Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chân phước Titus Brandsma là ai?

titus11
Titus Brandsma trong vai trò hiệu trưởng trường Đại học Công giáo Nijmegen năm 1932.
Public domain.

Buổi lễ tuyên thánh đầu tiên trong hơn hai năm rưỡi sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 5. Trong số 10 ứng viên sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tôn phong lên hàng hiển thánh hôm đó có Chân phước Titus Brandsma.

Nhiều người Công giáo đã quen thuộc với chân dung của Brandsma: đôi mắt màu nhạt, kiên định, đôi tai nổi bật và mái tóc bồng bềnh. Nhưng người đàn ông đằng sau cặp kính gọng thép này là ai?

Hai ơn gọi của Titus Brandsma

Titus Brandsma sinh ra ở Hà Lan, một quốc gia giáp với Bỉ và Đức, vào ngày 23 tháng 2 năm 1881. Cha mẹ anh đã đặt cho anh cái tên là Anno Sjoerd Brandsma và anh lớn lên ở vùng nông thôn Oegeklooster thuộc tỉnh Friesland. Gia đình anh sống dựa vào số tiền thu được từ sữa và pho mát do đàn bò sữa của họ đem lại.

Brandsma đã cảm thấy có ơn gọi đối với đời sống tu trì nên đã gia nhập đan viện Cát Minh ở Boxmeer, phía đông nam Hà Lan, vào năm 1898, và lấy tên cha mình là Titus làm tên dòng cho mình.

Mặc dù các tu sĩ Cát Minh vốn nổi tiếng là người tách mình ra khỏi các công việc trần thế và gắn bó với đời sống cầu nguyện chiêm niệm, nhưng Brandsma lại cảm thấy được mời gọi đến với một ơn gọi thứ hai – nghề báo chí – một công việc sẽ lôi cuốn vị tu sĩ này vào tấn bi kịch của cuộc chiến tranh giữa các quốc gia ở Châu Âu.

Trong những năm tháng sau này, Brandsma sẽ kết hợp thành công hai ơn gọi dường như tương phản nhau này.

titus2
 Chân phước Titus Brandsma, O.Carm. Public Domain.

Một khách du hành mạnh rượu whisky

Brandsma được thụ phong linh mục vào ngày 17 tháng 6 năm 1905. Sau khi học ở Rôma, Cha trở về quê nhà để làm việc trong lĩnh vực giáo dục Công giáo.

Khi Đại học Công giáo Nijmegen được thành lập vào năm 1923, Cha Brandsma đã trở thành giảng viên và sau đó trở thành hiệu trưởng của trường này vào năm 1932.

Với lo ngại về một cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang gia tăng ở châu Âu, Cha Brandsma đã được bề trên của mình ở Rôma yêu cầu thực hiện một chuyến thuyết trình cho các trụ sở của Dòng Cát Minh tại Hoa Kỳ vào năm 1935.

Để nâng cao trình độ tiếng Anh của mình, Cha đã viếng thăm Ireland, rồi ở lại với các cộng đoàn Cát Minh tại Dublin và thị trấn ven biển Kinsale thơ mộng.

Trong chuyến đi, Cha đã gặp Éamon de Valera, người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ của Nhà nước Tự do Ireland. Các tu sĩ Dòng Cát Minh ở Ireland được cho là rất ấn tượng bởi khả năng uống rượu whisky mà không bị ảnh hưởng gì của Cha Brandsma.

Không lâu trước khi vượt Đại Tây Dương, Cha Brandsma đã được Đức Hồng y Johannes de Jong của Utrecht bổ nhiệm làm cố vấn thiêng liêng cho đôi ngũ nhân viên của hơn 30 tờ báo Công giáo ở Hà Lan.

Khi đến Hoa Kỳ, Cha Brandsma đã đi du lịch ở phía Đông và vùng Trung Tây.

Cha Brandsma đã kinh ngạc đến mức thán phục trước thác Niagara, trong quyển nhật ký của mình, Cha viết: “Tôi nhìn thấy Thiên Chúa trong công trình từ tay Người và những dấu ấn tình yêu của Người trong mọi tạo vật hữu hình. Tôi đã đột nhiên thấy trào dâng một vui tột độ, một niềm vui vượt trên tất cả những niềm vui khác.”

titus3
 Đức Hồng y Johannes de Jong của Utrecht.
Ben Merk / Anefo via Wikimedia (CC0).

