Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chúa Kitô và thiên nhiên

 

 

Ngày nay, vô số nhóm và cá nhân đang lên tiếng đòi chúng ta phải xem lại quan hệ của mình với mẹ trái đất. Từ nhóm Hòa bình Xanh, đến các nhóm môi trường khác nhau, từ các nhóm Kitô giáo cũng như các tôn giáo khác, đến tiếng nói của nhiều cá nhân, tất cả đều lên tiếng đòi chúng ta hãy bớt bị mắt, hãy bớt thiếu suy nghĩ, và bớt vô tâm về quan hệ của chúng ta với trái đất. Mỗi ngày, các bản tin thời sự loan báo cho thấy, khi thiếu, rất thiếu suy tính nghiêm túc, chúng ta đang làm ô nhiễm địa cầu, vắt cạn kiệt tài nguyên, tạo nên những bãi rác khổng lồ, xả khí carbon độc hại vào bầu khí quyển, làm biến mất hàng ngàn loài, gây hại cho không khí và nguồn nước, và làm mỏng đi tầng ozone. Và lời kêu gọi phát đi rằng: hãy sống đơn giản hơn, dùng ít tài nguyên hơn, cắt giảm khí carbon, và cố gắng tái chế bất kỳ thứ gì đã dùng càng nhiều càng tốt.

Lời kêu gọi này, tất nhiên rất tốt và rất quan trọng. Không khí chúng ta thở ra, là không khí chúng ta hít vào, nên cần phải cẩn thận về những gì chúng ta thở ra. Hành tinh này là nhà, và chúng ta cần phải bảo đảm rằng, về lâu dài, trái đất có thể cho chúng ta một mái nhà nuôi dưỡng và thoải mái.

Nhưng, sự thật cũng là, còn có một lý do khác rất quan trọng, vì sao chúng ta phải đối xử với mẹ trái đất một cách tôn trọng và cẩn trọng hơn. Đó chính là vì, Chúa Kitô hết sức gắn bó với thiên nhiên, và một lý do Ngài đến địa cầu cũng là để cứu chuộc vũ trụ vật lý này. Điều này ngụ ý gì đây?

Tôi xin mở đầu bằng một câu chuyện: Linh mục Pierre Teilhard de Chardin vừa là nhà thần học vừa là khoa học gia, khi cha nói chuyện với một viên chức Vatican, họ đang mơ hồ về các bài viết và các hoài nghi giáo lý của cha, đã hỏi cha: ‘Cha đang cố làm gì trong các bài viết của mình?’ Teilhard trả lời, ‘Tôi đang cố viết ra một Kitô học đủ rộng để thể hiện trọn vẹn Chúa Kitô, vì Chúa Kitô không phải chỉ là một sự kiện nhân học, nhưng còn là một hiện tượng vũ trụ.’  Nói đơn giản, thì Teilhard đang nói rằng Chúa Kitô không chỉ đến để cứu con người, tất nhiên điều này đúng, nhưng Ngài còn đến để cứu địa cầu, mà con người chỉ là một phần trong đó.

Khi nói như thế, Teilhard có một căn cứ Kinh thánh vững vàng. Nhìn vào Kinh thánh, chúng ta thấy rõ ràng rằng, Chúa Kitô không chỉ đến để cứu con người, nhưng Ngài đến để cứu thế giới. Ví dụ như, thư gởi tín hữu Colôsê (1, 15-20) ghi lại một tán ca cổ của Kitô giáo, khẳng định Chúa Kitô là một lực sống động trong công trình tạo dựng nguyên thủy (‘mọi sự đều được tạo dựng qua Ngài’) và Chúa Kitô cũng là điểm tận cùng của mọi lịch sử, dù là nhân loại hay vũ trụ. Thư gởi tín hữu Ephêsô, cũng ghi lại một tán ca khác (1, 3-10), có ý tương tự như vậy, còn thư gởi tín hữu Roma (8,19-22) thì còn rõ ràng hơn khi quả quyết rằng tạo vật vật chất, mẹ trái đất và vũ trụ vật lý của chúng ta ‘đang rên xiết’ chờ sự cứu rỗi của Chúa Kitô. Các bản văn này, khẳng định rằng thế giới vật chất là một phần dự định của Thiên Chúa cho sư sống thiên đàng bất diệt.

Nếu đào sâu những ngụ ý này, chúng ta thấy được những gì? Có một số nguyên tắc rất rõ ràng rằng: Thứ nhất, không chỉ nhân loại, mà cả thiên nhiên được Chúa Kitô cứu độ. Thế giới không chỉ là một vũ đài trên đó lịch sử nhân loại diễn ra, nhưng nó có ý nghĩa và giá trị cố hữu vượt ngoài những gì nhân loại chúng ta nghĩ đến. Thiên nhiên vật chất, là anh chị em với chúng ta trong hành trình hướng về chung cuộc lịch sử mà Thiên Chúa dự định. Chúa Kitô cũng đến để cứu độ trái đất, chứ không chỉ những con người chúng ta đang sống trên đó. Tạo vật vật lý cũng sẽ đi vào tổng hòa chung cuộc lịch sử, là thiên đàng.

Thứ hai, điều này nghĩa là thiên nhiên có quyền cố hữu, chứ không phải là những quyền chúng ta thích thì cho. Và như thế nghĩa là, việc làm xấu đi hay xâm phạm thiên nhiên, không chỉ là các vấn đề pháp lý hay môi trường, nhưng chính xác là vấn đề luân lý. Chúng ta đang xâm phạm các quyền cố hữu của một người (hay một sự) nào đó. Do đó, khi chúng ta vô ý ném một lon coca bừa bãi, chúng ta không chỉ phạm luật, mà xét theo một mức độ sâu xa hơn, chúng ta còn đang làm bẽ mặt Chúa Kitô. Chúng ta cần phải tôn trọng thiên nhiên, không phải trên hết là để, thiên nhiên không bật lại chúng ta và trả lại chúng ta sự ô nhiễm ngột ngạt, nhưng là vì, thiên nhiên, như nhân loại, cũng có các quyền của mình. Đây là một giáo lý ít khi được thừa nhận.

Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, là khi hiểu được chiều kích vũ trụ của Chúa Kitô, và ý nghĩa quan hệ của chúng ta với mẹ trái đất và vũ trụ, cho chúng ta một sự thật không thể chối cãi rằng, cuộc hành trình tìm kiếm thông hiệp và hợp nhất trong Nước Thiên Chúa (hành trình đến thiên đàng) không chỉ là hành trình kêu gọi chúng ta có mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa và tha nhân, nhưng còn là kêu gọi có mối quan hệ đúng đắn với tạo vật vật chất nữa.

Chúng ta là nhân loại với thân xác sống trên địa cầu, chứ không phải là các thiên thần không thể xác trên thiên đàng, và Chúa Kitô đến để cứu cả hồn lẫn xác chúng ta, mà ngài cũng đến để cứu nền tảng vật chất mà chúng ta đang sống trên đó, bởi chính Chúa là hình mẫu mà thế giới vật chất này được tạo thành qua Ngài.

J.B. Thái Hòa dịch

1122    05-03-2018