“Không e ngại hành động, luôn hướng về phía trước trong việc tìm kiếm những giấc mơ của chúng ta, đây là các bước đầu tiên của hành trình. Mỗi thời điểm đều tốt đẹp để bắt đầu, đặc biệt nếu có sự nhiệt tình và hy vọng; vấn đề là chúng ta hãy tự hỏi chúng ta đã sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình hay chưa?”. Đây là một trong những hàng chữ mà người ta có thể đọc được trên bức tường ở lối vào của vùng San José de Boquerón, thuộc tỉnh Santiago del Estero, đông bắc Argentina, một trong những vùng nghèo nhất của đất nước.
Chúng ta chỉ có thể hiểu một cách tường tận ý nghĩa của những lời này nếu chúng ta biết được bối cảnh mà nó được viết lên. Một nơi mà số liệu thống kê của chính phủ không muốn nói đến.
Thật vậy, cách đây 40 năm, ở San José de Boquerón những con số phản ánh một thực tế đau lòng. Ở khu vực nông thôn chỉ số nghèo đói dưới mức trung bình của toàn quốc: gần 37% dân số không có được những nhu cầu tối thiểu để sống còn, 12% dân số bị mù chữ (gấp ba lần mức trung bình toàn quốc) và gần 1/2 trẻ em đến trường không thể hoàn thành việc học. Hơn nữa, nơi đây mức sản xuất ít nhất ở Argentina; nơi mà sự thừa kế duy nhất truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia là sự nghèo đói.
Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi; từ một nơi không có gì, từ từ được phát triển cho đến ngày nay. Điều gì đã làm thay đổi nó? phải chăng chính sách ưu đãi của chính phủ đã đến với vùng đất này? hoặc có một mạnh thường quân nào trợ giúp? một phép mầu nào đó chăng? Câu trả lời đó là sự xuất hiện của cha Juan Crlos Constable, một tu sĩ Dòng Tên. Vào mùa Phục Sinh năm 1975 cha Juan Crlos Constable, được gửi đến San José de Boquerón để coi sóc mục vụ tại giáo xứ San José de las Petacas. Chính ĐTC Phanxicô đã sai cha đến đó trong lúc Ngài còn là Giám tỉnh của Dòng Tên ở Argentina. Công việc của cha được ĐTC coi trọng và đánh giá cao. Ngay từ khi đặt chân đến cha đã bắt tay vào công việc, nhưng xem ra đây là những công việc vô cùng rộng lớn và phức tạp. Dưới cái nhìn của cha bao nhiêu điều cần phải thực hiện liên quan đến: Nghèo đói cùng cực, bất bình đẳng xã hội và văn hóa, sở hữu đất đai nằm trong tay một thiểu số, thiếu chính sách xã hội, thiếu cơ sở hạ tầng…Tất cả những điều này thêm vào đó là vấn đề sinh thái, như kham hiếm và ô nhiễm nước, đất bị nhiễm mặn, sự khai thác rừng hoang dã. Chính cha đã xác định rõ điều này trong một cuộc phỏng vấn khi cha mới đến: “Không có gì, chỉ có dân chúng và cây cối”. Và bởi chính điều này mà cha đã lưu lại đây hơn 40 năm.
Với sự cộng tác và trợ giúp của giáo dân đến từ vùng Buenos Aires xa xôi, cha đã tìm cách thay đổi cuộc sống của dân chúng; cha xây dựng trường học và phòng ăn cho trẻ em, các em đến trường học còn được cung cấp các bữa ăn, chính các gia đình cộng tác trong việc nấu ăn và trong các hoạt động khác. Cha còn thiết lập phòng khám bệnh, hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp, khoan giếng để bảo đảm nguồn nước cho người dân, cải thiện nhà ở. Một số người cộng tác với cha nói rằng họ còn nhớ rõ cách thức cha dạy dân chúng cách làm gạch – và thậm chí mở rộng phạm vi hoạt động sang cả các vùng lân cận.
Trong 40 năm dài cha đã thực hiện công trình Phúc Âm Hóa và phát triển con người trong vùng rộng lớn 3600 cây số vuông, trên đó có 7000 người sinh sống. Cha trả lời trong một bài phỏng vấn khác: “Là những vùng rất khó khăn nhưng với niềm hy vọng lớn, chúng tôi muốn làm tất cả cho họ”.
Tinh thần truyền giáo của cha thật vĩ đại, không điều gì có thể làm cha nhụt trí, thậm chí ngay cả khi bị một cơn đột quỵ cũng không thể dập tắt tinh thần truyền giáo của cha. Cha đã cho nơi này, một khúc ngoặt lịch sử Phúc âm hóa ở Châu Mỹ La tinh, một chiều kích của lòng thương xót của Mẹ Giáo Hội, đồng hành và khuyến khích niềm hy vọng, bởi vì như cha chia sẻ: “Dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi người có thể cảm thấy như là nhà của mình, có thể cảm nhận như người con được yêu, được tìm kiếm” (L’OSSERVATORE ROMANO 31-01-2018) Ngọc Yến