Chủ tịch Facebook muốn thay thế các giáo hội
Tuần qua, tại Chicago, Hoa Kỳ, diễn ra Hội Nghị Thượng Đỉnh Đầu Tiên Các Cộng Đồng Facebook. Nhân dịp này, Chủ Tịch Facebook, Mark Zuckerberg, nói với các tham dự viên rằng các cộng đồng Facebook có thể trám lỗ hổng do hiện tượng suy giảm việc tham gia tôn giáo để lại.
Nắm đầu các nhóm
Zuckerberg muốn các nhóm thành lập trên diễn đàn truyền thông xã hội của anh ta đảm nhiệm vai trò trong đời sống người ta trước đây do các Giáo Hội và các nhóm nhỏ như các đội banh đảm nhiệm.
Người có thế lực về truyền thông xã hội thuộc lớp người thiên niên kỷ này nói rằng người ta đang cần có mục đích và được trợ giúp và các nhóm Facebook có thể cung cấp được điều này.
Anh ta bảo họ: “Điều gây kinh ngạc là hàng mấy thập niên qua, thành viên trong tất cả các loại nhóm đã giảm tới một phần tư. Số ấy đông lắm, nay họ cần tìm được cảm thức về mục đích và trợ giúp ở một nơi nào khác”.
Anh ta nói với hội nghị này rằng người ta, từ trong căn bản, vốn tốt và muốn giúp đỡ người khác. Nhưng việc lên động lực để người ta hiến thời gian và tiền bạc phần lớn phát xuất từ cảm thức cộng đồng hơn là đức tin của họ.
Anh ta bảo: “Những người tới nhà thờ là những người có khuynh hướng làm thiện nguyện và hiến tặng cho bác ái nhiều hơn, không phải vì họ là người tôn giáo mà vì họ là thành phần của một cộng đồng”.
Facebook tụ tập các nhà quản trị các nhóm trên diễn đàn của nó tại Chicago để dự một thượng đỉnh. Zuckerberg cũng chu du khắp Hoa Kỳ để gặp gỡ và lắng nghe người Hoa Kỳ. Việc xuất hiện của anh ta khiến nhiều người đồ đoán anh ta có ý định ra tranh cử một chức vụ công cộng nào đó.
Mạng truyền thông xã hội 13 tuổi của anh ta mới đây đạt được con số gần 2 tỷ người sử dụng. Các người sử dụng trung bình thuộc 30 nhóm và mặc dù hơn một tỷ người là thành viên các nhóm, chỉ khoảng 100 triệu thuộc các “nhóm có ý nghĩa” hay các nhóm cảm nhận họ có mục tiêu.
Zuckerberg muốn con số người sử dụng trong các nhóm “có ý nghĩa” lên tới 1 tỷ, để “việc chúng ta thay đổi toàn bộ sứ mệnh của Facebook có thể khởi diễn”.
Anh ta muốn nối kết các nhóm quanh các sở thích hay niềm tin chung nhưng cũng quanh cả các vấn đề nữa. Anh ta nói: “nơi thế hệ tới, thế hệ vốn là cơ may và thách đố lớn nhất của chúng ta, chúng ta mới có thể khởi sự với nhau, chấm dứt nghèo đói, chữa lành bệnh tật, ngưng thay đổi khí hậu, phổ biến tự do và khoan dung, chấm dứt khủng bố”.
Nói về cố gắng trên, anh ta cân bằng việc lãnh đạo với vai trò săn sóc. Anh ta nói: “một Giáo Hội không tự đến với nhau. Nó có một mục tử biết săn sóc phúc lợi của cộng đoàn họ, bảo đảm để họ có thực phẩm và nhà ở. Các đội banh nhỏ có huấn luyện viên biết thúc đẩy bọn nhỏ và giúp chúng đá trúng đích hơn. Các nhà lãnh đạo tạo nên văn hóa, gây hứng cho chúng ta, cho chúng ta chiếc lưới an toàn, và canh chừng cho chúng ta”.
Các tấn công vào giá trị truyền thống
Năm ngoái, nhiều người quan tâm trước việc Facebook công bố nó dự tính sử dụng một số mạng nổi tiếng về kiểm soát sự kiện cũng như các thực thể truyền thông cấp tiến để đánh phá điều gọi là “tin giả” (fake news).
Việc Facebook chọn các công ty hùn hạp như Snopes, Factcheck.org, ABC News và Politicfact, nói là để ngăn chặn các tin giả, lập tức bị phản pháo là có âm mưu kiểm duyệt việc tường trình phò sự sống và các giá trị truyền thống khác.
