Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Chia sẻ của Đức TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt về Đức cha cố Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ - 1

 

 
Tháng 10 năm 2000, tôi đi dự cuộc hành hương Năm Thánh dành cho các Giám mục tại Rôma. Hơn một ngàn giám mục tham dự. Phòng mặc áo chính là đền thờ thánh Phêrô. Để khỏi đi lạc, các đức cha Việt nam luôn đi cùng nhau. Còn đang mặc áo thì thấy một vị cao lớn tươi cười tiến đến chào thăm. Nụ cười quá quen thuộc nên ngay từ xa chúng tôi đã nhận ra Đức Hồng Y Roger Etchegaray. Thì ra ngài nhận thấy đoàn Việt nam nên vội vã đến chào. Tay bắt mặt mừng. Truyện tuôn như suối. Những kỷ niệm về Việt Nam còn đầy ắp trong trí nhớ vị Hồng y dễ mến. Ngài không bao giờ quên được chuyến viếng thăm Việt nam mà ngài gọi là một Lễ Hiện Xuống Mới.

Khi biết tôi từ Lạng sơn đến, ngài nhắc ngay đến Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm văn Dụ : “Tôi luôn nhớ ngài, vị giám mục chưa bao giờ đội mũ mitra, chưa bao giờ cầm gậy giám mục. Cho đến khi đồng tế với tôi tại Nhà thờ Chính tòa Hà nội, ngài mới đội mũ mitra lần đầu tiên”.

 

VinhsonPhaoloPhamVanDu-04.jpg


Tôi thật ngạc nhiên về trí nhớ của ngài. Nhưng tôi cũng hiểu ngài nhớ như in hình ảnh Đức cha Vinhsơn Phaolô vì ngài yêu mến Việt nam. Tất cả những gì về Việt nam đối với ngài đều thân thương và dễ nhớ. Nhưng cũng vì Đức cha Vinhsơn Phaolô là một vị giám mục rất đặc biệt nên đã để lại trong trí nhớ của ngài một hình ảnh không khi nào mờ phai được. Điều đó làm tôi nghĩ đến sự hiện diện, một cung cách trong truyền giáo.

ĐỨC CHA VINHSƠN PHAOLÔ PHẠM VĂN DỤ

Quả thật Đức cha Vinh sơn Phaolô Phạm văn Dụ là một vị giám mục làm việc chỉ bằng sự hiện diện. 

Hiện diện trong âm thầm. Có thể nói Đức Cha Vinh sơn Phaolô là vị giám mục âm thầm nhất. 

Âm thầm trong nơi cư trú

Ngài được thuyên chuyển về làm cha xứ Thất khê vào năm 1959. Năm ấy các linh mục giáo phận đã di cư vào Nam gần hết. Chỉ còn 4 vị là các cha Dụ, cha Thu, cha Đức và cha Khái. Thất khê là một xứ xa xôi, biệt lập, cách Lạng sơn gần 70 cây số và cách Cao bằng cũng ngần ấy. Vì thế cần có một vị mục tử hiện diện thường xuyên để chăm sóc đoàn chiên xa xôi này. Nơi xa xôi khó khăn cần có người can đảm tài đức. Cha Thu đã yên vị một mình đảm trách cả tỉnh Cao bằng. Tại Lạng sơn còn 3 cha. Cha Đức và cha Khái đã lớn tuổi và sức khỏe cũng kém. Nên cha Vinhsơn Phaolô người còn trẻ và khỏe mạnh nhanh nhẹn lại đạo đức hăng hái, đã được tuyển chọn để chăm sóc cho đoàn chiên tại nơi hẻo lánh này. Bấy giờ đường xá hiểm trở, giao thông khó khăn và ít phương tiện, nên rất ít người lui tới và ngài cũng không đi đâu. Thi thoảng có những người dưới xuôi đi lên rừng làm thợ cưa xẻ đến vào những dịp lễ trọng. Nhưng gặp gỡ kín đáo mau chóng rồi rút lui. Ngoài đường cả ngày chẳng thấy xe nào qua lại. Thường người ta hay đi bộ. Có những người đi bộ từ Cao bằng về Lạng sơn, sau một ngày đi bộ, tối về có thể kể cho bạn bè biết hôm nay đã gặp mấy chiếc xe và có thể tả chính xác hình dáng đặc điểm của từng chiếc xe. Thị trấn chìm giữa núi rừng âm thầm lặng lẽ. Cuộc đời vị mục tử hòa vào núi rừng quạnh quẽ. Như thân cây mọc chênh vênh bên sườn núi đá vẫn bám rễ chắc vào số đất ít ỏi giữa những khe đá, người mục tử sống giữa cảnh núi rừng hoang vu vẫn bám rễ sâu trong Chúa, trong đức tin son sắt, trong đức cậy vững vàng và trong đức mến nồng nàn. Năm 1992 ngài mới về tòa giám mục Lạng sơn. Từ năm 1959 đến năm 1992, ba mươi ba năm âm thầm trong rừng sâu núi thẳm. Ba mươi ba năm kiên trì giữ vững đức tin cho bản thân và cho đoàn chiên.

