Vũ trụ thì mênh mông bao la, vậy xin hỏi rằng Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ thích ngự trị ở đâu nhất?
- Mặt trời ư? — Nóng quá!
- Hay là Mặt Trăng? — Đêm quá rét, ngày quá nóng, vì không có khí quyển bao bọc! Điều kỳ lạ là chú Cuội nhà ta lại sống thoải mái, thích thú trên ấy. Nhưng Chúa là hiện thân của Sự Thật (x. Ga 14, 6), nên chẳng ưa sống chung chút nào với anh chàng chuyên nói dối đó (“nói dối như Cuội” mà!).
- Còn Trái Đất thì sao? – Tất nhiên rồi, bởi lẽ “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x. Ga 3, 16). Chúa Giêsu rất yêu mến Thánh Mẫu Maria – và Thánh Dưỡng Phụ Giuse nữa – với thái độ sẵn lòng vâng phục (x. Lc 2, 51), và kính nể lời chuyển cầu đầy lòng tin của Mẹ (ví dụ tại tiệc cưới Cana: x. Ga 2, 3-5), nhưng Chúa cũng thương Mẹ Đất lắm, vì là quê hương thứ hai của Ngài. Với tư cách “Ngôi Lời Vĩnh Cửu, Con Một của Chúa Cha, Ngài đã cùng với Thánh Thần Hằng Hữu (x. Dt 9, 14), tiếp tay với Chúa Cha tạo dựng nên vũ trụ bao la và muôn loài muôn vật vô hình và hữu hình, trên trời cùng dưới đất (x. Cl 2, 16). Thánh giáo phụ Irênê ví von Ngôi Lời và Thánh Thần Hằng Hữu như “hai Bàn Tay của Chúa Cha trong công trình tạo dựng” đó (x. trích dẫn trong Sách GLHTCG số 292). Vì Ngôi Lời Nhập Thể vẫn nhớ rõ chính Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo thành Trái Đất như một “Vườn Địa Đàng” mang tên “Vườn Eđen, được trao cho cặp Tổ Tông Ađam + Evà canh tác và canh giữ” (x. St 2, 15). Nhưng than ôi, cái Vườn Eden nguyên thủy đẹp đẽ tuyệt vời ấy – với hai cư dân tiên khởi sống hạnh phúc trong sự thánh thiện và công chính là ân huệ của Đấng Tạo Hóa ban cho – đã bị tổn thương đáng kể bởi sự sa ngã, phạm tội cố tình bất tuân của cặp Nguyên Tổ, mà hậu quả thê thảm nhất là nhân tính nguyên thuỷ của họ đánh mất ơn nghĩa của Thiên Chúa, và họ lưu truyền cái nhân tính bị tổn thương và sa đọa đó sang cho con cháu. Sách GLHTCG số 417 gọi tình trạng của nhân tính thương tật và sa đọa, thiếu vắng sự thánh thiện và công chính nguyên thủy ấy, là “nguyên tội’ (peccatum originale), mà trước đây thường được gán cho cái tên “tội tổ tông truyền”, là loại tội rất khác với “tội tổ tông” còn gọi là “tôi nguyên tổ”. Đáng tiếc là bản dịch Việt ngữ đang lưu hành chính thức đã lẫn lộn hoặc đồng hóa hai loại tội đó. Và ngày nay, Trái Đất, mà ĐTC Phanxicô lấy cảm hứng từ Bài Ca Anh Mặt Trời của thánh Phanxicô để gọi là “Mẹ Đất”, là “Ngôi Nhà Chung của loài người”, đang xuống cấp nghiêm trọng do bị lòng tham vô đáy của nhiều người đã và đang khai thác thiên nhiên một cách vô độ và vô trách nhiệm, khiến “Vườn Eđen” đang từng bước bị biến thành “Sa Mạc”. Chắc hẳn hơn ai hết, chính Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ nghe rõ và thấu hiểu “tiếng kêu của Mẹ Đất và tiếng kêu của người nghèo”, nạn nhân trực tiếp của tội ác tập thể phá hoại sinh thái, hiểu theo nghĩa vật lý và xã hội (x. thông điệp Laudato Si’ của ĐTC Phanxicô). Điều các Kitô-hữu chúng ta cần làm hiện nay là chứng tỏ một ý thức sắc bén về nghĩa vụ bảo vệ, và vận động nhiều người dấn thân bảo vệ Ngôi Nhà Chung, và cầu nguyện tha thiết xin Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ ra tay cứu vớt Mẹ Đất với loài người hiện đứng trước một thảm họa lớn đang đe dọa sự an nguy và chính sự tồn tại của nhân loại.