Một nhiệm vụ nguy hiểm

Trong suốt những năm 1930, Cha Brandsma đã chứng kiến nỗi kinh hoàng khi Adolf Hitler tăng cường sự kìm kẹp của mình với các nước láng giềng với Đức. Vị tu sĩ này đã chỉ trích gay gắt các chính sách của Đức Quốc xã trong các bài báo và bài thuyết trình của mình. Cha nói: “Phong trào của Đức Quốc xã là một sự dối trá đen tối. Đó là ngoại giáo.”

Sau khi Đức Quốc xã xâm lược Hà Lan vào ngày 10 tháng 5 năm 1940, giới cầm quyền đã áp đặt những hạn chế khắt khe đối với Giáo Hội. Họ ra lệnh cho các trường Công giáo trục xuất học sinh người Do Thái, cấm các linh mục và tu sĩ làm hiệu trưởng trường trung học, hạn chế các khoản quyên góp từ thiện, và kiểm duyệt báo chí Công giáo. Các giám mục Hà Lan đã yêu cầu Cha Brandsma trình bày đường hướng của các ngài, nhưng không thành công.

Năm 1941, các giám mục này đã mạnh dạn lên tiếng chống lại Đức Quốc xã. Những sự can thiệp của các ngài đã chọc giận Arthur Seyss-Inquart, ủy viên của Đức Quốc xã đang chiếm đóng tại Hà Lan, người đã tìm cách để trả đũa.

Khi các tờ báo Hà Lan được ra lệnh phải đảm nhận các lời quảng bá và thông cáo báo chí từ các giới cầm quyền của Đức Quốc xã, thì Đức Tổng Giám mục Utrecht đã yêu cầu Cha Brandsma nói với các biên tập viên Công giáo trên cả nước rằng rằng họ nên từ chối mệnh lệnh đó.

Theo một trình thuật trong cuốn sách năm 1983 với tựa đề “No Strangers to Violence, No Strangers to Love” (tạm dịch là: “Không lạ gì với bạo lực, không lạ gì với yêu thương”) của Cha Boniface Hanley, O.F.M., Đức Tổng Giám mục de Jong đã nhấn mạnh rằng nhiệm vụ lần này của Cha Brandsma vốn nguy hiểm vì Dòng Cát Minh không có bổn phận phải đảm nhận mệnh lệnh đó từ Đức Quốc xã. “Cha Titus đã hiểu chính xác những gì tôi nói, và Cha ấy thoải mái và sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ này,” de Jong nhớ lại.

Cha Brandsma đã đi khắp Hà Lan để gửi thư cho các biên tập viên để giải thích về lý do căn bản cho quyết định trên của các giám mục. Cha đã bị bọn mật vụ Gestapo, cảnh sát chính trị của Đức Quốc xã, theo dõi.

titus4
 Một bức tượng của Cha Titus Brandsma ở Nijmegen, Hà Lan.
Havang (nl) via Wikimedia (CC0 1.0).

Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ hiến mạng sống mình

Cha Brandsma đã xoay sở để tìm cách đến gặp 14 biên tập viên trước khi Cha bị bắt vào ngày 19 tháng 01 năm 1942, tại đan viện ở Boxmeer. Khi bọn mật vụ Gestapo chuẩn bị đem Cha đi, Cha đã quỳ gối trước vị bề trên của mình và lãnh nhận phép lành.

“Hãy tưởng tượng tôi sẽ vào tù ở tuổi 60,” Cha Brandsma nói với người đang bắt giữ mình.

Vị tu sĩ Dòng Cát Minh này đã bị đem đến một nhà tù ở thị trấn ven biển Scheveningen, nơi viên sĩ quan chịu trách nhiệm thẩm vấn đã yêu cầu Cha Brandsma cho biết lý do tại sao Cha lại không tuân thủ các quy định của nhà nước.

Theo Cha Hanley, Cha Brandsma đã đáp lại rằng: “Là một người Công giáo, tôi không thể làm gì khác hơn.”

