Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chân lý và đời sống con người

christbeforepilate1
 "Đức Kitô trước Philatô", 1881, bởi Munkácsy Mihály - Wikimedia Commons


Theo truyền thuyết kể lại: Reprobus là một người có thân hình vạm vỡ và sức khoẻ phi thường. Ông luôn canh cánh trong mình việc đi tìm một “minh chủ” xứng đáng để mà ra sức phụng sự. Đầu tiên ông tìm đến một vị vua, nhưng qua thời gian ông nhận thấy ông vua này rất sự quỷ. Bởi vậy ông liền bỏ nhà vua mà đi tìm đến quỷ để phục vụ, thế nhưng ông phát hiện ra quỷ lại rất sợ Chúa Giêsu! Không bỏ phí thời gian, Reprobus lại lên đường đi tìm Đức Giêsu để phụng thờ, ông đi và sau cùng gặp một vị tu sỹ mộ đạo mách bảo ông rằng: Muốn phụng sự Thiên Chúa thì hãy làm việc thiện bằng cách đến một dòng sông hiểm trở mà đưa khách bộ hành qua sông. Ông nghe theo lời chỉ bảo, hàng ngày ra ngồi ở một bên sông và sẵn sàng đưa khách bộ hành qua sông không quản ngại khó khăn…Cho đến một ngày kia, có một em bé xin sang sông, ông liền đặt em trên vai để đưa qua dòng sông nước đang quần quận chảy xiết đó . Nhưng ông cảm thấy sức nặng trên đôi vai mình mỗi lúc một lớn hơn làm ông sắp khuỵ xuống, bấy giờ ông ngước mắt nhìn lên thì thấy trên tay cậu bé mà mình đang cõng cầm một quả địa cầu. Và lúc đó cậu bé lên tiếng:“Ta là Hài Nhi Giêsu” Và sau khi cho Reprobus biết, Hài Nhi liền biến đi.

Từ đó ông nhận biết Thiên Chúa chính là lẽ sống của đời mình và ra sức tôn thờ, phụng sự và truyền bá. Ông đổi tên thành Christopher (kẻ cõng Chúa Giêsu). Sau này vì bảo vệ niềm tin ông đã bị nhà vua Decius sát hại vào năm 250. Như vậy, có thể nói; cuộc đời của vị thánh Christopher là một hành trình đi tìm chân lý và khi đã tìm được rồi thì ra sức bảo vệ và phụng sự chân lý đó.

Có ba câu hỏi khơi gợi, dẫn đưa chúng ta tìm đến chân lý của cuộc đời. Đó là:

Tôi từ đâu đến? Đến trong thế gian này để làm gì? Rồi sau cùng là tôi sẽ ra đi và đi về đâu?

Trả lời câu hỏi thứ nhất: Tôi từ Thiên Chúa mà đến, nói một cách khác, chính xác hơn là Thiên Chúa đã dùng cha mẹ làm “công cụ” để sinh ra tôi và tôi là một thụ tạo đặc biệt của Ngài. Sở dĩ nói đặc biệt là bởi vì trong hàng triệu con người, tôi là một cá thể khác biệt hoàn toàn, không có một con người nào giống y như tôi! (Có thể nói: từ trước tới nay và từ nay về sau này sẽ không bao giờ có một con người nào giống y hệt như ta hoàn toàn từ giọng nói, tính cách và khuôn mặt, kể cả anh chị em song sanh, mặt khác không phải cặp vợ chồng nào cũng có khả năng sinh con, vì trong thực tế đã có nhiều cặp đôi vô sinh.) Như vậy, suy ra thì rõ ràng tôi đã được Thiên Chúa tạo tác và thương yêu một cách đặc biệt.

Câu thứ hai: Chúng ta sống trên đời này để mưu cầu hạnh phúc, trước nhất là hạnh phúc cho chính bản thân mình và sau nữa là làm cho mọi người sống chung quanh cũng được hạnh phúc như chúng ta. Nói theo Sách Giáo lý Công giáo là: Ta sống ở đời này để nhận biết và thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hưởng hạnh phúc đời đời. Nói tóm lại là: Sống trên đời này để chúng ta đi tìm kiếm chân lý, và sau đó là nỗ lực phụng sự, xây dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Với lý tưởng sống như vậy thì sau khi kết thúc cuộc hành trình trần gian, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng thành quả của những cố gắng, những nỗ lực mà chúng ta đã thực hiện khi còn sống và sẽ được hưởng vinh phúc sự sống đời đời trên thiên đàng. Với nội dung trên; đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi thứ ba. Trên đây là những chân lý đơn giản, song không phải ai ai cũng đều chấp nhận.

Nhưng chân lý là gì để chúng ta phải đi tìm kiếm và phụng sự. Thưa, chân lý là sự thật, là lẽ phải. Chân lý luôn đúng mọi nơi mọi lúc, cho dù vật đổi sao dời, mọi sự có thể đổi thay nhưng chân lý thì không bao giờ thay đổi.

