Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chăm sóc mẹ cha trong tuổi già

 

Ở những gia đình có cha mẹ già, con cái thể hiện sự quan tâm thế nào để các cụ luôn được an vui trong tuổi xế chiều?

Lứa tuổi nào cũng cần một sự chăm sóc cả về sinh học lẫn tâm lý, tức không chỉ miếng ăn, giấc ngủ, mà còn cả cách đối xử làm sao để người được chăm sóc cảm thấy ủi an và hạnh phúc. Người già cũng không ngoại lệ.

Bậc cao niên thường dễ tủi thân

 Những người già thường có một quá khứ chí ít từng gánh gồng chăm sóc một đàn con hoặc bảo ban cả gia đình. Một ngày, họ “về hưu”, chăm sóc cháu chắt và rồi cũng một ngày bỗng cảm thấy yếu ớt, không đi đứng linh hoạt, tay chân không còn nhanh nhẹn. Đôi khi chỉ một cái tặc lưỡi lộ rõ sự mệt mỏi của con cháu cũng khiến họ dễ tủi thân. Hỏi thăm một chị bạn đồng nghiệp có mẹ ở tuổi 80, tôi được nghe kể: “Mẹ ị ra quần, tôi đưa bà vào nhà tắm rửa rồi bảo em gái lau sàn. Vậy mà bà cũng la lên giận dỗi, ra vẻ như các con sợ mình làm dơ nhà”. Anh bạn khác, có bố cũng tầm tuổi này lại cho biết: “Lên mâm cơm mà con cháu không vui vẻ là ông cứ kêu rằng cho mình miếng cơm thôi mà không đứa nào vui. Vì vậy, mỗi lần ăn cơm, tôi dặn các con phải luôn vui vẻ, không được gây gổ”.

Người ta nói khi già sẽ trở lại tính như trẻ nít, thích được người khác quan tâm, chú ý đến mình. Điều này rất đúng. Mẹ tôi năm nay đã ngoài 90, trực tiếp chăm sóc bà, tôi mới biết thế nào là “tính trẻ con” của người già. Có khi đang ăn, tự dưng mẹ nói không ăn nữa. Nếu một người con, người cháu vô tâm sẽ tự nhiên dọn chén đi mà không chú ý bà chỉ mới ăn được một muỗng. Vậy là có màn ép ăn bằng cách...đút. “Má ăn đi nghen. Ráng ăn rồi uống thuốc”, tôi vừa đút cho mẹ vừa dỗ, cứ thế chỉ một lát sau, bà đã ăn hết chén cơm. Mẹ của chị Nguyễn Thị Mười, 85 tuổi (Bình Chánh, TPHCM) thì biểu lộ tính trẻ con kiểu khác. Khi nghe con cháu kể chuyện gì mà nghe không kịp, bà mếu máo: “Bây giờ tao già rồi, có chuyện gì không cần hỏi ý tao, tự tụi bây nói chuyện không cho tao nghe...”, rồi cứ thế khóc ngon lành. Anh Nguyễn Quang Tuấn (Bình Thạnh, TPHCM) kể về “đặc tính” này của cha mình: “Thấy ông cụ thức khuya cứ xem truyền hình, tôi nhắc ba hãy ngủ sớm kẻo sáng mai lại mệt. Cụ giận dỗi mang gối ra phòng khách nằm khóc bảo, lúc này mình không làm ra nhiều tiền nữa nên đến xem tivi con cháu cũng không cho, sợ tốn tiền điện!”.

