Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Chia sẻ của Đức Cha Pavlo Honcharuk về sứ vụ an ủi của người mục tử

muctu1
 Đức cha Pavlo Honcharuk,
giám mục của giáo phận Công giáo Latinh Kharkiv-Zaporizhia, Ucraina 

Đức cha Pavlo Honcharuk là giám mục của giáo phận Công giáo Latinh Kharkiv-Zaporizhia, một trong những giáo phận lớn nhất Ucraina, nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc xung đột và phần lớn bị quân đội Nga chiếm đóng. Trước đây ngài đã từng là tuyên úy quân đội và do đó ngài biết rõ những đau khổ do chiến tranh gây ra. Đức cha đã chia sẻ với Vatican News về hoàn cảnh sống của người dân trong những ngày này, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu được an ủi.
 

Svitlana Dukhovic

Nhiều phần trong giáo phận Kharkiv-Zaporizhia của Đức cha Honcharuk đã trở thành tiền tuyến. Đức cha cho biết: “Giáo phận của tôi rất lớn, có diện tích 196 ngàn km² và phần lớn diện tích này đã bị quân đội Nga chiếm đóng”. Một khu vực bao gồm bảy trong số 25 miền của Ucraina ("oblast"). Toà giám mục nằm ở Kharkiv và nhà thờ đồng chính tòa ở Zaporizhia, nơi cư ngụ của Đức giám mục phụ tá Jan Sobilo, hai thành phố then chốt trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 100 ngày. Đức cha giải thích: “Trong những khu vực bị chiếm đóng không có linh mục, trong khi đối với những người ở những khu vực không bị chiếm đóng, sứ vụ quan trọng nhất là ở bên mọi người, giao tiếp và cầu nguyện với họ. Đây là sứ vụ mà họ mong đợi từ Giáo hội.”

Tình hình nhân đạo

Đức cha Honcharuk cho biết, “Ở những khu vực có giao tranh, tình hình nhân đạo rất bi đát, vì rất nguy hiểm khi đi đến đó và mang theo thực phẩm hay thuốc men. Người ta có nguy cơ mất mạng, và do đó rất ít người có thể đến được đó.” Ở những nơi không xa chiến tuyến, cách đó 10 - 20 km thì đỡ hơn một chút, chẳng hạn như ở Kharkiv, nơi gần đây có nhiều người trở về. “Đã có nhiều người trong thành phố nhưng vấn đề là nhiều người đã mất nhà cửa. Nhiều người mất việc làm: một số công ty đã bị phá hủy hoàn toàn, ngay cả những khu chợ, nơi có rất nhiều người làm việc cũng bị thiêu rụi hoặc hư hại. Nhiều người thậm chí không có tiền để mua bánh mì, họ cần quần áo, giày dép, thức ăn, thuốc men và nơi ở, họ cũng cần sự cảm thông và hỗ trợ. Do đó, có rất nhiều nhu cầu.”

Để giúp đỡ những người này, có nhiều tổ chức nhân đạo khác nhau và cả Giáo hội. Giáo phận Kharkiv-Zaporizhia đang làm điều này nhờ vào sự trợ giúp đến từ Ba Lan và từ các giáo xứ ở miền tây Ucraina. Thông qua Caritas của giáo phận, thực phẩm, thuốc men và nhiều thứ khác được phân phát. Nhiều tình nguyện viên đến để giúp đỡ và mang đồ đạc đến cho những người có nhu cầu ngay cả ở những ngôi làng lân cận. Cảnh sát địa phương cũng tham gia: các nhân viên nhận viện trợ từ Caritas và đưa nó trực tiếp đến nhà của những người gặp nhiều khó khăn hơn.

Quen thuộc đối phó với chiến tranh

Năm nay 44 tuổi, Đức cha Pavlo Honcharuk là một trong những giám mục Công giáo trẻ nhất thế giới. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Kharkiv-Zaporizhia vào tháng 1/2020, và hai năm sau khi ngài được phong chức, cuộc chiến trên diện rộng bắt đầu ở Ucraina. Trong số các hoạt động của ngài, trước khi trở thành giám mục, có cả chức vụ tuyên úy quân đội. Ngài nhấn mạnh: “Kinh nghiệm đó chắc chắn giúp ích cho tôi bây giờ bởi vì khi các cuộc giao tranh, các vụ nổ và mọi thứ khác bắt đầu, cú sốc không đủ mạnh để làm tôi hoang mang. Tôi có thể thực hiện các việc dấn thân của mình một cách bình thường, đưa ra quyết định và phục vụ mọi người, vì vậy tôi không cần quá trình thích nghi với hoàn cảnh mới, nơi có mối đe dọa, có vụ nổ, nơi cái chết đang ở rất gần. Tôi đã từng trải qua tất cả những điều này trước đây với tư cách là một tuyên úy.” Kinh nghiệm tương tự cũng dạy cho vị giám mục giao tiếp với các quân lính đang hiện diện rất nhiều ở vùng Kharkiv. “Có rất nhiều người ở đây đang trải qua căng thẳng và với tư cách là một tuyên úy, tôi đã học được cách giúp họ: chú ý điều gì, nói gì, khi nào nên nói với họ điều gì đó mạnh mẽ hơn và khi nào thì chỉ cần một vòng tay ôm họ... Tôi đã học được những gì tôi phải làm và trên hết, những gì không nên làm, bởi vì bạn có thể giúp đỡ rất nhiều bằng cách tránh làm những điều sai trái. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Thiên Chúa, trong sự Quan phòng của Người, bằng cách nào đó đã chuẩn bị cho tôi điều này.”