Sau đó, viên sĩ quan bấy giờ là Đại úy Paul Hardegen  đã yêu cầu Cha Brandsma trình bày bằng văn bản lý do tại sao đồng hương của Cha lại khinh miệt đảng Quốc xã Hà Lan.

Vị tu sĩ viết đã viết rằng: “Người Hà Lan vốn có lòng hy sinh lớn lao vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và có một đức tin vững vàng vào Thiên Chúa bất cứ khi nào họ phải chứng minh lòng trung thành với tôn giáo của mình… Nếu cần thiết, chúng tôi, những người Hà Lan, sẽ hiến mạng sống mình vì tôn giáo của chúng tôi.”

“Phong trào của Đức Quốc xã bị người dân Hà Lan đánh giá không chỉ là một sự xúc phạm đối với Thiên Chúa trong mối tương quan với các tạo vật của Người, mà còn là một sự vi phạm truyền thống vẻ vang của dân tộc Hà Lan.”

Trong phần kết luận, Cha Brandsma đã nói rằng: “Xin Thiên Chúa phù hộ cho đất nước Hà Lan. Xin Thiên Chúa phù hộ cho nước Đức. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho cả hai quốc gia sẽ sớm được sát cánh bên nhau trong hòa bình và hòa hợp hoàn toàn.”

titus5
 Cổng trại tập trung Dachau. Gate Dachau via Wikimedia (CC0).

Dấu Thánh Giá

Vị tu sĩ Hà Lan này là người luôn có tính tổ chức cách tỉ mỉ. Cha quyết tâm không để lãng phí một giây phút nào trong nhà tù. Cha đã tuân theo một thời gian biểu chặt chẽ bao gồm cả việc “đi bộ” quanh phòng giam trong khi hút tẩu thuốc mình (cho đến khi nó bị tịch thu.) Cha đã đào sâu một cuốn tiểu sử về Thánh nữ Dòng Cát Minh là Têrêsa thành Avila, soạn những bài suy niệm về các Chặng đàng Thánh giá và viết nhiều lá thư.

Vào ngày 12 tháng 3 năm 1942, thói quen này đã bị phá vỡ khi Cha Brandsma bị đem đến một trại trung chuyển ở Amersfoort, miền trung Hà Lan. Cùng với khoảng 100 tù nhân khác, Cha buộc phải đứng ngoài trời trong cơn mưa lạnh thấu xương.

Sau đó, các tù nhân bị dẫn vào bên trong và được lệnh phải thay quần áo. Nhưng khi Cha Brandsma cởi bỏ bộ đồ giáo sĩ màu đen ướt sũng của mình, thì các tù nhân lại bị bắt phải đi ra ngoài, lần này là phải khỏa thân.

Sau đó, vị tu sĩ Dòng Cát Minh này bị đưa vào làm công việc dọn dẹp một khu rừng. Mặc dù lao động mệt mỏi, nhưng Cha Brandsma vẫn luôn vui vẻ, theo những người bạn tù của Cha thì Cha thường chia sẻ khẩu phần ăn ít ỏi của mình với những người đang đói và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các tù nhân Do Thái.

Cha Brandsma vốn không tuân theo lệnh cấm về việc không được thi hành chức vụ linh mục, khi mà Cha đã kín đáo ban phép lành hàng ngày cho các tù nhân qua việc làm Dấu Thánh Giá trên tay họ bằng ngón tay cái của mình. Cha cũng đã lắng nghe hối nhân xưng tội, đến thăm viếng những người đang hấp hối, và thậm chí còn chủ sự các Chặng đàng Thánh giá.

Cha Brandsma đã kiên vững khi phải đối mặt với sự tra vấn nhiều hơn từ bọn mật vụ Gestapo và cuối cùng Cha đã được thông báo rằng Cha sẽ bị đưa đến trại tập trung Dachau ở miền nam nước Đức, nơi này về sau sẽ được gọi là “nghĩa trang linh mục lớn nhất trên thế giới”.

Với tình trạng sức khỏe suy giảm, Cha Brandsma đã dừng chân trên đường đến một nhà tù ở Kleve, vùng Tây Bắc nước Đức, nơi Cha đã kháng cáo để được ân xá nhưng không thành công.

