Sidebar

Chúa Nhật

15.12.2024

Chấp nhận thua thiệt để được hưởng thiên đàng

Thứ Tư trong tuần thứ Tám Mùa Quanh Năm

1 Pr 1:18-25; Tv 147:12-13,14-15,19-20; Mc 10:32-45

CHẤP NHẬN THUA THIỆT ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG NƯỚC THIÊN ĐÀNG

       Danh lợi, địa vị, giàu sang, là mục tiêu cho lòng ham muốn của con người trần thế. Cũng chính là tiền tài danh vọng mà người ta giết hại nhau, người ta đổi trắng thay đen, người ta chà đạp trên đau khổ của người khác vì lợi ích riêng của họ, làm mất sự công bằng, tiêu diệt công lý làm cho nhiều người mất bình an và hạnh phúc.

Ai cũng muốn hơn người khác về những giá trị thế gian, sinh lòng ghen ghét, hận thù, chiến tranh. Tình trạng ấy cũng xảy ra giữa các tông đồ, các môn đệ của Chúa Giêsu. Thấy như vậy Chúa Giêsu liền dạy cho họ bài học làm lớn làm đầu theo tinh thần của Ngài. Họ gọi Ngài là Thầy là Chúa mà Ngài đã sống thế nào đối với họ, đối với mọi người.

            Câu chuyện trong  Tin Mừng hôm nay xảy ra trên đường Chúa Giêsu đi Giêrusalem lần cuối cùng, một cuộc hành trình quyết định số phận và hoàn tất công cuộc cứu độ của Ngài, ở đó Ngài sẽ trải qua đau khổ, tủi nhục và chịu chết thật đau thương. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ tiến về Giêrusalem cách quả cảm và cương quyết vì yêu thương nhân loại: “Này chúng ta lên Giêrusalem”.

Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc tử nạn của Ngài, và tâm sự với họ nỗi niềm đau thương ấy, để tìm nơi họ một sự cảm thông, hiểu biết và chia sẻ, cũng như tận mắt chứng kiến cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh để làm chứng và  chia sẻ số phận ấy khi bị bách hại và tử đạo.

Ta thấy cả ba lần họ tỏ ra không hiểu gì, không chia sẻ được tâm tình và ý định của Thầy, mà chỉ bận tâm theo đuổi những toan tính riêng theo thế gian, tệ hơn nữa trong lần thứ ba này, họ không ở trong mức độ tranh luận mà là cãi cọ, bất hòa ganh tị lẫn nhau. Ông Giacôbê và Ông Gioan con ông Dêbêdê, không ngần ngại xin Chúa cho được ngồi bên tả hữu của Chúa trong vương quốc của Người, hai ông muốn Chúa Giêsu dành cho mình chỗ danh dự cao nhất và được chia sẻ quyền hành của Ngài, ý muốn ấy của Giacôbê và Gioan làm cho các tông đồ khác bực mình, vì chính các ông ấy cũng đang chú ý tìm kiếm danh dự và quyền hành như Giacôbê và Gioan.

Lần này, thêm một lần nữa Chúa Giêsu dạy các tông đồ ý thức theo Chúa không phải để tìm kiếm chức quyền danh vọng, vì sứ mạng của Chúa Giêsu không phải là thiết lập vương quyền trần thế, nhưng là cứu chuộc nhân loại bằng con đường khổ nạn thập giá, nên người theo Chúa cũng phải hi sinh từ bỏ mình, chấp nhận chén đắng thập giá với Chúa Giêsu. Người ích kỷ hẹp hòi, chú ý đến danh dự quyền lợi của mình thì không thể là môn đệ của Chúa Giêsu được.

Nhân dịp này, Chúa Giêsu gọi các ông lại dạy cho các ông cách thức làm lớn theo tinh thần của Chúa, không giống quan điểm của người đời, họ làm lớn là ăn trên ngồi trước, thống trị, áp bức, tìm quyền lợi cho riêng họ. Trong các môn đệ thì khác: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải đầy tớ mọi người”.