Đối mặt với những câu hỏi khó

Đối mặt với quá nhiều đau khổ và đau đớn, nhiều câu hỏi nảy sinh trong chiến tranh, nhiều câu hỏi trong số đó cũng được đặt ra với Chúa. Đức cha Honcharuk tâm sự: “Từ kinh nghiệm trò chuyện của tôi với mọi người, tôi có thể nói rằng, khi một người tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa và có một mối tương quan với Người, thì sẽ không đặt ra những câu hỏi như ‘Tại sao? Đó là lỗi của ai? Chúng ta có phải là những người có tội nặng như vậy không? Có những tội nhân khác nữa ... Chúa ở đâu? Người đang nhìn đi đâu vậy?’ Những ai có đức tin đều hiểu nguyên nhân là do đâu: đó là tội lỗi, và thông qua tội lỗi, con người cho phép sức mạnh của bóng tối xâm nhập vào nó. Khi chúng ta làm điều ác, chúng ta để cho ma quỷ đến cướp đi sự sống của chúng ta. Đức tin nơi Thiên Chúa cung cấp một nền tảng vững chắc giúp bạn chịu đựng gánh nặng của sự bất công và tồn tại không chỉ trong chiến tranh mà còn trong cuộc sống nói chung. Và những gì chúng ta có thể chứng kiến ​​ở đây cùng với các linh mục, đó là niềm tin vào Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa, nơi rất, rất cần thiết, mang lại sức mạnh để chống lại bất kỳ biến cố nào. Bởi vì chúng ta không thể giải thích tất cả mọi thứ và ngay cả lời giải thích cũng không giảm bớt gánh nặng. Nhưng khi Thiên Chúa củng cố lòng tôi, thì gánh nặng này tôi có thể chịu được.”

Đức cha cho biết thỉnh thoảng vẫn có người đến với ngài với những câu hỏi đó. Trong những trường hợp này, ngài chia sẻ, cần có sự lắng nghe và lòng trắc ẩn. Có lẽ ai đó đã mất đi một người thân yêu, một ai đó đã từng chứng kiến ​​hoặc trải qua những điều khủng khiếp ... Đức cha nói: “Đôi khi bạn chỉ cần ôm người này, để họ khóc, để cho họ bày tỏ, vì còn quá nhiều đau đớn. Và tôi nói với họ những điều này: ‘Chúa ở bên cạnh bạn, bây giờ bạn có thể hướng về Người, Người sẽ ôm lấy bạn, Người sẽ ban cho bạn sức mạnh...’ Và ở đây đôi khi có phép lạ xảy ra: người đó bắt đầu khóc và sau đó nói: ‘Cảm ơn cha, con cảm thấy tốt hơn’. Do đó, trong những tình huống này, rất khó để tìm kiếm những lời giải thích thần học, v.v., bởi vì nỗi đau rất lớn. Nhưng Chúa ở rất gần và ôm lấy chúng ta, chỉ cần chúng ta đọc và nhận ra sự hiện diện này của Chúa.”

Nỗi sợ hãi và ý chí sống

Trả lời cho câu hỏi “Đức cha có sợ không?”, vị giám mục trẻ của Kharkiv-Zaporizhia trả lời: “Tất nhiên là có. Có sự sợ hãi, có nhiều nguy hiểm, nhưng có nhận thức đầy đủ về sứ mạng, trách nhiệm và nhiệm vụ. Chúng tôi ở lại đây và tiếp tục làm việc và phục vụ. Ngay cả quân đội cũng sợ, nhưng họ phải phòng thủ.” Đức cha nói rằng mọi người đều muốn sống, bất kể họ lớn tuổi hay trẻ hơn. Mọi người đều đang trải qua cùng một mối đe dọa, trải qua cùng một đau khổ, mỗi người theo cách riêng của họ, mỗi người có một mức độ phản kháng tâm lý khác nhau.

Thiên Chúa đang ở gần và toàn thể Giáo Hội đang cầu nguyện

Ngày 31/5/2022, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, cũng có sự tham dự của cộng đồng người Ucraina tại Roma. Lời cầu nguyện này, cũng như những cử chỉ và lời nói mà Đức Thánh Cha thể hiện sự gần gũi với những người đau khổ, được cả người Công giáo và toàn thể người dân Ucraina hưởng ứng.

Đức cha Pavlo Honcharuk nói: “Lời cầu nguyện của Giáo Hội hoàn vũ là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu Kitô. Qua lời cầu nguyện, chúng ta đến gần Chúa hơn và Chúa đến gần chúng ta hơn, tức là chúng ta đắm chìm trong Chúa hơn, và trong Người là tất cả những gì chúng ta cần. Do đó, ý thức về sự kiện mà toàn thể Giáo hội cầu nguyện mời gọi chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang tham dự vào một điều gì đó rất vĩ đại, nghĩa là vào sự phong phú được chứa đựng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Người ở đây, chúng ta không cô đơn, Người ở gần và toàn thể Giáo Hội đang cầu nguyện. Đây là sự hiệp nhất. Tôi rất khó tìm từ ngữ thích hợp để diễn đạt điều này, nhưng sự hỗ trợ này làm tăng thêm đức tin để Thiên Chúa ban ân sủng mang lại sức mạnh, bình an, sự can đảm mạnh mẽ nội tâm. Ý nghĩa của lời cầu nguyện phổ quát này của Giáo Hội vô cùng sâu sắc.”

Nguồn: Vatican News (09/6/2022)

472    10-06-2022