Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Chúa Giêsu nhìn bạn như thế nào khi bạn phạm tội

chuagiesunhinbannhuthenaokhibanphamtoi
 Chúa Giêsu chữa lành một người mù, Manuel Cohen qua AFP


Chúng ta biết tội lỗi tệ hại thế nào. Chúng ta biết điều đó vì chúng ta ghét tội lỗi của người khác. Chúng ta nhìn mọi người theo cách đó. Nhưng Thiên Chúa thì không.

Chúa Giêsu nhìn vào bạn và Ngài nhìn thấy bạn là ai, trong chính đáy lòng của bạn. Ngài không xem coi bạn có thể là ai hoặc lẽ ra bạn phải là ai; Ngài không nhìn vào tội lỗi của bạn và không để mất dấu bạn.

Ngài biết bạn là ai, Ngài đã dựng nên bạn như thế nào và Ngài yêu bạn.

Đúng, bạn đã phạm tội. Không phải một lần – mà là hết lần này đến lần khác. Không phải vô tình, mà là cố ý. Và điều đó không phải là không tai hại, mà là nó rất khủng khiếp.

Chúng ta biết tội lỗi tệ hại thế nào. Chúng ta biết điều đó vì chúng ta ghét tội lỗi của người khác. Họ làm tổn thương chúng ta vì tội lỗi của họ, và chúng ta ghét họ vì tội lỗi của họ. Chúng ta không thích những người giận dữ, những người cố chấp, những người lười biếng, những người thiếu suy nghĩ, những người ích kỷ, những người hèn hạ.

Chúng ta nhìn con người theo cách đó. Thiên Chúa thì không. Ngài biết người giận dữ là người bị tổn thương; những người cố chấp là những người bất an; người lười biếng là người sợ hãi; người thiếu suy nghĩ là người bị phân tâm; những người lấy cái tôi làm trung tâm là người đang tự bảo vệ mình; có nghĩa là mọi người đang đau khổ.

Ngài cũng không ghét bạn khi bạn phạm tội. Ngài muốn dành nhiều thời gian hơn nữa với bạn vì tội lỗi của bạn. Ngài nhìn rõ tội lỗi của bạn và yêu thương bạn nhiều hơn vì Ngài nhìn thấy vết thương bên dưới tội lỗi của bạn.

Lý do là vì Thiên Chúa biết tội lỗi từ đâu đến.

Khi tôi nói “Thiên Chúa”, ý tôi là “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Và khi tôi nói “Chúa Con”, tôi muốn nói đến Chúa Giêsu Kitô, là Đấng bị đóng đinh hiện nay và vào lúc sáng tạo, bởi vì Ngài “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” Bạn, cùng với những ham muốn về thức ăn, tình dục, tài sản và sự nghỉ ngơi, đều được tạo ra “nhờ Ngài mà tồn tại và quy hướng về Ngài” (Rm 11:36) và “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:10).

Bạn không phải là một người vô giá trị không nghĩa lý gì, bạn là của Chúa Kitô. Và khi bạn phạm tội, Ngài không gạch bỏ tên của bạn mà đến tìm kiếm bạn.

Thánh Phaolô nói: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4: 4-5).

Ngài đến vì bạn, Ngài khao khát bạn, Ngài tìm kiếm bạn trong gia đình bạn, trong phép rửa tội Ngài nhận bạn làm nghĩa tử tham dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi, và Ngài nói về bạn: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3: 17).

Khi chưa có thời gian và không gian, Lucifer nổi loạn vì hắn muốn nắm quyền chỉ huy theo những ham muốn của hắn và thuyết phục bạn đừng tin tưởng vào Thiên Chúa nhưng làm theo những ham muốn của mình - về thức ăn, tình dục, tài sản và sự nghỉ ngơi. Hắn thì thầm “hãy làm theo những ham muốn của mình. Thiên Chúa không muốn bạn tận hưởng những ham muốn đó. Thiên Chúa chỉ muốn bạn đau khổ.” Nhưng ngay khi bạn phạm tội, hắn thay đổi giọng điệu. Lúc đó, hắn nói: “Ngươi chẳng ra gì. Ngươi thật yếu đuối. Thiên Chúa ghét ngươi!