- Tuy Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ vẫn muốn ngự trị trong một Ngôi Nhà Chung Xanh-Sạch-Đẹp có Hòa Bình và Công Lý, nhưng nhìn ở bình diện đời sống tâm linh cá nhân, thì nơi mà Ngài thích đặt Ngai Vàng của Ngài hơn cả, chính là Trái Tim mỗi người chúng ta, nhưng phải là Chỗ Nhất trong đó, nghĩa là Chỗ Nhất trong một trái tim hiền lành và khiêm nhường giống như Trái Tim của Ngài vậy (x. Mt 11, 29). Cái gì giống cái gì thì cuốn hút nhau và thích xích lại gần nhau, phải không?
Lạy Chúa Giêsu - Vua Vũ Trụ, xin dùng sức mạnh của Thần Khí mà biến đổi trái tim chúng con nên giống Trái Tim Hiền Lành Và Khiêm Nhường của Chúa, trong đó có bầu khí trong lành, thánh thiện, vừa ấm áp vừa êm dịu, chiếu tỏa ánh sáng sự thật, mở đường dẫn tới sự sống vĩnh hằng nơi Cung Lòng Thiên Chúa Cha là Đấng Thánh và nguồn mạch mọi sự thánh thiện. AMEN.
Chính trái tim hiền lành và khiêm nhường bé bỏng của mỗi người chúng ta được ghép vào Trái tim hiền lành và khiêm nhường vĩ đại mang tầm vóc hoàn vũ của Chúa Kitô, là nơi ưu tiên Ngài chọn để đặt Ngai Vàng trong tư cách Vua Vũ Trụ, nghĩa là Ngài chỉ thực sự trở thành Vua Vũ Trụ khi trái tim mỗi người được dâng hiến cho Ngài làm Ngai Vàng, để Ngài làm Vua mỗi người trước đã, rồi từ đó Ngài thi hành vương quyền trên toàn thể Vũ Trụ Mênh Mông Bao La.
Như vậy, để mừng Đại Lễ Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ một cách thiết thực và có hiệu quả, mỗi người chúng ta hãy bắt đầu cử hành Đại Lễ đó cách âm thầm kín đáo trong nguyện đường riêng tư của mình (x. Mt 6, 5-6) là chính trái tim hiền lành và khiêm nhường, với tâm thế chân thành sám hối và tin vào Phúc Âm (x. Mc 1, 15), và xin Lửa Thánh Linh thanh luyện, soi sáng, nung nấu nội tâm chúng ta (x. Lời Kinh của thánh Phanxicô Assisi cuối Thư gửi toàn Dòng OFM), biến trái tim chúng ta thành Ngai Tòa phù hợp để Chúa Kitô làm Vua mỗi người chúng ta trước khi làm Vua hoàn vũ. Bằng cách đó mỗi Kitô-hữu thông dự vào vương quyền của Chúa Kitô, Trưởng Tử sinh ra trước muôn loài thụ tạo và đứng hàng đầu trong mọi sự (x. Cl 1, 15. 18), và theo thiên ý nhiệm mầu, mỗi con người đều mang hình ảnh của Đấng Tạo Hóa (x. St 1, 26) – mà thánh Phanxicô Assisi giải thích một cách độc đáo là “được (Thiên Chúa) tạo dựng và nắn đúc theo hình ảnh Con yêu dấu của Người về phần xác, và theo sự tương đồng với Con của Người về phần hồn” (x. Huấn ngôn 5, 1). Trực giác này của Vị Thánh Nghèo rất ăn khớp với tước hiệu Đức Kitô - Vua Vũ Trụ, vì Thánh Tử đã được “Thánh Phụ trao toàn quyền trên trời dưới đất” (x. Mt 28, 18) và trên mọi thụ tạo (x. Ga 17, 2), và mỗi con người được thông dự vào quyền làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò dưới đất – và trên mặt đất (x. St 1, 26. 28); tắt một lời, “được làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo” (x. Tv 8, 7). Cách cử hành Đại Lễ Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ ở chiều sâu nội tâm như thế, kết hợp với việc tham dự Phụng vụ Thánh Lễ công cộng của Hội Thánh là một dấu chỉ rạng rỡ cho thấy phẩm giá của Kitô-hữu nói riêng và của con người nói chung cao quý biết dường nào! Và nhận thức này kéo theo trách nhiệm dấn thân sống Phúc Âm với một đức tin được linh hoạt bởi đức ái trong một nếp sống tổng hợp hài hòa hai chiều kích chiêm niệm và hoạt động, hoặc nói theo ngôn ngữ quen thuộc của Dòng Anh em hèn mọn là: “mang trong mình một trái tim chiêm niệm, đầy ắp Thần Khí Cầu Nguyện Và Sốt Mến Thánh Hảo, có sức mạnh kích hoạt sứ vụ Phúc Âm hóa”, giống như Trái Tim của Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ, Đấng chỉ thực thi một Vương Quyền Hiền Lành và Khiêm Nhường vậy.
Tác giả: Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM (21/11/2021)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (26/11/2021)