Cha Brandsma đã viết trong chuyến dừng chân của mình rằng: “Ở Dachau, tôi sẽ gặp gỡ bạn bè, và Thiên Chúa là Chúa ở khắp mọi nơi. Tôi có thể ở Dachau trong một thời gian rất dài. Tên gọi của nơi này chẳng có gì hay ho để bạn thực sự mong ngóng về nó.”

titus6
 Tẩu và bao đựng thuốc lá của Cha Titus Brandsma.
23 dingen voor musea via Wikimedia (CC BY-SA 2.0).

“Tôi đã có Chúa Giêsu ở với tôi”

Cha Hanley viết: “Ngay từ khi Cha Titus vào trại, sự điềm tĩnh và hòa nhã của Cha đã khiến những kẻ bắt giữ Cha phải tức giận. Họ đánh đập Cha không thương tiếc bằng những nắm đấm, dùi cui và tấm ván. Họ đã đá, đấm, và đâm Cha, làm Cha chảy máu và đôi khi khiến Cha gần như bất tỉnh trong đống bùn lầy.”

Trong một lần bị đánh đập, Cha Brandsma đang giữ một Mình Thánh Chúa được cất giấu trong một bao thuốc lá. Cha đã giữ cho Mình Thánh Chúa được an toàn bằng cách kẹp chặt tay mình vào cơ thể khi những cú đánh tuôn xuống như mưa. Khi Cha quay trở lại giường của mình, một tù nhân Dòng Cát Minh khác đã cố gắng an ủi Cha. Cha Brandsma nói: “Cảm ơn Thầy, nhưng đừng thương hại tôi. Tôi đã có Chúa Giêsu ở với tôi trong Bí tích Thánh Thể.”

Cha Brandsma phải chịu những vết thương đau đớn ở chân đến nỗi những người bạn tù của Cha đã phải cõng Cha trở về trại vào cuối ngày làm việc.

Lúc nào cũng vậy, Cha Brandsma luôn giữ lại cho mình điều mà một người bạn tù khác gọi là “lòng cảm đảm vui tươi”. Cha đã khuyên nhủ mọi người hãy kiên nhẫn và xa tránh hận thù. Cha nói với mọi người rằng: “Chúng ta đang ở đây trong một đường hầm tối tăm nhưng chúng ta phải đi tiếp. Cuối cùng, ánh sáng vĩnh cửu sẽ chiếu soi cho chúng ta.”

Trong thời gian lâu nhất có thể, Cha Brandsma đã kháng cự lại việc phải đi đến bệnh xá của trại, vì biết rằng các bác sĩ nơi đó đã thực hiện những thí nghiệm tàn bạo trên bệnh nhân. Nhưng cuối cùng Cha cũng bị đưa đến nơi đó, và vào Chúa nhật, ngày 26 tháng 7 năm 1942, một nữ y tá đã tiêm cho Cha một mũi thuốc độc chết người.

titus7
Chân dung Chân phước Titus Brandsma bên một toa tàu ở Hà Lan.
Busspotter via Wikimedia (CC BY-SA 4.0).

Một nụ cười cho tất cả mọi người

Án tuyên phong chân phước cho Cha Brandsma đã được mở tại Giáo phận Den Bosch của Hà Lan vào năm 1952. Đây là tiến trình đầu tiên dành cho một ứng viên được xem là vị tử đạo dưới thời Đức Quốc xã.

Cha Brandsma đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong phong chân phước vào ngày 03 tháng 11 năm 1985, trong tư cách là một vị tử đạo vì đức tin.

Trong bài giảng của mình, vị Thánh Giáo Hoàng người Ba Lan đã ca ngợi “phong thái luôn lạc quan” của Cha Brandsma.

Ngài nói: “Phong thái này đã đồng hành với Cha ngay cả trong chốn địa ngục của trại Đức Quốc xã. Cho đến cuối cùng, Cha vẫn là nguồn trợ lực và hy vọng cho các tù nhân khác: Cha có một nụ cười dành cho tất cả mọi người, một lời nói đầy sự thấu hiểu, và một cử chỉ đầy tình nhân ái.”

