Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Cha Albert Boudaud, nhà truyền giáo lớn tuổi nhất của Papua New Guinea

alelbertbaudaud
 Camille Dalmas
Albert Boudaud, nhà truyền giáo người Pháp ở Papua New Guinea.


Cha Albert Boudaud tròn 84 tuổi vào tháng 8 và vị linh mục này là nhà truyền giáo lớn tuổi nhất ở Papua New Guinea. Hãy gặp gỡ vị linh mục này, người đã đến nơi mà ngày nay là đất nước mà cha đã cưu mang vào năm 1968.

Một cộng sự là phóng viên với con mắt tinh tường đã chú ý đến người đàn ông lớn tuổi với chòm râu trắng đang ngồi trên băng ghế tại đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu ở Port Moresby, Papua New Guinea. Làm mát mình dưới một chiếc quạt trần lớn, Cha Albert Boudaud đã đến nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hơi nao núng khi được nói bằng tiếng Pháp, như thể Cha đã không nghe thấy nó trong 10 năm. “Tôi xin lỗi, tôi quên mất tiếng Pháp của mình,” vị linh mục già khiêm tốn này xin thứ lỗi, tuy nhiên Cha vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình một cách tao nhã trong suốt cuộc phỏng vấn.

Ngồi ở hàng ghế đầu, Cha Boudaud đã nhận được vinh dự xứng đáng là nhà truyền giáo lớn tuổi nhất của đất nước này. Rốt cuộc, vị linh mục này đã ở đây từ năm 1968. Làm thế nào mà Cha lại đến được đây, ở tuổi 28?

Chán nản và trì hoãn, và rồi…

Đó là câu chuyện về một chàng trai trẻ đến từ Vendée đang buồn chán ở chủng viện giáo phận Les Herbiers. Sau đó, Albert gặp một nhà truyền giáo, người đã gợi hứng cho anh mơ ước được phiêu lưu. Sau hai năm trì hoãn, anh đã gia nhập Dòng Truyền giáo Thánh Tâm ở Issoudun và được thụ phong linh mục năm 1967.

Vị linh mục được cử đi mục vụ một năm ở vùng ngoại ô Plaine Saint-Denis của Paris, nơi “cũng là một môi trường truyền giáo.” Vào cuối trải nghiệm mạnh mẽ này, bề trên đã đề nghị Cha Boudaud đi đến Papua New Guinea, nơi mà giáo đoàn của Cha là những người tiên phong. Cha ngay lập tức đăng ký, thu dọn hành lý, chỉ dành đủ thời gian để học tiếng Anh và lên đường với kỳ nghỉ ngắn ngày trước khi đến cảng Marseille để khởi hành.

Từ đó, vị linh mục bắt đầu chuyến hành trình dài 45 ngày đưa Cha băng qua Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và cuối cùng đến Thái Bình Dương qua Kênh đào Panama. Cha nhớ mình đã chèo thuyền trên Thái Bình Dương trong 9 ngày mà không thấy gì ngoài nước. Sau đó đến Marquesas, Vanuatu, New Caledonia và Sydney. Và từ đó, Cha đã tới Port Moresby. Cha đã không thực hiện chuyến trở về cho đến 10 năm sau, trong kỳ nghỉ, nhưng Cha chẳng hề hối tiếc. “Tôi đến một cách tự nguyện, tôi hòa nhập, tôi biến nơi đây thành đất nước của mình bằng cách sống gần gũi với người dân,” Cha nói với chúng tôi.

Nhà truyền giáo đa ngôn ngữ

Với đôi chân vững vàng trong khu vực truyền giáo của mình, người đam mê ngôn ngữ học này đã tìm thấy đúng thứ mình đang tìm kiếm: Papua có hơn 800 ngôn ngữ khác nhau, không tính các phương ngữ… Di chuyển từ làng này sang làng khác, Cha học một, rồi hai, rồi ba… Khi được hỏi hôm nay Cha đã biết được bao nhiêu ngôn ngữ, Cha gặp chút khó khăn khi đếm vì danh sách này quá nhiều.

Để hòa nhập, Cha còn phải nhai hạt cau, một loại thuốc tự nhiên - còn được gọi là trầu - khiến răng của rất nhiều người Papua New Guinea có màu đỏ (và gây ung thư miệng). “Khi tình cảnh gặp đôi chút khó khăn, chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc và điều đó giúp mọi việc được hoàn thành.”

Giày và dép đã mòn trong những năm truyền giáo này, khi Cha không chỉ đơn giản là đi chân trần trên địa hình lầy lội. Cha đã mang Tin Mừng và Bí tích Thánh Thể đi “tuần tra” đến những ngôi làng xa xôi. Cha nhớ mình đã bị rắn cắn trước khi dùng gậy đuổi chúng đi.

Cha cũng đã rửa tội cho mọi người ở khắp mọi nơi. “Đó là công việc quan trọng nhất của chúng tôi,” Cha nhấn mạnh. Cha ở lại mỗi làng vài ngày để cử hành Thánh lễ và ban các bí tích.

Sau một thời gian dài phục vụ, Cha đã nghỉ hưu cách đây vài năm và hiện đang nở nụ cười rạng rỡ cũng như chuyện trò với người Công giáo Papua New Guinea. Cha kết luận: “Công việc giờ đây dành cho các linh mục bản xứ nhiều hơn.” Ánh mắt xanh xuyên thấu của Cha giờ đã chìm vào ký ức, khi những bản hòa nhạc đa âm vang lên trong gian giữa của đền thờ.

Tác giả: Camille Dalmas - Nguồn: Aleteia (11/9/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

26    13-09-2024