Nhưng Chúa Giêsu nói: “Đừng nghe hắn! Ta yêu con. Ta ở đây với con.

Nhưng còn cơn thịnh nộ của Chúa thì sao? Không thể phủ nhận rằng Kinh thánh nói về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Cơn thnh nộ của Thiên Chúa nhắm vào những tội nhân không ăn năn, những tội nhân không chịu thay đổi, những tội nhân chối bỏ sự hiện hữu của tội lỗi. Ngài nổi giận với những kẻ tự cho mình là công chính, những kẻ lôi kéo người khác vào tội lỗi, và những kẻ chế nhạo những gì là thánh thiện.

Nhưng nếu bạn là một tội nhân sẵn sàng thay đổi - như người phụ nữ Samari, người bại liệt, gái điếm, người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, hay Phêrô - thì Ngài không nổi giận mà chỉ đón mừng.

Bạn cũng giống như họ nếu bạn phạm tội nhưng bạn muốn thay đổi. Hoặc nếu ít nhất, bạn mới chỉ hơi muốn thay đổi.

Khi chúng ta vướng vào tội lỗi, Chúa Giêsu phản ứng giống như Vị Vua Chăn chiên dê Đavít đã làm.

Đavít nói: “Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy gia súc, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó (1 Sm 17: 34-35).

Ma quỷ hiện nay “thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5: 8). Và Chúa Giêsu từ thiên đàng an ổn đến để tìm kiếm bạn, con chiên lạc duy nhất của Ngài. Và Ngài không chỉ chiến đấu với sư tử - Ngài còn để cho con sư tử ăn thịt mình thay vào chỗ của bạn và nói rằng “Ta chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10: 11).

Nhưng nếu bạn đang ở trong tình trạng phạm tội trọng thì sao?

Nếu bạn đang ở trong tình trạng mắc tội trọng, Chúa Giêsu sẽ nhìn bạn như người mục tử nhìn con chiên bị sói ăn thịt: Với sự tức giận trước tên trộm và quyết tâm làm cho bạn sống lại.

Ma quỷ bảo bạn ngừng cầu nguyện khi bạn phạm tội. Hắn nói: Này tên tội nhân kia, bây giờ, Thiên Chúa sẽ không nghe ngươi đâu, chẳng ích gì?

Nhưng đừng ngừng cầu nguyện! Jacques Philippe viết: “Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta sẽ tìm được sự chữa lành cho lỗi lầm của mình ở đâu nếu không phải ở gần bên Chúa Giêsu?

Chúa Giêsu đến vì người tội lỗi chứ không phải người công chính. Nếu bạn đang trong tình trạng tội lỗi thì bạn chính là người mà Ngài muốn lắng nghe nhất.

Vậy hãy thưa chuyện với NgàiRồi thì hãy chú ý đến cái nhìn của Ngài.

Chúa Giêsu nhìn bạn như thế nào khi bạn phạm tội?

Ngài nhìn bạn giống như người Cha nhìn đứa con hoang đàng - và anh trai của nó. Ngài chạy ra khỏi nhà để gặp bạn. Ngài ra khỏi nhà để nói chuyện với bạn.

Ngài mời bạn quay lại, qua việc xưng thú tội lỗiNgài mặc cho bạn chiếc áo choàng của Ngàiđón mừng sự trở lại của bạn và chiêu đãi bạn bằng những ân huệ của Ngài. Ngài nói: Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15: 32).


Tác giả: 
Tom Hoopes - Nguồn: Aleteia (18/9/2023)
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung - Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam (23/9/2023)

333    24-09-2023