Âm thầm trong chức vụ

Sau khi về Thất khê được một năm, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục. Không được công nhận, nên không thể được tấn phong. Bấy giờ Đức Cha Felix Maurice Hedde, vị thừa sai cuối cùng còn ở lại miền Bắc đã qua đời vào tháng 05 năm 1960. Đức Cha Hedde là vị mục tử sống chết với đoàn chiên theo đúng nghĩa đen. Vào năm 1954, khi phong trào di cư rộ lên, ngài đã nói với giáo dân: “Đi theo người Pháp thì có ích lợi gì đâu”. Ngài cũng kêu gọi các linh mục tu sĩ ở lại giáo phận, trừ những vị có những lý do rất quan trọng. Chính bản thân ngài, khi bị trục xuất vào năm 1959, cũng cương quyết ở lại với lý do bệnh nặng. Ngài qua đời trong cô đơn, chung quanh không có một ai tâm sự. Trong cơn nguy tử, ngài cứ lẩm bẩm : “Je suis seul” (Tôi cô đơn quá). 

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn, bấy giờ là cha xứ Nhà thờ Chính tòa Hà nội, khi nghe tin ngài qua đời, đại diện Tổng giáo phận Hà nội lên dự lễ an táng. Nhưng khi lên đến nơi, thì đã an táng xong xuôi rồi. Không còn giám mục, Đức Cha Phạm văn Dụ lại không được đi khỏi phạm vi 5 km của thị trấn Thất khê, nên không thể được tấn phong. Cùng được bổ nhiệm với ngài, có các Đức Cha Đinh đức Trụ, giáo phận Thái bình, Đức cha Phạm năng Tĩnh, giáo phận Bùi chu. Tất cả đều không được công nhận. Đức Cha Đinh đức Trụ đã giả dạng làm phu xích lô, đạp xích lô lên Hà nội để được Đức Cha Giuse Maria Trịnh như Khuê làm lễ tấn phong. Khi về, ngài hẹn với Đức Cha Giuse Maria Phạm năng Tĩnh đến một nơi kín đáo và tấn phong cho Đức Cha Bùi chu. Khi nghe tin ấy, Đức Cha Phạm văn Dụ than thở : “Đi đâu mà không báo tin cho biết để cùng đi”. Từ ấy, ngài vẫn sống như một cha xứ bình thường. Không ai được gọi ngài là “Đức cha”. Ngài không có áo viền tím, không có mũ gậy. Hoàn toàn như một cha xứ nhà quê âm thầm. 

Năm 1979, khi Trung quốc tấn công biên giới Lạng sơn, mọi người phải di tản. Đức Cha Phạm văn Dụ cũng theo đoàn người di tản về Bắc ninh, tại đây ngài được Đức Cha Phaolô Phạm đình Tụng, bấy giờ làm giám mục Bắc ninh, tấn phong giám mục. Lễ nghi hết sức âm thầm và đơn sơ diễn ra trong căn phòng nhỏ hẹp của Tòa giám mục Bắc ninh. Hết chiến tranh trở về, ngài vẫn chưa được công nhận. Mãi đến khi Đức Hồng Y Roger Etchegaray đến thăm Việt nam vào năm 1989, ngài mới được cứu xét và công nhận. Và dịp Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn qua đời, Đức Cha Dụ mới lần đầu tiên được mặc phẩm phục giám mục, có mũ mitra, đồng tế với Đức Hồng Y Etchegaray. Ba mươi năm ẩn dật âm thầm, ngài giống như Chúa Giêsu, người thợ mộc thành Nazareth. Ba mươi năm ẩn dật âm thầm, ngài có lẽ là một trong các vị giám mục âm thầm nhất thế giới.

