Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Chiến đấu để yêu thương

 

Triết gia Jacques Maritain xuất bản tập nhật ký của vợ sau khi vợ chết. Trong lời nói đầu quyển nhật ký Raissa’s Journal, ông nói về cái chết do tai biến mạch máu não của bà, ông viết như sau:

“Tuy nhiên còn một chuyện khác không dễ dàng diễn tả nhưng tôi rất muốn thêm vào. Đó là cách Chúa hành động. Đến thời điểm khi mọi sự như sụp đổ đối với chúng tôi, sau bốn tháng hấp hối, Raissa bị chôn chặt trong bốn bức tường vì bỗng nhiên bà không nói được. Trong mấy tùân lễ liền, dù cố gắng hết sức, với tất cả quyết tâm, hết sức hết trí hết lòng, mọi khả năng nói chuyện không trở lại với bà. Và bỗng nhiên, sau khi tái phát, bà khó nhọc nói được vài tiếng. Trong một trận chiến tối hậu bà phải đương đầu, không một ai trên trần thế này có thể giúp bà, tôi cũng không làm gì được. Bà giữ được bình an tâm hồn, tinh thần sáng suốt, óc hài hước, lo lắng cho bạn bè, sợ là gánh nặng cho người khác, và nụ cười tuyệt vời (nụ cười tôi không bao giờ quên khi bà cám ơn cha Riquet, sau khi cha ban phép xức dầu) và đôi mắt sáng ngời của bà. Ai đến thăm, lúc nào bà cũng cho (và với thinh lặng lạ lùng của hai ngày cuối cùng khi bà chỉ còn thở bằng tình thương) một món quà không thể sờ thấy được nhưng toát ra một nét huyền bí khép bà trong đó. Và trong suốt thời gian cơ thể bị hủy hoại như sét giáng, qua đó, Chúa yêu thương bà theo cách khủng khiếp của Chúa, một tình yêu chỉ “dịu ngọt” dưới con mắt của các thánh hay với những người nói mà không biết họ nói gì về tình yêu.”

Tình yêu của Chúa thì dịu ngọt với những ai đã là thánh và với những ai nói mà không biết họ đang nói gì. Điều đó đúng với tình yêu của Chúa cũng như với tất cả các tình yêu khác.

Tình yêu không phải dễ, trừ trong giấc mơ của chúng ta. Chúng ta không cần đọc các câu chuyện tình nhảm nhí của các tiểu thuyết rẻ tiền hay xem phim ảnh để biết sự thật về tình yêu. Chỉ cần đi nhà thờ thường xuyên: mỗi ngày tôi đi lễ, tôi đến đó với những người thiện tâm – chân thành, gắn bó, trung thực và có đức tin. Nhưng họ, (và kể cả tôi) đều là những con người, vì thế, dù ở trong cộng đoàn của những người có đức tin, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng là hình ảnh lý tưởng của tinh thần hòa hợp thương yêu như các bài thánh ca ca tụng. Có thể chúng tôi hiểu được đức tin, nhưng chúng tôi cũng là người và chúng tôi cũng có những cảm nhận như mọi người: ghen tuông, bứt rứt, tổn thương, hoang tưởng, khinh khi, cảm nhận không được yêu mến. Và ngầm bên dưới những bài ca tụng tình yêu của chúng tôi, chúng tôi cũng thấy căng thẳng, xa cách, và đôi khi cả sỉ nhục. Chúng tôi cổ võ làm sao mở rộng tâm hồn, làm sao đón nhận mọi người vào nơi này, nhưng luôn luôn có một phần nào trong con người của chúng tôi không đi theo những lời này, ít nhất là như vậy đối với một vài người.

Đó không phải là chuyện bất thường, nó là đúng cho mọi cộng đoàn, mọi tổ chức, ngoại trừ cộng đoàn nào toàn các vị thánh. Yêu thương, ớ phía bên này của vĩnh cửu, không phải là chuyện dễ dàng, ít nhất khi chúng ta cố gắng hòa hợp với mọi người chứ không phải chỉ hòa hợp với những người giống kiểu của mình.

Càng già, chúng ta càng hiểu tình yêu cần cái gì. Không dễ để nói “Anh yêu em/Em yêu anh/Con yêu thương mẹ/Mẹ yêu thương con…” và yêu thương một cách đích thực.

Yêu thương một người có nghĩa là gì? Bây giờ tôi khá cẩn thận chọn từ ngữ để nói về điều này. Có thể tôi chỉ muốn dùng hai chữ, chung thủy và tôn trọng. Yêu thương có nghĩa là giữ lời của bạn, ở lại với họ, không xoay lưng đi. Và yêu thương có nghĩa là tôn trọng hoàn toàn, để cho người yêu được tự do, chúc lành và giúp đỡ nhau để lớn lên theo chính mệnh lệnh bên trong của họ. Khi làm tròn bổn phận, đôi khi chúng ta không cảm thấy nồng ấm, nhưng tình yêu, như chúng ta biết, không phải là vấn đề cảm xúc mà là chung thủy.

Và một phần, đó là trao tặng, một điều gì đó vượt bên trên chúng ta, từ Chúa, Người có thể làm cho chúng ta điều chúng ta không thể làm cho chính mính, đó là, cùng bên nhau trong gia đình, trong cộng đồng. Rốt cuộc, đó chính là điều mà nhà thờ và  phép Thánh Thể tồn tại để thực hiện.

Đêm trước khi chết, Đức Giê-su ngồi xuống cùng các vị tông đồ và những gì Người thấy lúc đó cũng là những gì chúng ta thấy bất cứ lúc nào chúng ta đi nhà thờ – một nhóm người thành tâm chiến đấu để những đố kỵ, khó chịu, lo lắng muộn phiền, tổn thương cuộc đời không làm họ chia rẽ. Chúng ta đến nhà thờ và đến với phép Thánh Thể để xin Chúa làm cho chúng ta những điều chúng ta không thể làm cho chính mình – thương yêu nhau.

Maritain nói đúng: Tình yêu chỉ dịu ngọt đối với những ai đã là thánh và đối với những ai ngây thơ một cách nguy hiểm. Vì chúng ta không phải là thánh cũng không phải là những người ngây thơ một cách nguy hiểm, tốt hơn là chúng ta khiêm tốn, thừa nhận sự chiến đấu hết sức khó khăn của chúng ta, và tới những nơi mà có thể làm cho chúng ta những gì chúng ta không thể làm cho chính mình

J.B. Thái Hòa dịch

2250    05-10-2017