Sidebar

Chúa Nhật

15.12.2024

Chúa biết những gì ta cần trước khi ta cầu xin Ngài

 

 Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Kinh Lạy Cha, tại hội trường Phaolô VI, sáng thứ tư ngày 2/1/2019.

 

Bài giáo lý về Kinh Lạy Cha: 3. Trung tâm bài giảng trên núi

Anh chị em thân mến.

Chúng ta theo dõi loạt bài giáo lý của chúng ta về “Kinh Lạy Cha”, được soi dẫn từ mầu nhiệm Giáng sinh mà chúng ta vừa cử hành.

Tin mừng Matthêu sắp xếp bản văn “Kinh Lạy Cha” trong một vị trí chiến lược, nằm ngay trung tâm của diễn từ trên núi (Mt 6,9-13). Tuy nhiên chúng ta hãy quan sát cảnh tượng sau: Chúa Giêsu lên ngọn đồi gần bờ hồ, Ngài ngồi xuống; vây xung quanh là các môn đệ thân cận nhất của Ngài, sau nữa là một đám đông những khuôn mặt vô danh. Đây là một cộng đoàn hỗn tạp đầu tiên nhận được giáo huấn về “kinh Lạy Cha”.

Như tôi đã nói, sự sắp đặt này rất có ý nghĩa. Bởi vì trong bài giáo huấn dài này, dưới cái tên là “diễn từ trên núi”, Chúa Giêsu cô đọng những yếu tố căn bản về sứ điệp của mình. Đoạn mở đầu, các mối phúc, giống như một cái vòm cửa được trang trí cho buổi lễ. Chúa Giêsu tôn tặng phúc vinh cho các hạng người trong thời đại của Ngài – cho cả chúng ta! – là những người không được coi trọng bao nhiêu. Phúc cho những người nghèo, người bé nhỏ, những người có lòng từ bi, khiêm nhường trong lòng. Đây là cuộc cách mạng của Tin mừng. Ở đâu có Tin mừng, ở đó có cách mạng. Tin mừng không để chúng ta yên lặng, nhưng thúc đẩy chúng ta: đó là cách mạng. Tất cả mọi người đều có khả năng yêu thương, những nhà hoạt động hòa bình, cho đến lúc họ là những người bị giết chết bên lề lịch sử, thì lại là những người xây dựng Nước Thiên Chúa. Như thể Chúa Giêsu đã nói : Các con hãy tiến bước, hãy mang trong tâm hồn mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải quyền năng của Ngài trong tình yêu và trong tha thứ.

Từ cánh cửa tiền này, làm đảo lộn các giá trị lịch sử, làm vọt ra điều mới lạ của Tin mừng. Lề luật không bị bãi bỏ nhưng cần cách chú giải mới, đưa nó về lại với ý nghĩa nguyên thủy của nó. Nếu một người có tấm lòng nhân hậu, thiên hướng về tình yêu, thì người đó hiểu rằng mọi Lời của Chúa cần phải được thể hiện cho đến kết quả cuối cùng. Tình yêu không có giới hạn: người ta có thể yêu vợ hay chồng mình, bạn mình và yêu cả kẻ thù của mình bằng một cái nhìn hoàn toàn mới. Chúa Giêsu nói : “Thầy bảo thật anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,44-45).

Đây là bí quyết lớn làm nền tảng cho toàn bộ diễn từ trên núi : để anh em trở nên con cái của Cha anh em ở trên trời. Rõ ràng, các chương này của Tin mừng Matthêu xem ra là một bài diễn từ về luân lý, gợi lên một đòi hỏi về đạo lý dường như không thể thực hiện được; và trái lại chúng ta khám phá ra rằng hơn bao giờ hết chúng là một diễn từ thần học. Người tín hữu không phải là người cứ phải cố gắng để trở nên tốt hơn những người khác: hãy biết mình là người tội lỗi như mọi người. Người tín hữu đơn giản là một người biết dừng lại trước Bụi Gai Đang Cháy mới, trước mạc khải về một Thiên Chúa, Đấng không mang bí ẩn về một danh xưng mà không thể nói ra được, nhưng là Đấng kêu gọi con cái của mình hãy biết cầu khẩn Ngài bằng cái tên là “Cha”, hãy để cho mình được đổi mới bằng quyền năng của Ngài và hãy để cho mình được phản chiếu tia sáng lòng từ bi của Ngài dành cho thế giới này, một thế giới đang khát khao điều thiện, đang đợi chờ tin vui.

