Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Chết trong bóng tối

 

Khả năng diễn tả. Ít có chuyện chúng ta đi tìm nhiều như chuyện này.

Tận đáy cùng tình yêu là một năng lực làm chúng ta day dứt và khôn thỏa, chôn sâu một nhu cầu không sao đáp ứng được là nhu cầu diễn tả, được công nhận, được hiểu, và được người khác nhìn nhận mình là người duy nhất, có tài năng nội tâm phong phú.

Diễn tả được nỗi lòng, được biết, được trải nghiệm con người sâu thẳm của mình: đó là điều thiết yếu đối với cuộc sống và với tình yêu. Một quả tim không được biết đến, một quả tim không được đánh giá đúng trong chiều sâu thẳm của nó, lại không có phương tiện diễn tả đầy đủ thì quả tim đó luôn luôn day dứt và bất mãn. Và đó cũng là quả tim chua cay, ham hố chạy đua với người khác, điều này cũng bình thường. Nhưng không phải dễ để diễn tả đúng những gì mình muốn nói và cũng không thể nào diễn tả được một cách trọn vẹn.

Rốt cuộc thì tất cả chúng ta đều sống trong bóng tối, không được biết đến, bất mãn. Cuộc sống chúng ta luôn luôn thiếu tầm vóc, nó quá nhỏ để thoả mãn mọi nhu cầu và ước mơ của chúng ta. Dù ở đâu, chúng ta cũng sống trong các khu phố bé nhỏ, trừ vài giây phút thỏa mãn ngắn ngủi, phần lớn thì giờ chúng ta sống chờ thời, hy vọng có ngày thoát ra cảnh tối tăm.

Tình trạng bất chí này phát sinh ra một nỗi day dứt và bất mãn to lớn. Ai trong chúng ta cũng muốn trở thành nhà văn nổi tiếng, nữ diễn viên múa tên tuổi, vận động viên được thán phục, là ngôi sao trong ngành điện ảnh, là cô gái trang bìa, học giả trứ danh, tác giả giải Nobel, người tiếng tăm ai ai cũng nhắc đến. Nhưng rốt cùng, mỗi chúng ta chỉ là người không tên tuổi, sống với người không tên tuổi khác, lâu lâu được người nổi tiếng ký ảnh tặng.

Cuộc sống dường như quá nhỏ với chúng ta. Chúng ta cảm nhận mình là những người phi thường sống cuộc sống rất bình thường. Vì cảm nhận sống trong bóng tối nên chúng ta hiếm khi được thỏa mãn, thanh thản và hạnh phúc với cuộc sống của mình.

Lúc nào, trong chúng ta cũng có những điều muốn nói ra, cần được công nhận, cảm thấy có một gia tài quý giá, độc nhất và giàu có đang sống và chết đi trong vô ích.

Quả thật, nếu chỉ nhìn từ cái nhìn của thế giới này thì, đa số những kho tàng độc nhất, quý giá đang sống và chết đi trong vô ích! Chỉ có một số rất ít biểu đạt được một cách có ý nghĩa. Có một hình thức đọa đày nào đó ở đây. Iris Murdoch từng nói: “Nghệ thuật có những đọa đày của nó, bắt đầu bởi những người biết giữ im lặng.” Không làm sao diễn tả được, dù tự nguyện hay do hoàn cảnh, thì cũng coi như chết.

Tuy nhiên, như tất cả mọi cái chết, rút lui về thinh lặng có thể là phục sinh hoặc có thể là kết thúc. Nếu phải chấp nhận như một chuyện không thể tránh được thì nó sẽ dẫn đến tình trạng chua cay, một tinh thần tan vỡ. Nếu được liên kết với huyền nhiệm phục sinh của Đức Ki-tô, nếu xem đây như một cơ hội để đi vào sự sống huyền bí của Đức Ki-tô, nó sẽ làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, mang đến sự thanh thản, an tĩnh, và gạt được tính ganh đua, giận dữ, chua cay ra khỏi đầu chúng ta.

Ngày nay, chúng ta được mời gọi, như những Ki-tô hữu sống trong bóng tối. Tinh thần Ki-tô giáo luôn mời gọi tín hữu chấp nhận chết vì đạo. Không thể làm tông đồ Chúa Ki-tô mà không hy sinh đời sống mình. Nhưng nó mang nhiều hình thức khác nhau.

Đối với Đức Giê-su và các môn đệ của Người thì, như các tín hữu bị bắt bớ hồi đó, chấp nhận chết vì đạo là chấp nhận chết về mặt thể xác. Họ phải từ bỏ những khả thể mà đời này cho họ để trung thành với một khả thể cao xa hơn: tình mật thiết vĩnh viễn với Thiên Chúa và với người khác. Trong hành động chết đi, họ đi vào sự sống huyền bí của Đức Ki-tô.

Hình thức chết vì đạo này vẫn còn được đòi hỏi nơi các Ki-tô hữu ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các vùng châu Mỹ La tinh.

Tuy nhiên ở Bắc Mỹ và Tây Âu, ít nhất là đa số chúng ta, hình thức tử vì đạo được đòi hỏi theo một cách khác. Nền văn hóa chúng ta hành hạ tín hữu một cách khác. Thừa mứa và nhàn nhã nâng tâm thái lên. Chúng hướng chú tâm chúng ta vào thành tựu giữa cá nhân với nhau, vào dục tính, nghệ thuật, thể thao và khoa học. Ngắn gọn, chúng hướng chú tâm vào biểu đạt cá nhân. Trong nền văn hóa chúng ta, biểu đạt cá nhân là tất cả; không có nó, là chết. Nhưng trong cái chết này, chúng ta phải đi vào với một tinh thần phục sinh.

Không phải, trên danh nghĩa Phúc Âm, chúng ta từ bỏ sáng tạo, tài năng khéo léo để thu mình sống bình thản hay khắc kỷ. Nhưng chúng ta nên, trên danh nghĩa Phúc Âm, đi vào sự sống huyền bí của Đức Ki-tô, nơi dòng chảy tình yêu cuốn chúng ta đến một cách biểu đạt có định hướng đúng. Như thế chúng ta đi trên cuộc đời này mà không bị tinh thần cạnh tranh không lành mạnh cuốn hút, không bị chua cay, giận dữ, day dứt vô vọng, bứt rứt chi phối chỉ vì chúng ta bình thường, không tên tuổi.

Chỉ khi nào chúng ta đối diện được với tình trạng sống khổ trong bóng tối, thì lúc đó chúng ta mới bằng lòng với cuộc sống bình thường.

Thomas Merton, sau nhiều năm sống ẩn dật mới viết: “Làm một người bình thường, thế là đủ… Tôi phải tập sống để dần dần quên đi các dự án, các chuyện phù phiếm.”

Đời sống bình thường có thể đủ cho chúng ta, với điều kiện, trước hết đi qua cuộc sống trong bóng tối và sống trong huyền nhiệm của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, đó không phải là chuyện dễ. Trên nhiều phương diện, hy sinh chính đời sống thì dễ hơn là hy sinh các giấc mơ.

Nguyễn Kim An dịch

541    27-03-2019