Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Cha Thomas Byles – vị linh mục hy sinh mạng sống vì người khác trong thảm kịch tàu Titanic

titanic1
 Everett Collection | Shutterstock


Cha Thomas Byles đã hy sinh mạng sống của mình khi ở lại với những người sắp chết trên tàu Titanic để ban phép lành, cầu nguyện và giải tội cho họ.

Vào Chúa nhật, ngày 14 tháng 4 năm 1912, Cha Thomas Byles đã cử hành Thánh lễ trên boong tàu Titanic, chỉ bốn ngày sau chuyến hành trình mang tính lịch sử đầu tiên của nó. Đó là ngày “Low Sunday”, ngày Chúa nhật đầu tiên sau Đại Lễ Phục Sinh. Những người ở trên boong tàu còn nhớ về việc Cha đã giảng một bài giảng về việc sử dụng lời cầu nguyện như chiếc áo phao và các bí tích để cứu linh hồn trong một vụ đắm tàu thiêng liêng.

Đêm đó, khi Cha Byles đang đi dạo ở boong trên, mặc áo khoác dài và đọc kinh phụng vụ thì tàu Titanic đâm phải tảng băng định mệnh.

Như thể chính mình là thuyền trưởng, Cha Byles vẫn ở trên tàu để giải tội và cầu nguyện. Hai lần, Cha được đề nghị một chỗ ngồi trên xuồng cứu sinh, nhưng Cha đã từ chối khi mọi người tụ tập xung quanh Cha để được ban phép lành và giải tội tập thể. Cha thậm chí còn đi xuống boong dưới, vào khoang hạng ba, nơi những người hầu và những người thuộc tầng lớp lao động đang đi lại, nhiều người trong số họ là người Công giáo.

 

cha-byles
 Public Domain


Ở đó, Cha đã giải tội và hướng dẫn những hành khách sắp chìm xuống cùng chiếc tàu cùng lần chuỗi Mân Côi. Những người sống sót lên thuyền cứu sinh sau đó cho biết họ có thể nghe thấy tiếng của Cha đang cất lên những lời kinh và những người bị bỏ lại đã đáp lại bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Lớn tiếng hơn hết, họ có thể nghe thấy những lời khẩn cầu đầy tuyệt vọng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi này và giờ lâm tử, Amen…”

Ngay sau 2 giờ sáng, con tàu chìm sâu xuống Đại Tây Dương và biến mất. Khoảng 1.500 người đã thiệt mạng trong thảm kịch này, và một trong số đó là Cha Byles. Thi thể của Cha đã không bao giờ được tìm thấy.

Vài ngày sau, tại Brooklyn, William Byles (em của Cha Thomas Byles) và vị hôn thê của anh ấy đã tiến hành lễ cưới của họ, một Thánh lễ nhỏ do một linh mục khác, bạn của cô dâu, chủ sự. Sau buổi lễ, họ đã thay trang phục tang lễ và trở lại chính ngôi nhà thờ đó để tham dự một Thánh lễ cầu hồn.

Một năm sau, William và vợ đến Rome và được diện kiến riêng với Thánh Giáo Hoàng Piô X, người đã nghe câu chuyện về Cha Byles. Đức Giáo Hoàng nói với William rằng người anh trai của cậu ấy là một vị tử đạo.

Mặc dù Cha Byles đã được Đức Giáo Hoàng xem là một vị tử đạo, nhưng phải đến năm 2015, một cuộc vận động mới được tiến hành để Cha Byles được tuyên thánh. Cuộc vận động này được dẫn dắt bởi Cha Graham Smith, lúc đó là linh mục chánh xứ của nhà thờ St. Helen, cùng một giáo xứ mà Cha Byles đã từng phục vụ. Cha Smith nói về sự hy sinh anh dũng của Cha Byles rằng:

“Cha ấy là một người đàn ông phi thường đã hy sinh mạng sống của mình cho người khác. Theo cách nói rất cổ xưa, chúng ta cần nâng Cha ấy lên bàn thờ, điều đó có nghĩa là Tòa Thánh nhìn nhận Cha ấy là một vị tử đạo của Giáo Hội. Chúng ta đang hy vọng và cầu nguyện rằng Cha ấy sẽ được nhìn nhận là một trong những vị thánh theo giáo luật của chúng ta.”

Trong khi án tuyên thánh cho Cha Byles vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có nhiều bước tiến xa. Vẫn chưa có bất kỳ phép lạ nào được cho là nhờ lời chuyển cầu từ vị linh mục của tàu Titanic, nhưng Cha Byles vẫn được nhớ đến vì lòng vị tha trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất.

 

Tác giả: Phó tế Greg Kandra – Nguồn: Aleteia (21/6/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

414    23-06-2023