Âm thầm trong họat động

Suốt ba mươi ba năm ở Thất khê, ngài sống như một cha xứ nhà quê. Họat động giới hạn trong một giáo xứ, tuy là một giáo xứ tương đối đông đúc và sống động của giáo phận nhỏ bé xa xôi, nhưng cũng chỉ là một giáo xứ. Nhất là trong những năm tháng khó khăn chẳng có nhiều họat động. Không thể tổ chức các lớp giáo lý, ngài dậy giáo lý ngay trong nhà thờ. Mỗi buổi chiều trước giờ kinh, ngài dậy giáo lý cho tất cả mọi người trong nhà thờ. Từ trên phía cung thánh xuống dưới cuối nhà thờ, rồi lại từ dưới cuối nhà thờ đi lên phía cung thánh, ngài vừa đi đi lại lại vừa giảng giáo lý. Giọng sang sảng chẳng cần và cũng chẳng có micro, ngài giảng say sưa và xác tín khiến giáo dân chăm chú lắng nghe và rất thích những giờ giáo lý này. Ngoài giáo lý thông thường, còn có giáo lý hôn nhân. Những đôi hôn phối khác đạo từ khắp các xứ trong giáo phận đều tuốn đến Thất khê để xin phép chuẩn hôn phối. Họ thường ở lại vài ngày để được nghe giáo lý và được chính ngài ban phép chuẩn hôn phối khác đạo. Ngoài những việc đạo đức ít ỏi trong nhà thờ, ngài dành thì giờ đọc sách và lao động. Ngài cùng với giáo dân đi vào rừng kiếm củi. Có những giai đọan ngài tự mình xách nước, nấu cơm. Cuộc sống âm thầm như một người dân trong rừng sâu núi thẳm.

Âm thầm trong quên lãng

Chắc chắn đó là cảm tưởng của riêng ngài khi phải sống cách ly trong một thời gian dài. Không có liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Dĩ nhiên có nhiều người nhớ đến ngài, nhưng không có cách nào liên lạc. Ngài không thể biết tình cảm của những người thân yêu dành cho mình, cũng không có thông tin từ những người anh em trong Giáo hội. Chắc chắn ngài tha thiết nhớ những người thân yêu trong gia đình và mong ước được gặp gỡ chia sẻ với những anh em trong chức vị giám mục và linh mục. Mong ước ấy cứ lớn mãi với thời gian nhưng ngày càng trở nên vô vọng. Vì thế ngài càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Có lẽ khi ngắm những đồi núi hùng vĩ và rừng xanh bạt ngàn, ngài càng cảm thấy mình nhỏ bé, lạc lõng và bị mất hút trong núi sâu rừng thẳm. Có lẽ ngài cảm thấy mình dần bị chôn vùi đi trong góc trời cô quạnh chẳng còn ai nhớ đến. Và chẳng còn bám víu vào ai khác ngoài Thiên Chúa, Đấng ngài hằng yêu mến tôn thờ và tuyệt đối tin tưởng.

Hiện diện trong đau khổ.   

Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm văn Dụ không chỉ hiện diện trong âm thầm mà còn chịu nhiều đau khổ. Những đau khổ không thể nói cùng ai. Những đau khổ cũng âm thầm như cuộc đời của ngài. Nó dai dẳng gặm nhấm suốt cuộc đời. Ta có thể kể ra vài loại đau khổ mà ngài phải gánh chịu.

