Bức tranh "Chúa Giê-su ghé nhà Marta và Maria" (x. Lc 10,38-42) của danh hoạ Tintorreto (1518-1594) |
Bức tranh “Chúa Giê-su ghé nhà Marta và Maria” theo Tin Mừng thánh Luca đã được vẽ khoảng năm 1560 bởi nhà họa sĩ Ý Tintoretto.
Ông được sinh ra tại thành phố Venetie thuộc miền Bắc nước Ý, lập nghiệp và chết ở thành phố này. Kỹ thuật vẽ của ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của Michel Angelo. Ông nổi tiếng với cách dùng màu và những hiệu ứng của ánh sáng. Ông là người đã để lại một tài sản lớn khoảng hơn 200 bức tranh cho nghệ thuật hội họa của Ý.
Bức tranh minh họa cảnh hai chị em Marta và Maria đón Chúa Giêsu tại nhà như trong Tin Mừng thánh Luca.
Nhìn từ trái qua phải, chúng ta thấy Chúa Giêsu, với hào quang trên đầu, mặc áo đỏ, trong một dáng ngồi khoan thai nhưng vẻ mặt nghiêm trang, đang giảng dạy cho Maria với một cung cách của một người thầy, vừa nói vừa ra dấu với đôi tay của mình.
Ngồi dưới chân Chúa là Maria, cô hướng mắt nhìn Chúa và chăm chú nghe Người giảng dạy như không muốn đánh mất một lời nào.
Cô như chỉ muốn nghe Lời Chúa nói và không màng đến những gì đang xảy ra chung quanh mình, gương mặt rất bình an.
Trái với Maria, Marta, gương mặt thật nghiêm nghị, đang nghiên người xuống và nhìn vào mắt của Maria. Tư thế đứng của Marta với ngón tay trỏ chỉ vào Maria nói lên sự bất bình của cô khi thấy Maria chỉ ngồi nghe Chúa mà không đứng lên để phụ làm tiệc đón khách.
Ngồi đối diện với Chúa Giêsu, Ladarô, người em trai của Maria và Marta cũng đang chú tâm theo dõi những gì đang xảy ra với hai người chị của mình. Đứng kế bên Ladarô và đứng ngoài sân là những người môn đệ đang cùng đi với Chúa Giêsu.
Đứng sau Marta, bên góc phải, chúng ta thấy có một người đang làm việc trong bếp để chuẩn bị buổi cơm cho tất cả mọi người.
Tintoretto, người họa sĩ tài ba qua bức tranh này đã làm nổi bật sự tương phản trong nét mặt và tư thế của Maria và Marta trước mặt Chúa Giêsu. Maria ngồi bình thản trong khi Marta lo lắng và bất bình.
Ngoài ra chúng ta cũng thấy được nét bình an tỏ lộ trên gương mặt của Chúa Giêsu và Maria bên cạnh sự lo âu và căng thẳng của Marta.
Một điểm thu hút của bức tranh là hai gương mặt rất sáng của Maria và Marta khi đối diện với Chúa Giêsu.
Hai người đều yêu mến và kính trọng Chúa Giêsu nhưng biểu lộ tình thương của mình một cách khác nhau. Là người họat bác, luôn hoạt động, chính Marta là người chạy ra đón Chúa vào nhà, và cũng là người đầu tiên liền ra đón Chúa Giêsu khi vừa được tin Người đến nhà sau khi người em trai Ladarô đã chết bốn ngày (x. Ga 11, 17-18).
Vì yêu mến, tin tưởng và quý trọng Chúa Giêsu mà Marta muốn đón rước và phục vụ Người cùng các môn đệ một cách thật chu đáo. Bà cũng muốn em mình đứng lên giúp một tay để mọi chuyện được tốt đẹp. Trong khi đó Maria đã chọn ngồi nghe Lời giảng dạy của Chúa Giêsu thay vì đi làm việc để phục vụ Người.
Maria đã lựa chọn việc ưu tiên nên làm, khi Chúa Giêsu đến nhà, đó là ngồi dưới chân Chúa và không để ý gì đến những việc khác nữa. Như Chúa đã nói trong Tin Mừng Matthêu: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4).
Ngồi dưới chân Chúa, Maria đã hạ mình trước mặt Chúa, để quý trọng và nghe lời giảng dạy của Người mà mình kính trọng và yêu mến.
Chiêm ngắm bức tranh minh họa cho đoạn Tin Mừng rất quen thuộc này, con có một cái nhìn sâu xa hơn so với trước kia về cách biểu hiện tình thương của Maria và của Marta đối với Chúa Giêsu.
Nhìn lại hành trình đức tin và cùng đích sống đời mình, con ý thức rằng bền bỉ học Lời Chúa và trung thành cầu nguyện sâu lắng, đặt mình trước mặt Chúa với thái độ kính yêu và vâng phục, giúp con nhìn lại mình và rèn luyện mình để buông bỏ những gì mình còn nô lệ. Điều này giúp con tự do và nhẹ nhàng hơn, có một trái tim mềm mại hơn, để Lời Chúa được thấm nhuần nhiều hơn và được sự bình an trong Chúa.
Con cũng sẽ có một cái nhìn yêu thương, rộng lượng và cởi mở hơn đối với mọi người. Đây cũng là nền tảng để dấn thân thực hành Lời Chúa và phục vụ, chia sẻ với tha nhân một cách quãng đại mà không ngại khó khăn thử thách.
Nếu chỉ nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì cũng chẵng được ơn ích gì.
“Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình” (Gc 1, 22-23).
Tuy nhiên, hơn lúc nào hết con ý thức rằng dấn thân phục vụ đến mệt mỏi không còn thời giờ để nghỉ ngơi, để cầu nguyện thì có nguy cơ bị cảm xúc lôi cuốn, đưa đến những sự bất bình và không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vì phục vụ như thế thì không còn là phục vụ Chúa và tha nhân nữa mà phục vụ để thỏa mãn cái tôi của mình.
Như thánh Têrêsa Calcuta, một mẫu gương cho đời sống lao động và đời sống cầu nguyện đã cho chúng ta biết bí quyết thành công của thánh nữ là cầu nguyện. Thánh Inhaxiô cũng nhắc nhớ rằng làm việc thiện có giá trị khi gắn bó với Chúa: “Thiên Chúa luôn đặt để nhiều giá trị vào bất cứ điều gì vốn liên kết với Ngài như một công cu để làm việc thiện.”
Quả thật, con chỉ là phàm nhân yếu đuối, là công cụ của Chúa, con cần ơn Chúa để dấn thân phục vụ và giúp đỡ tha nhân.
Vì thế con cảm nhận mình cần được tỉnh thức, cần được thần khí Chúa soi sáng để biết quân bình đời sống gia đình, đời sống cầu nguyện và đời sống phục vụ sao cho đẹp lòng Chúa hơn .
Tác giả: Agnes Kim Liên - Vương Quốc Bỉ
Nguồn: Dòng Tên Việt Nam (14/7/2022)