(Ga 7,40-53)
Người ta đã từng nghĩ rằng: Chân lý thuộc về số đông và nằm trong tay những kẻ có quyền. Công lý thường bị bẻ cong và hậu quả là những người đơn sơ ngay lành, sống theo sự thật, công lý và tình thương lại bị xem coi là kẻ khờ dại, thậm chí bị liệt vào hàng những kẻ chướng tai gai mắt cần phải loại trừ. Điều này thật chua chát nhưng lại rất đúng với trường hợp của Chúa Giêsu mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến.
Quả vậy, trước những phép lạ và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, người Do Thái đã có những phản ứng rất khác nhau. Với những người đơn sơ chân thành, đã từng nghe Chúa Giêsu giảng và thấy phép lạ Ngài làm thì nhận định: “Ông này là một ngôn sứ”; “Ông này là Đấng Ki tô”. Nhưng cũng có những người đã có định kiến về Ngài lại nói: “Nào chẳng phải : Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao?”. Đám vệ binh là những người có lẽ lần đầu tiên được nghe Chúa Giêsu giảng, chưa có thành kiến về Ngài, cũng chẳng hiểu biết nhiều về Kinh Thánh và Lề Luật thì khẳng định: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy” và họ không tra tay bắt Ngài. Với Nicôđêmô, một người am tường lề luật và mến yêu sự thật, đã từng gặp Chúa Giêsu ban đêm và đàm đạo với Người thì nói: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?". Với những người thuộc giới lãnh đạo Do thái, họ dựa vào định kiến, lề luật và nguồn gốc của Đức Giêsu để phủ nhận tất cả: “không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả”. Họ kiêu hãnh lấy địa vị của mình làm tiêu chuẩn và dùng quyền hành để loại bỏ tất cả những người không có cùng quan điểm với họ. Không một chút lắng nghe, họ mắng các vệ binh: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisiêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?”. Với dân chúng, họ khinh khi nhục mạ: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết đến Lề Luật, đúng là quâ bị nguyền rủa”. Cả với Nicôđêmô họ cũng không ngần ngại mỉa mai: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?”. Các thủ lãnh tôn giáo, kể cả những người Pharisiêu đã có những phản ứng mạnh, trở nên đối lập với Đức Giêsu và mưu tâm giết Ngài trong khi Ngài luôn xuất hiện như một Đấng nhân từ: Người cứu chữa và tha thứ, chứ không kết án hay hủy diệt (kể cả trong ngày Sabát), bằng những hành vi yêu thương và những lời giảng dạy đầy uy quyền. Phải chăng vì họ đã tự tin thái quá và đóng khung chính mình trong kiến thức nhân loại và trong những thành kiến sẵn có về Đức Giêsu hay họ sợ mất đi địa vị, quyền hành và lợi lộc: "Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết" (Ga 12:19)?
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta soi vào Lời Chúa để tìm lại chính mình:
Tôi có phải là những người hiền lành, khiêm nhường, sẵn sàng mở lòng ra cho ân sủng của Thiên Chúa không?
- Hay tôi cũng sống theo cảm tính và nhận định chủ quan, không chịu lắng nghe và thấu hiểu để kết án và loại trừ những người không cùng quan điểm với tôi?
- Có khi nào tôi khó chịu bực dọc khi thấy người khác thành công hơn, đạo đức tốt lành hơn tôi bởi sự thánh thiện của họ tố cáo tội lỗi yếu đuối của tôi?
Trong những ngày còn lại của Mùa Chay, Giáo hội đang mời gọi chúng ta trở về với chính mình trong chay tịnh, cầu nguyện hầu tìm ra những rạn nứt, sứt mẻ trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân để hàn gắn và làm mới lại hầu niềm vui Phục Sinh được bừng sáng và lan tỏa trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa, ước chi Lời Chúa hôm nay soi sáng tâm hồn và cuộc đời con để chúng con luôn biết lắng nghe và thấu hiểu trước khi nhận định và giá người khác. Xin đừng để những định kiến hẹp hòi, ích kỷ làm sai lệch cái nhìn của con. Và xin cho con một trái tim hiền lành và khiêm nhường như Chúa để con luôn biết nghĩ tốt và nói tốt cho nhau. Amen.
Nhóm suy niệm BC