Đau khổ do thời thế

Miền đất biên giới luôn luôn là miền đất chịu nhiều biến động. Nếu Lạng sơn trong những năm sau thế chiến thứ hai đã trải qua nhiều biến động, Đức cha Vinhsơn Phaolô không chỉ là người chứng kiến, nhưng còn đồng số phận, đồng cam cộng khổ với mọi người. Năm 1945, khi chiếm đóng Lạng sơn, quân đội Nhật đã thẳng tay trừng trị những người có liên hệ với Pháp, trong số đó có các giáo sĩ. Làm sao tránh liên lạc với Pháp được, khi các bề trên trong giáo phận là người Pháp và nhất là khi phải phục vụ cho những lính Pháp công giáo cần lãnh bí tích. Vì tội này, Cha Cố Giuse Vũ văn Toàn đã phải ngồi trong nhà tù của quân đội Nhật, bị họ dùng điện tra khảo nên sau này ngài mang bệnh hen suốt đời. Các giáo sĩ khác tuy không phải ngồi tù, nhưng chắc chắn bị theo dõi kỹ lưỡng và bị đối xử một cách khắc nghiệt. 

Rồi kháng chiến bùng lên, cách mạng nơi vùng Việt Bắc là ngọn cờ đầu. Đang trong khí thế hừng hực của cách mạng, quân đội Pháp trở lại càng làm cho người dân thêm nghi ngờ các giáo sĩ người Pháp và giới  Công giáo hay tiếp xúc với người Pháp. Trong hoàn cảnh đó, giáo sĩ sống không thoải mái. Đã có những giáo sĩ, tu sĩ thiệt mạng trong thời kỳ này. Rồi đến chiến dịch Đông Khê, những trận chiến ác liệt diễn ra ngay trên đất Lạng sơn. Đèo Bông Lau vẫn còn loang máu chiến trận. Nằm ngay dưới chân đèo Bông Lau, Thất Khê làm sao tránh được ảnh hưởng. Và sau cùng là cuộc chiến biên giới. Đức Cha Vinhsơn Phaolô phải trốn chạy âm thầm, không dám đi với những người tị nạn, nhưng phải luồn lách trong núi rừng để về đến được Bắc ninh.

Đau khổ do trách nhiệm

Sau khi một số linh mục tu sĩ di cư vào miền Nam, số còn lại chết dần mòn. Và một số lớn xứ đạo tại Lạng sơn – Cao bằng không còn mục tử chăm sóc. Đoàn chiên bơ vơ vất vưởng. Là một mục tử thương yêu đoàn chiên, nhưng Đức cha Vinhsơn Phaolô đành đứng nhìn đoàn chiên bơ vơ đói khát lương thực thiêng liêng. Chứng kiến cảnh đoàn chiên bơ vơ đói khát làm cho người mục tử đau lòng. Còn đau lòng hơn nữa khi người mục tử có mặt mà đành bó tay, không thể làm gì cho đoàn chiên. Như người mẹ đang có dư thừa thức ăn nhưng đau lòng nhìn đứa con đói khát khóc ngằn ngặt mà không có cách nào chuyển thức ăn cho con được. Có lần ngài đã đi đến thăm hai xứ Bó Tờ và Tà lùng. Nhưng qua khỏi cầu Phục hòa thì có chốt chặn. Vùng biên giới mới trải qua chiến tranh, chưa yên ổn nên không được vào. Ngài cứ kiên nhẫn ngồi trên xe chờ đợi. Trong kia giáo dân đang khao khát vì nhiều năm chưa thấy bóng dáng mục tử. Ngoài này vị mục tử đau lòng không thể vượt qua hàng rào cách ngăn. Sau nửa ngày chờ đợi không có kết quả, ngài đành buồn bã ra về. Lòng quặn đau khi nghĩ đến các con chiên nơi vùng xa xôi hẻo lánh chịu nhiều thiệt thòi. 

Nhìn các xứ đạo dần tàn lụi đi vì thiếu linh mục, Đức Cha càng đau đớn hơn, vì bản thân là giám mục, nhưng ngài không thể phong chức cho một linh mục nào. Chắc chắn ngài phải rất tự chế, dâng những đau khổ, tha thiết cầu nguyện cho giáo phận mà ngài có trách nhiệm. Không thể thi hành nhiệm vụ, xin Chúa bù đắp và chăm sóc địa phận của Chúa.

1016    03-09-2018