Ở đây Chúa Giêsu giới thiệu giáo huấn về việc cầu nguyện với kinh “Lạy Cha” như thế nào. Ngài thực hiện bằng cách tránh xa hai nhóm người trong thời của mình. Trước hết là những người đạo đức giả : “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,5). Có những người có thể thêu dệt nên những lời cầu nguyện vô thần, không có Thiên Chúa, và họ làm việc đó là để được mọi người ngưỡng mộ. Và nhiều lần chúng ta nghe thấy tai tiếng của những người như vậy; họ đi vào nhà thờ và và ở đó suốt ngày, hay ngày nào họ cũng đi nhà thờ nhưng sau đó thì sống căm ghét người khác, nói xấu người khác. Đó là người bê bối! Tốt hơn là đừng đi nhà thờ. Hãy sống như vậy, như người vô thần. Nhưng một khi anh đã đi nhà thờ, thì hãy sống như người con, như anh em và đem lại chứng từ chân thật, chứ không phải là phản chứng. Thế nên, lời cầu nguyện tín hữu không có bằng chứng nào đáng tin cho bằng lương tâm của mình, nơi kết dệt nên một cuộc đối loại liên lỉ với Thiên Chúa : “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (Mt 6,6).

Tiếp theo Chúa Giêsu tránh xa những lời cầu nguyện của những người ngoại giáo: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6,7). Ở đây, có lẽ Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến, “captatio benevolentiae”, lời tựa cần thiết trong các kinh nguyện cổ : thần thánh phải được thuần hóa bằng một loạt các bài ca tụng cũng như cầu nguyện dài. Chúng ta nghĩ đến quang cảnh trên núi Carmel, khi tiên tri Êlia thách đố các tư tế của thần Baal. Họ kêu la, nhảy nhót, họ kêu xin nhiều điều để thần của họ lắng nghe họ. Trái lại, Êlia im lặng và Thiên Chúa đã tỏ mình cho ông. Các dân ngoại nghĩ rằng, khi nói, nói, và nói… là cầu nguyện. Tôi cũng nghĩ đến rất nhiều tín hữu, tin rằng cầu nguyện là “nói với Chúa như một con vẹt”.  Không phải vậy!. Cầu nguyện phát xuất từ con tim, từ bên trong. Thế nên, khi ta cầu nguyện, nói chuyện với Chúa Giêsu, ta hướng lòng lên Chúa như một người con nói với cha mình, Chúa biết những gì ta cần trước khi ta cầu xin Ngài (Mt 6,8). Cũng có thể là cầu nguyện trong thinh lặng bằng Kinh Lạy Cha: trong tận đáy lòng hãy đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, nhắc ta nhớ về tình yêu của Cha, và điều này đủ để được Ngài đoái nhận.

Thật đúng khi nghĩ rằng Thiên Chúa của chúng ta không cần những hy sinh để chiếm hữu các ơn huệ của Ngài! Ngài không cần gì cả. Thiên Chúa của chúng ta: trong khi cầu nguyện, Ngài chỉ xin chúng ta mở ra cho Ngài một kênh liên lạc, để chúng ta luôn khám phá ra rằng chúng ta là những người con yêu dấu của Ngài. Và ngài yêu thương chúng ta rất nhiều.

p
2
3
4
5

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: Vatican.va

736    05-01-2019