hôn bị xem như một việc nhằm “dễ dàng hóa thủ tục ly dị”, một loại ly dị theo kiểu Công giáo mà không nói hẳn ra.
Theo cha, các đường hướng gây tranh cãi khác của hồng y Kasper cũng không thể áp dụng được vì nó trở nên kiểu “công khai chế giễu” những người ly dị và tái hôn, như thử họ phải qua một loại tòa luyện tội, một “thời gian ăn năn” trong giáo xứ trước khi xứng đáng được rước lễ lại.
Đích danh của nó là gì? “Người ta chú mục về việc rước lễ của những người ly dị và tái hôn, những người không được rước lễ vì họ không thể đi xưng tội, nhưng ở rất nhiều giáo xứ, giáo dân không đi xưng tội mà vẫn lên rước lễ, vậy mà chúng ta chỉ để ý đến những người ly dị rồi tái hôn… Vậy phải mở rộng vấn đề theo ý nghĩa của đời sống Kitô chứ không chỉ là đi lễ. Không phải vì hạ thấp tiêu chuẩn của thông điệp mà xã hội được nâng lên. Giáo hội không đánh mất thiên hướng cao cả của mình, biểu trưng cho xã hội thấy nét đẹp lý tưởng của hôn nhân theo tinh thần Kitô, một nét đẹp không xây dựng trên công việc cấm cản nhưng xây dựng trên tình yêu đích thực của con người, sống và trao ban sự sống cho người khác.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
920 30-01-2018