Chính Chúa Giêsu khi đến thế gian đã nêu cao gương mẫu khiêm nhường phục vụ, xây dựng nước trời, đem ơn cứu rỗi, sự giải thoát cho mọi người, qui tụ mọi người thành một cộng đoàn huynh đệ và yêu thương, đó là Hội Thánh, là Israel mới. Hai bằng chứng hùng hồn cao độ nhất là Thánh Giá và Thánh Thể, như Chúa Giêsu đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

            Chúng ta tin Chúa và muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi con đường khác với con đường Chúa Giêsu đã đi. Người đứng đầu có trách nhiệm với những người khác phải can đảm, cương quyết trước những tình thế khó khăn, đe dọa, thử thách để khích lệ, bảo vệ tinh thần của người khác. Người làm lớn phải luôn tự hạ, hi sinh phục vụ vì lợi ích của người khác và vì lòng mến Chúa. Tinh thần  của người tín hữu phải khác hẳn tinh thần thế tục, điều ấy cần được biểu lộ qua lời nói, hành vi, cử chỉ và trong cả cuộc sống nữa.

Người kitô hữu chân chính không sống đạo hình thức, vụ lợi, có khi vì của cải sinh ra thù oán, vì danh giá địa vị mà làm những điều trái luật Chúa. Người làm đầu không những cần có sự hiệp nhất với mọi người, không ghanh tị, chia rẽ, mà còn giúp mọi người sống hiệp nhất với nhau, mọi người đều biết nghe lời Chúa, biết nghe giáo huấn của Giáo Hội, biết nghe nhau mới có thể có sự hòa hợp và hiệp nhất với nhau được.

Tâm trạng kinh hoàng của các tông đồ  khi nghe Chúa Giêsu gọi lên Giêrusalem với Chúa để chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu tử nạn và phục sinh, cũng là tâm trạng của chúng ta mỗi khi nghe biết mình phải đương đầu với những sự khó khăn, với những việc cực nhọc, với những thử thách xảy đến. Rút kinh nghiệm của các tông đồ, chúng ta hun đúc cho chúng ta lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu phục sinh, để chúng ta can đảm và sẵn sàng dấn thân trong đời sống phục vụ khi phải đảm nhận các chức vụ trong Hội Thánh.

Chúa Giêsu trong thân phận con người cũng trải qua những gian truân đắng cay của cuộc đời. Thế nhưng, Ngài đã  “lên Giê-ru-sa-lem”, nghĩa là dám đối diện với sự dữ. Ngài không chùn bước. Ngài hiên ngang đi trước để dẫn dắt các môn đệ theo sau. Ngài đã chu toàn thiên ý Chúa Cha khi chọn sống yêu thương và phục vụ như người tôi tớ. Ngài đã chọn sống hiến dâng mạng sống cho người mình yêu được hạnh phúc. Ngài đã sống tôn vinh Chúa Cha để hôm nay Ngài cùng được ân thưởng vinh quang với Cha trên trời.

 Chúa Giêsu dạy cho ta biết chức vụ là để phục vụ chứ không phải là để hưởng thụ và sai khiến (Mc 10, 42-44). Chúa Giêsu không chỉ dạy bằng lý thuyết suông nhưng Người đã dạy bằng chính cuộc sống của Người: Người nhiệt thành giảng dạy dân chúng đến nỗi có những lúc không còn thời gian để nghỉ ngơi. Người làm nhiều phép lạ để chữa lành các bệnh nhân. Người là Chúa, là Thầy nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ (x. Ga 13, 1-14). Và đỉnh cao sự phục vụ của Chúa Giêsu chính là cái chết trên thập giá của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).

Về phần mình, ta đã biết quan tâm tới những nhu cầu của tha nhân hay chỉ biết thu vén cho bản thân ta? Ta đã mau mắn phục vụ tha nhân hay chỉ biết đòi hỏi người khác phục vụ ta? Với việc lãnh nhận bí tích rửa tội, ta được tham dự vào sứ vụ vương đế của Chúa Giêsu, trở nên hàng tư tế vương giả của Thiên Chúa. Vì vậy, ta cũng được mời gọi để phục tùng lẫn nhau và phục vụ người khác theo mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng đã phục vụ bằng chính mạng sống của Người.

Người Kitô luôn phải đối diện trước biết bao khó khăn cuộc đời. Người Kitô hữu phải làm chứng cho Chúa khi dám nói không với tội lỗi, nói không với đam mê bất chính. Người Kitô hữu phải  sống yêu thương phục vụ cho dẫu có nghèo đói, có thua thiệt nhưng được phần thưởng vinh quang thiên đàng.

 

885    27-05-2018