Đầu tháng Sáu này, Facebook công bố các kế hoạch nhằm “nói một cách cởi mở hơn về một số chủ đề phức tạp”.
Trong số các vấn đề mà Phó Chủ Tịch Chính Sách Công và Truyền Thông của Facebook, Elliot Schrage, nói đang xem xét, có các vấn đề: Các công ty truyền thông xã hội nên theo dõi và loại bỏ một cách mạnh bạo ra sao các đăng tải và hình ảnh gây tranh cãi khỏi các diễn đàn của họ. Ai phải quyết định điều gì gây tranh cãi, nhất là với cử tọa hoàn cầu và các qui phạm văn hóa khác nhau? Và ai phải xác định tìn nào là tin giả ngược với ngôn từ chỉ gây tranh cãi về chính trị?
Các lực lượng đứng đàng sau Facebook không phản đối việc diễn đàn này có nghị trình đặc thù. Sau phán quyết Obergefell của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm áp đặt hôn nhân đồng tính hợp pháp lên Hoa Kỳ hồi tháng Sáu năm 2015, diễn đàn truyền thông xã hội này nhanh chóng lập một dụng cụ tạo chân dung gọi là Celebrate Pride có hình lá cờ Cầu Vồng làm nền. Dụng cụ này mau chóng trở thành phương tiện để người ta biểu lộ sự ủng hộ đối với hôn nhân đồng tính qua chân dung Facebook hay, trong lý thuyết, cũng để được nhận diện là người không ủng hộ nó.
Năm 2014, Facebook công bố một chương trình cho phép người sử dụng chọn giữa khoảng 50 mục nhận diện phái tính để dùng cho chân dung của họ. Hiện nay, các người sử dụng có thể chọn nam và nữ, hay tự do chọn theo ý riêng.
Đầu năm nay, Facebook nhiều lần ngăn chận một chương mục của một blogger Kitô hữu vì cô này đăng một bài dựa vào Thánh Kinh để phê phán đồng tính luyến ái. Sau đó, nhân viên của Facebook đã xin lỗi và cho cô trở lại với diễn đàn.
Năm ngoái, Gizmodo.com cho đăng một tuyên bố của một cựu nhân viên Facebook; người này nói rằng những người chăm lo mới của mạng truyền thông xã hội vĩ đại này “có thói quen loại bỏ các truyện tin được các độc giả bảo thủ lưu tâm khỏi bộ phận tin tức ‘hợp xu hướng’ và gây ảnh hưởng của mạng xã hội này”.
Những người chăm lo Facebook cũng được điều hướng phải “bơm” một cách giả tạo một số câu truyện vào mẫu tin hợp xu hướng bất kể chúng có được người ta ưa chuộng đủ hay có hợp xu hướng hay không. Họ cũng được chỉ thị không lồng các tin tức về Facebook vào mẫu tin hợp xu hướng.
Năm ngoái, việc chăm lo tin tức của Facebook cũng bị điều tiếng khi tai tiếng về việc Planned Parenthood buôn bán các phần thân thể của thai nhi bắt đầu nổ ra; nguời ta cho rằng tin tức có tính xu hướng nghiêng về phía làm giảm bớt vai trò của cơ quan phá thai khổng lồ này trong vụ tai tiếng.
Cổ vũ phe cấp tiến
Chính Zuckerberg cũng công khai chạy chọt vận động cho các vấn đề của phe cấp tiến.
Đầu mùa xuân này, anh ta đã cùng các người đứng đầu một số công ty kỹ thuật viết cho Thống Đốc Greg Abbott để phản đối một số luật lệ bị họ coi là kỳ thị. Năm ngoái, Zuckerberg cũng nằm trong số các chủ tịch công ty chống đối Luật HB2 của North Carolina nhằm bảo vệ sự tư riêng trong các nhà vệ sinh và các phương tiện tương tự của Tiểu Bang.
Tháng Chín năm 2015, tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên HIệp Quốc ở New York, Zuckerberg đã tỏ cho Thủ Tướng Đức, Bà Angela Merkel, thấy lòng sẵn sàng của mình trong việc cắt bỏ các ngôn từ trên Facebook chỉ trích “đợt sóng tỵ nạn Syria tràn vào Đức”.
Tháng vừa rồi, khi đọc bài diễn văn khai giảng tại Harvard, Zuckerberg thả nổi ý niệm trợ giúp việc giảm nợ của sinh viên, đánh thuế nhà giầu cao hơn, và “thu nhập căn bản phổ quát”. Anh ta cũng cho rằng quyền truy cập internet là một nhân quyền.
Vũ Văn An
1020 07-07-2017