100 trôi qua, Giáo hội Chính thống Nga vẫn chưa vượt qua được chủ nghĩa vô thần tàn bạo.
Sự kiện Cách mạng Tháng 10, được người Công giáo nhìn lại qua lăng kính là việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cùng năm đó. Và Fatima, qua cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II, đã đưa đến quan điểm Công giáo rằng chế độ cộng sản thế kỷ XX, dù là một thời gian bách hại, nhưng cũng là thời đại anh hùng, với chiến thắng cuối cùng thuộc về tính nhân văn Kitô giáo.
Quan điểm của nước Nga lại khác đôi chút. Với Đức Gioan Phaolô II, thì sau Chiến tranh Lạnh, nước Ba Lan lại được độc lập và nền tự do của Ba Lan được tái lập. Còn với Alexander Solzhenitsyn, thì sau Thế chiến I cũng là dấu chấm hét cho sự tự do của nước Nga. Cả hai đều đúng. Nhìn theo lăng kính của Fatima hay Đức Gioan Phaolô, đều không tránh né thừa nhận một bi kịch tôn giáo lớn của thời đại chúng ta, là việc hành hình những người Chính thống giáo trong Cách mạng Tháng 10.
Giáo hội Chính thống Nga đã bị bách hại tàn bạo và toàn diện. Những con số quá kinh hoàng. Hơn 100.000 linh mục Chính thống Nga đã bị giết, một số còn bị đóng đinh ngay trong nhà thờ của mình. Hồi năm 1917, Giáo hội Nga có hơn 300 giám mục, và sau Thế chiến II thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Chủ nghĩa vô thần chuyên chế của Lenin và sau đó là Stalin quá tàn bạo đến nỗi không cho phép tồn tại một “giáo hội hầm trú.” Chế độ này sẵn sàng giết hàng triệu người vì mục đích hệ tư tưởng của mình, và nó không cho phép bất kỳ ai phản đối, hay trốn thoát khỏi tay nó.
Giáo hội Chính thống Nga đã bị xói mòn, và bên bờ vực bị xóa sổ. Rồi, trong một bất ngờ lớn của lịch sử, cuộc xâm lược của Hitler đã khiến chế độ tạm gác lại cuộc thanh trừng tận gốc này. Stalin quyết định huy động mọi nguồn lực quốc gia để chống lại mối đe dọa Phát xít, và đã tái cơ cấu Giáo hội Chính thống Nga như một phần của chính quyền cộng sản. Chính thống Nga đã sống, nhưng là qua một bộ máy chính quyền thối nát.
Do đó, vào năm 1946, Thượng phụ do nhà nước bổ nhiệm ở Matxcơva đã chấp thuận việc đàn áp và cướp bóc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, biến người Công giáo ở Ukraine thành cộng đoàn Kitô giáo lớn nhất thế giới bị loại ra ngoài vòng pháp luật. Đây là một sự phản bội lịch sử của một cộng đoàn Kitô giáo trung thành.
Công đồng phi pháp 1946 là dấu chỉ cho nhiều thứ tai ương khác sắp đến. Bất kỳ ai mong muốn leo lên cấp lãnh đạo trong Giáo hội Chính thống Nga, nhất là những giáo sĩ du học nước ngoài, đều phải cộng tác với cảnh sát mật KGB. Và vài thế hệ lãnh đạo Chính thống Nga đã buộc phải hợp tác thụ động với chế độ. Giáo hội Chính thống Nga, với truyền thống cả ngàn năm, đã bị hủy hoại và thế bằng một thứ khác.
Ngay cả sau khi đảng cộng sản và Liên bang Xô-viết sụp đổ, việc phục hồi Giáo hội Chính thống Nga vẫn là một thách thức cực đại. Vẫn chưa có một thế hệ lãnh đạo mới, những người không dính dáng đến quá khứ hợp tác với KGB. Liên minh giữa Thượng phụ Matxcơva với chế độ vủa Vladimir Putin, là dấu hiệu rõ ràng rằng cơ cấu do Stalin dựng lên trong Giáo hội Nga vẫn chưa hoàn toàn biến mất.
Giấc mơ về một liên hiệp Công giáo-Chính thống đã bị tàn phá vì sự kiện Cách mạng Tháng 10. Trong khi Roma có quan hệ chính thức với Constantinople vô cùng nồng ấm, thì vẫn chưa có tiến triển gì nhiều với Matxcơva.
Thánh Gioan Phaolô đã nói rằng Giáo hội thở với hai lá phổi, nghĩa là Tây và Đông, La Tinh và Hy Lạp, Roma và Constantinople, Công giáo và Chính thống. Lá phổi phương Đông đã bị tàn phá nặng nề vào năm 1917, và Giáo hội Kitô giáo sẽ không thể nào là chính mình trọn vẹn cho đến khi vết thương chí mạng đó lành hẳn. Và để lành vết thương đó, cần đến vài thế hệ.
Ở Ukraine và Ba Lan, cũng như mọi nơi khác trong đế chế ma quỷ, người ta chống lại chủ nghĩa vô thần chuyên chế Xô-viết cũng là vì lòng ái quốc, muốn đòi tự do cho dân tộc mình. Nhưng ở nước Nga thì khác, bạo chúa của họ cũng là một người đồng bào với họ.
Cuộc thảm sát Giáo hội Nga quá khổng lồ và khủng khiếp đến thế nào, thì vết thương chí mạng mưng mủ băng hoại của linh hồn Nga cũng khủng khiếp đến thế. Tất cả bắt đầu từ tháng 10 năm 1917. Và giờ vẫn còn đang phải khắc phục qua nhiều thế hệ.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch