Vào ngày 11/04/2019 tại Milano có một linh mục dòng Capuchino sau một thời gian dài bị bệnh đã về với Chúa, đó là cha Maurizio Annoni. Sự ra đi của cha đã để lại niềm thương tiếc cho nhiều người đặc biệt là những người nghèo, người bị bỏ rơi ở Milano; những người mà 19 năm qua đã được cha dấn thân không mệt mõi trong vai trò là người lãnh trách nhiệm chính của Hội của thánh Phanxicô lo cho người nghèo.
Cha Annoni có một nụ cười dịu dàng và một phong cách kiên định. Cha không thích ánh đèn sân khấu, nhưng vì người nghèo buộc cha phải hiện diện tại các buổi dạ tiệc để gây quỹ cho họ. Người nghèo là những người vô gia cư, người nghiện ma túy, người nhập cư, những người cha ly thân, người già cô đơn, người mẹ đơn thân, những người tuyệt vọng do những sai lầm; nhưng trong số đó cũng có những người đã từng giàu có nhưng bị mất việc làm và không có đủ can đảm để xin giúp đỡ.
Trên bàn làm việc của cha, người ta vẫn còn nhìn thấy các giáo trình giảng dạy được xếp chồng lên nhau, các hóa đơn phải trả, những ghi chú dành cho những trường hợp đặc biệt; ví dụ những người đến xin giúp đỡ nhưng vì mắc cỡ cho nên phải dành cho họ một lối đi kín đáo. Tất cả những giấy tờ này cho thấy biết bao đau khổ hiện diện trong một thành phố có thu nhập cao nhất Italia, thành phố của những khu phố thời trang và khu vực sang trọng, nhưng trong những năm bị khủng hoảng trở thành một điểm chính để đo lường sự khốn khổ của vùng đất này.
Đàng sau sự giàu có, hào nhoáng của thành phố có những con người khốn cùng mà dường như người ta nghĩ với một thành phố hiện đại như thế không bao giờ có. Trái lại những người nghèo vẫn luôn hiện diện và Hội của thánh Phanxicô với hàng ngàn tình nguyện viên, nhân viên, nhà hảo tâm cố gắng xoa dịu tình trạng đau khổ của người nghèo, với sự thận trọng tế nhị, nhưng không khoa trương.
Cha Annoni cho biết từ năm 1945 Hội của thánh Phanxicô đã hiện diện. Vào thời đó hàng ngày có nhiều người xếp hàng để nhận một ít súp và một mẩu bánh mì từ cha Cecilio, người bảo vệ huyền thoại của tu viện Viale Piave. Vào năm 1958 cha Cecilio cùng với sự trợ giúp của một thương gia đã đưa ra các việc làm cụ thể cho người nghèo. Và từ từ trở thành Hội và năm nay kỷ niệm sáu mươi năm Hội được hình thành. Với những người coi một căng tin như vậy không phù hợp trong một khu vực thanh lịch và tư sản như thế này, cha Cecilio trả lời: "Nhưng lẽ nào ở trung tâm Milano không nên có chỗ cho người nghèo?"
Vào năm 2016, Tổng thống Cộng hòa Italia trao cho cha Huân chương Hiệp sĩ Cộng hòa Ý vì những việc làm cho cộng đồng; và năm 2018 cha còn nhận được một giải thưởng của thánh phố Milano cũng vì việc làm trên.
Ông Giuseppe Sala, thị trưởng Milano nói về sự ra đi của cha: "Tôi đã đến chào cha Maurizio ngay trước khi cha rời khỏi chúng ta, tiếc là cha không tỉnh táo, nhưng tôi hy vọng ngài cảm thấy sự hiện diện của tôi, như tôi cảm nhận được sự hiện diện của cha, giống trong trường hợp hai người bạn dành cho nhau. Milano nợ cha rất nhiều, vì sự dấn thân không ngừng và vì ý muốn đóng góp để mọi người có một cuộc sống đúng phẩm giá. Hãy yên nghỉ, Cha Maurizio thân mến”.
Phó chủ tịch của Hội, cha Marcello Longhi, người sẽ đảm nhận vị trí của cha, nhớ lại: “Cha Maurizio là một người thông minh và tốt bụng, một linh mục sôi nổi và một nhà lãnh đạo an toàn, có tầm nhìn xa".
Cha Maurizio sinh ở Milano vào năm 1952, nơi đây cũng là nơi cha tốt nghiệp ngành Kỹ sư Xây dựng tại Đại học Bách khoa, sau đó gia nhập dòng Capucino, khấn vĩnh viễn vào ngày 29 tháng 4 năm 1984 và được thụ phong linh mục vào ngày 7 tháng 9 năm 1985. Cha từng giữ trách vụ Giám tỉnh của dòng thuộc vùng Lombardia từ năm 1994 đến năm 2000. Và năm 2000, cha được bổ nhiệm làm chủ tịch của Hội thánh Phanxicô lo người nghèo.
Vài ngày trước khi về với Chúa, nhân dịp Mùa Chay, cha đã viết một lá thư cho tất cả các cộng tác viên của Hội: "Tôi muốn tất cả chúng ta dấn thân thực hành lòng thương xót, điều này có giá trị đôi khi hơn cả sự hy sinh". Cha nói tiếp: "Nhưng lòng thương xót là gì? Lòng thương xót là nhịp đập của con tim Thiên Chúa, đó là đặt trọn vẹn niềm tin vào Thiên Chúa được chứa đựng trong sự tha thứ mà Ngài luôn dành cho chúng ta, đó là ánh mắt đầy quan tâm và thương xót dành cho mỗi chúng ta. Chúng ta cũng được kêu gọi để có cùng một trái tim, một sự tin tưởng và cùng một sự tha thứ, để nhìn vào chính mình và hướng sự quan tâm và lòng trắc ẩn đến người khác».
Với những lời trên tỏ cho thấy phong cách, sự cống hiến và chăm sóc mà cha đã dành người nghèo trong những năm gần đây.
Ngọc Yến - Vatican