Một lời cam kết dành cho tất cả mọi người.
Sự sống con người là gì? Đó là khả năng của con người được sinh ra, hít thở, phát triển, sinh sản, thăng tiến và chết đi. Đó là khoảng thời gian từ khi thụ thai cho đến khi chết đi. Nhưng điều này có thể kết thúc sớm hơn do bệnh tật hoặc tai nạn. Nhưng chúng ta cũng có thể kết thúc nó thông qua phá thai, tự tử và an tử. Sống là một quyền, cũng như sống và chết đúng phẩm giá cũng là một quyền, nhưng chết thôi thì không phải là một quyền.
Phẩm giá con người là gì? Đó là trạng thái đặc biệt mà mỗi con người có được qua việc trở nên một nhân vị, và nó đặc trưng cho con người một cách vững bền và nền tảng, từ khi thụ thai cho đến khi chết đi. Khái niệm về phẩm giá còn nhiều mơ hồ, và ý tưởng về một con người cũng vậy, như triết gia Françesc Torralba đã nêu trong cuốn Phẩm giá con người là gì? (Torralba F, What is human dignity?, 2005). Phẩm giá là cái bất khả xâm phạm thuộc về mỗi người; nó không thể mất đi nhưng lại bị tổn hại. Một người càng bất lực và cần được giúp đỡ thì khả năng bị tổn hại đến phẩm giá càng lớn.
Nhưng khi nói đến sự sống và phẩm giá của con người, đôi khi xã hội không hành xử như lẽ ra phải như thế. Tháng trước, một phương tiện truyền thông đã đưa tin giật gân như sau: “Chính phủ đang chuẩn bị một đạo luật để bảo vệ loài vượn lớn trong khi lại coi thường mạng sống con người.” Tôi tự hỏi: Tại sao một loại vi khuẩn lại được coi là sự sống trên sao Hỏa trong khi nhịp tim trước khi sinh không được coi là sự sống trên Trái đất? Quino, tác giả của Mafalda [một bộ truyện tranh Argentina], đã phản ánh rất rõ sự coi thường phẩm giá nơi một trong những bức biếm họa của mình khi Mafalda nhìn thấy một biển báo trong vườn có nội dung: “Không được giẫm lên cỏ” và cô tự hỏi: “Còn phẩm giá thì sao?”
Nguồn ảnh: Pinterest |
Một xã hội, như xã hội của chúng ta, từ chối lên án những hành vi mà lẽ thường được xem là có tính hủy diệt, chẳng hạn như phá thai, tự tử và an tử, là một xã hội đã mất đi khả năng đối đầu với sự dữ. Đó là một xã hội tước đoạt sự sống và phẩm giá của con người. Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Nền văn minh đương đại của chúng ta đang đe dọa đến mạng sống của những đứa trẻ chưa chào đời. […] Ngày nay, mối đe dọa này lan rộng đến cả người già và người bệnh. Các thể chế của con người, các quốc hội được bầu cử dân chủ, chiếm đoạt quyền quyết định ai có quyền được sống.” Nhà văn, triết gia và chính trị gia, cha đẻ của chủ nghĩa bảo thủ tự do Anh, Edmund Burke (1729-1797) đã nói: “Tất cả những gì sự dữ cần để chiến thắng là những người tốt không làm gì cả.” Và Albert Einstein (1879-1955), người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1921, đã nhắc đến vấn đề này khi ông nói: “Cuộc sống rất nguy hiểm. Không phải đối với những người làm điều ác, mà đối với những người ngồi và xem những gì xảy ra.” Liệu chúng ta có tiếp tục không làm gì, ngồi và xem những gì xảy ra không?
Cho phép tôi, với tư cách là một bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, chia sẻ một số suy nghĩ về vấn đề an tử. Chúng ta không nên coi cái chết có phẩm giá là mục tiêu duy nhất của mình, bởi vì cái chết có phẩm giá còn hơn cả một kiểu chết cụ thể, đó là một khái niệm rộng, một triết lý về cái chết dựa trên sự tôn trọng phẩm giá của con người để bảo vệ nó cho đến cuối đời. Cái kết tốt nhất cho một cuộc đời là chết đúng phẩm giá. Sự giúp đỡ mà những người đồng hành cùng họ cho đến chết có thể mang lại là sự bảo vệ phẩm giá của họ để đảm bảo cho họ có một cái chết thanh thản, bình an và chẳng màng đến đau khổ. Nhưng việc giảm bớt đau khổ của một người không nên bao gồm việc loại bỏ chính người đang chịu đau khổ. Đúng là khi bệnh nhân không thể được giải thoát khỏi đau khổ, một số người có thể muốn cái chết của họ được đưa ra sớm hơn để không phải tiếp tục sống trong đau khổ. Người cầu xin cái chết thực ra đang cầu xin điều gì đó khác hơn; họ không muốn đau khổ. Đằng sau yêu cầu “Tôi muốn chết” có một bối cảnh mang ý nghĩa là “Tôi muốn sống hoặc chết theo một cách khác.” Theo tôi, an tử không phải là dấu hiệu của nền văn minh. Cách đối xử với những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, cách chào đón và hỗ trợ người đau yếu, người già và người bệnh, và cách đối mặt với những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời chúng ta, chứng minh mức độ văn minh của xã hội chúng ta.
Tôi tin rằng bên cạnh một xã hội thịnh vượng, chúng ta sẽ có thể xây dựng một xã hội nhân ái khi tất cả chúng ta đều có khả năng giúp đỡ những người cần đến sự giúp đỡ, bảo vệ cuộc sống và phẩm giá của họ. Đây là cam kết thực sự của tất cả chúng ta, những người tạo nên xã hội này. Chúng ta phải đạt được một xã hội lành mạnh và nhân ái, bởi vì xã hội đó được tạo nên từ những con người luôn hiện diện trước mặt mọi người và cần đến nhau. Việc chăm sóc sự sống và phẩm giá của họ là trách nhiệm của toàn xã hội.
Tác giả: Tiến sĩ Jacinto Bátiz Cantera* - Nguồn: Exaudi (23/9/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
-----------------------------------------
* Tiến sĩ Jacinto Bátiz Cantera là Giám đốc Viện Chăm sóc Cải thiện - Bệnh viện San Juan de Dios ở Santurce.