Đức Giêsu đến thế gian để rao giảng và mặc khải chân lý, những ai khao khát tìm kiếm chân lý thì sẽ nghe tiếng Ngài. Theo Tin Mừng thánh Gioan, trong cuộc thương khó, ở dinh Philatô Đức Giêsu đã trả lời khi ông này tra hỏi Ngài rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho chân lý. Ai đứng về phía chân lý thì nghe tiếng tôi”. Ông Philatô hỏi lại Người: “Chân lý là gì?” (x. Ga 18,37-38) (Trong tiếng Latinh: chữ veritas, tiếng Anh: chữ verity đều có nghĩa là chân lý, hay sự thật, tính chân thật.) Như vậy, Đức Giêsu là hiện thân của chân lý hay nói cách khác; chân lý là những điều Đức Giê-su mặc khải và dạy dỗ cho con người. Nhưng thật ra, có một Đấng mà sau khi Đức Giêsu về trời thì Ngài trao ban lại cho nhân loại, Đấng ấy được Đức Giêsu gọi đích danh là Thần Chân Lý: “Khi nào Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dạy cho anh em biết mọi điều chân thật.” (Ga 16, 13). Bởi thế cho nên Hội Thánh mới nói: Thời đại ngày này là Thời đại của Chúa Thánh Thần.

Tóm lại; Cuộc đời của mỗi người chúng ta sẽ chỉ có giá trị và sẽ không trở thành uổng phí khi sống mà biết tìm đến với Chúa để tôn thờ và phụng sự Ngài qua việc thực hiện bác ái yêu thương anh em để rồi đó cũng là là tiền đề để dẫn đưa chúng ta đến sự sống bất diệt sau này. (Đối với viên quan tổng trấn Philatô, ông ta đã tỏ ra nhát đảm không dám bênh vực người vô tội, ông vô cảm, hững hờ trước Đức Giêsu là hiện thận của chân lý, chính câu hỏi ngu ngơ của ông đã nói lên điều đó: “Chân lý là cái gì?” và có lẽ với thái độ thiếu thành tâm thiện chí như vậy thì ông ta đã không được Đức Giêsu trả lời.)

Chuyện kể rằng: Một buổi sáng nọ, Alexandre Đại Đế (356-323 TCN) cỡi ngựa đến trước “cửa nhà” triết gia Diogene (404-323 TCN), thấy ông này sống kham khổ trong một cái mái vòm nghèo nàn thì bèn nói vọng vào rằng: “Diogene thân yêu. Khanh hãy xin trẫm bất cứ điều gì thì lập tức trẫm sẽ ban cho khanh ngay.” Có tiếng nói trong nhà vòm vọng ra rằng: “Tâu bệ hạ, điều mà hạ thần xin cùng ngài là: Xin ngài hãy tránh sang một bên để cho ánh sáng có thể chiếu rọi vào trong cái mái vòm của hạ thần.”

Nếu ví Thiên Chúa là ánh sáng chân lý soi chiếu vào tâm hồn chúng ta thì chúng ta sẽ phải coi chừng đừng để những  dục vọng bất chính, những danh lợi, địa vị và tiền bạc, của cải vật chất che khuất lấp đi, để rồi những bả phù vân ấy làm ta lạc lối sai đường, mất phương hướng để đi.

Chú thích:

- Thánh Christopher được coi là vị bảo trợ cho những người lữ hành, trước đây trong niên lịch phụng vụ ngài được mừng kính vào ngày 25/07 với bậc lễ nhớ. Nhưng kể từ năm 1969. Giáo Hội đã loại ra khỏi niên lịch phụng vụ, vì các nhà sử học nghi ngờ về sử tính và nguồn gốc của vị thánh này. Tuy nhiên, ngày nay thánh Christopher vẫn còn được nhiều Kitô hữu Đông Phương mừng kính vào ngày 09/05 và ngài vẫn tiếp tục giữ được một vị trí đặc biệt trong tâm hồn của nhiều người ở cả Phương Đông lẫn Phương Tây.

- Alexander Đại Đế là một thiên tài quân sự “bách chiến bách thắng”. Ông mất vào năm 323 TCN khi chỉ mới 33 tuổi. Ông trối lại ba điều mong muốn trước lúc lâm chung.

1. Quan tài ông được khiêng bởi những ngự y tài giỏi nhất.

2. Vàng bạc, châu báu của ông phải được rải từ chỗ quàn ông cho đến nơi chôn cất.

3. Khoét quan tài hai bên để đưa bàn tay của ông ra ngoài cho mọi người nhìn thấy.

Các vị cận thần hỏi lý do tại sao phải làm vậy thì được Đại Đế giải thích: Cái chết đã đến thì cho dù có thầy thuốc tài giỏi cách mấy cũng phải bó tay! Tiền bạc, châu báu khi còn sống ta đã ra công tích góp, khi chết đi thì cũng trở thành vô nghĩa mà thôi! Ta đến thế gian này với đôi bàn tay trắng thì lúc ra đi cũng chỉ còn là tay trắng mà thôi!


Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính
(Bài viết tác giả được gởi về BBT Website GPVL)

167    08-02-2024