“Chính ‘nữ y tá’ đã tiêm chất độc chết người cho Cha vào ngày 26 tháng 7 năm 1942, sau này cũng đã làm chứng rằng cô luôn ghi nhớ sâu sắc trong ký ức của mình khuôn mặt của vị linh mục ‘đã tỏ lòng trắc ẩn với mình.’”

Nữ y tá, được gọi là “Titia”, đã làm chứng rằng Cha Brandsma đã trao cho cô chuỗi tràng hạt của Cha. Khi cô ấy trả lời rằng cô không thể cầu nguyện và cũng không cần đến nó, thì Cha đã động viên cô hãy đọc thuộc lòng một câu trong phần thứ hai của Kinh Kính Mừng, “Xin hãy cầu cho chúng con là kẻ có tội.”

Cô nhớ lại rằng: “Khi đó tôi bắt đầu cười. Cha ấy nói với tôi rằng, nếu tôi cầu nguyện nhiều, thì tôi sẽ không bị lạc lối.”

titus8
 Cha Michael Driscoll, O. Carm., người đã được chữa lành
nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Titus Brandsma. Florida Catholic Media

Ba mươi sáu năm sau khi Cha Brandsma được tuyên phong chân phước, vào ngày 25 tháng 11 năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công nhận một phép lạ được cho là nhờ vào lời chuyển cầu của vị tu sĩ này.

Một linh mục Công giáo ở Florida đã nói với hãng thông tấn Công giáo CNA vào năm 2018 rằng việc mình được chữa lành cách kỳ diệu khỏi căn bệnh ung thư là nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Brandsma.

Cha Michael Driscoll O. Carm. được chẩn đoán mắc khối u ác tính giai đoạn cuối vào năm 2004. Ngay sau đó, một người nào đó đã mang đến cho Cha một mảnh nhỏ từ bộ đồ đen của Cha Brandsma để vị linh mục người Mỹ này dùng để đặt lên đầu mình mỗi ngày.

Cha Driscoll đã trải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm với việc các bác sĩ đã phải cắt bỏ 84 khối u bạch huyết và một tuyến nước bọt của Cha. Sau đó Cha còn phải trải qua 35 ngày xạ trị.

Các bác sĩ nói rằng việc Cha Driscoll sau đó đã được chữa khỏi căn bệnh ung thư ở giai đoạn 4 này là điều không thể giải thích được về mặt khoa học. Cha Driscoll kể lại rằng vị bác sĩ của Cha đã nói với Cha như sau: “Cha chẳng cần phải quay lại nữa, đừng lãng phí tiền vé máy bay cho việc trở lại đây. Cha đã khỏi bệnh. Tôi không tìm thấy bất kỳ căn bệnh ung thư nào nữa nơi Cha.”

Vào ngày 25 tháng 5 năm 2021, một nhóm các thần học gia đã thừa nhận sự chữa lành này như là một phép lạ. Một nhóm các hồng y và giám mục cũng đã đi đến kết luận tương tự vào ngày 9 tháng 11 năm đó.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn kiến nghị của các vị trên vào ngày 04 tháng 3 năm 2022, và thông báo rằng ngài sẽ tuyên thánh cho Cha Brandsma. Theo dự kiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ chủ sự một thánh lễ tuyên thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 15 tháng 5 – đây sẽ là lần đầu tiên kể từ ngày 13 tháng 10 năm 2019.

Cha Míceál O'Neill, O. Carm., Bề trên Tổng quyền Dòng Cát Minh, cho biết: “Đây là tin tức mà chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu và nó đến như là kết quả của việc Giáo Hội công nhận sự thánh thiện và gương chứng nhân của Cha Titus Brandsma.”

“Không phải là không có ý nghĩa khi chúng ta cử hành dịp lễ này vào thời điểm mà sự thật và tính toàn vẹn đang chịu tổn hại cách nghiêm trọng nơi các cuộc xung đột với quy mô lớn hiện đang đe dọa nền hòa bình thế giới.”

Tác giả: CNA Staff - Nguồn: Catholic New Agency (08/3/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

992    17-03-2022