Sợ cô đơn

Tôi thường làm việc trên lầu, và cứ nghe mẹ gọi xuống nhà dưới. Ban đầu tôi rất bực mình, sau đó phát hiện hình như mẹ sợ một điều gì đó mà hỏi ra bà chỉ đáp: “Má hổng biết má sợ cái gì, chỉ biết là sợ sợ thôi”. Không riêng gì mẹ tôi, nhiều người có mẹ già khác cũng “tiết lộ” điều tương tự. Bà Lê Thị Nga, ngoài lục tuần (Q1, TPHCM), có mẹ tuổi 90 cho hay, mẹ mình luôn khóc mỗi khi thấy nhà vắng. Vì vậy, đi đâu bà cũng phân công con hay cháu ở nhà. Lê Phước Lộc, cháu trai bà Nga tâm sự: “Không chỉ ở nhà thôi, phải ở cùng phòng, bà cố mới chịu. Bà luôn muốn cháu phải ngồi cạnh, không thì bà sợ lắm, mà cũng không biết là sợ cái gì”. Và để tiện học bài, làm bài, những buổi ở nhà chăm sóc bà cố, Lộc phải lấy máy laptop ngồi trên giường, ngay sát bên để bà yên tâm ngủ. Đó là ban ngày, còn đêm về, hầu như bà Nga luôn ngủ chung giường cùng mẹ mấy năm nay, một phần vì muốn tiện khi đưa mẹ đi vệ sinh ban đêm, phần nữa là giúp bà cụ không sợ vẩn vơ và không có cảm giác cô độc, bị bỏ rơi.

Ở tuổi ngoài 70, người ta thường hay kể chuyện đời xưa, hồi tưởng lại những gì họ đã làm thời còn trẻ. Những câu chuyện không đầu không đuôi thường làm người trẻ ngán ngẩm, nhưng nếu có ai chịu nghe, những cụ già rất thích và thật hãnh diện khi có người bầu bạn với mình. Như anh Trần Văn Ân, 21 tuổi kể, ông cố mình rất thích ôn lại một thời quá khứ, từ những ngày còn học trường Tây, đến làm công cho Pháp, kết bạn rồi lấy vợ... Ôi thôi! Ban đầu anh tìm cách “đánh bài chuồn” nhưng rồi nghĩ lại niềm vui của ông cố có bấy nhiêu nên mỗi khi rảnh rỗi, anh về phòng ông, nghe đi nghe lại đến thuộc lòng những nhân vật mình chưa hề biết mặt... Còn ông cố thì vui ra mặt mỗi lần cháu trai được nghỉ học và vào thăm ông.

Người già thích những cử chỉ yêu thương

Lần đầu tiên nghe mẹ nói “ôm má đi”, tôi giật bắn người. Nhưng rồi có dịp hàn huyên cùng những người có cha mẹ già, tôi hiểu ra rằng các cụ rất thích được âu yếm và yêu thương. Bà Lê Tuyết Anh (Q1) nói về người mẹ 87 tuổi của mình: “Nhiều lúc cụ không muốn ăn, nhưng khi tôi ôm ấp, vỗ về, tự dưng mẹ lại ngoan ngoãn ngồi ăn”. Cô bạn trẻ Nguyễn Mai Anh (Q10. TPHCM) cũng chia sẻ, mỗi lần đến thăm bà cố, bà thường dựa đầu vào vai cô và thích những cử chỉ quan tâm, dù nhỏ nhất của đứa cháu gái. Người cha 80 tuổi của ông Phạm Văn Sơn (Q4, TPHCM) thì cứ muốn con trai gãi lưng mỗi lúc ăn cơm. Sống lâu ngày với cha già, ông Sơn thừa nhận, với người cao niên, không chỉ có cái ăn hằng ngày, mà còn cần được đối xử nhẹ nhàng, đầy yêu thương.

“Người ở tuổi gần đất xa trời mà có con hoặc cháu đầy trách nhiệm, nhiều cảm thông và có kiến thức tâm lý sâu sắc luôn kề cận chăm sóc thì thật hạnh phúc. Người đó có thể sống thọ cho đến lúc nào Chúa gọi, cho dù đời sống vật chất không dư giả cũng không sao” -  Câu đúc kết của bà Lê Thị Nga, cũng là cảm nghiệm của phần lớn những người đang hoặc từng sống với cha mẹ, ông bà ở tuổi xế chiều.

Chăm sóc cha mẹ già không những là bổn phận mà còn là một đòi buộc đối với mỗi Kitô hữu trong gia đình. Xin mượn lời từ sách Huấn ca để tạm khép lại chủ đề này như một lời nhắc nhở chính mình và cả những ai đang cùng suy tư về trách nhiệm của người làm con: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con” (Hc 3, 12-14).

HOÀNG HẠC

4533    12-09-2017